Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định để thực hiện đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông trong nội thành thông qua việc thu phí phương tiện đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 5,5 triệu xe máy, trên 600.000 ô tô. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 6 triệu xe máy và khoảng 843.00 chiếc ô tô và đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1,9 triệu ô tô, 7,5 triệu xe máy.
Theo TP.Hà Nội, việc thu phí sẽ trực tiếp tác động vào quyết định di chuyển của người tham gia giao thông vào vùng cần hạn chế. Từ đó, người dân sẽ cân nhắc phương tiện di chuyển cho phù hợp.
Lo ngại sự gia tăng của phương tiện giao thông ở mức báo động hiện nay sẽ làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trong tương lai trở nên nghiêm trọng, TP.Hà Nội cũng đề xuất quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm.
Ngay sau khi khi đề xuất trên được công bố đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, việc thu phí xe máy, ô tô vào nội thành là hoàn toàn hợp lý, bên cạnh việc làm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông dự kiến còn góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Mặt khác, nhiều người lại cho rằng dự kiến đó là không hợp lí gây khó khăn cho người dân đặc biệt là người lao động nghèo, ngoại thành Hà Nội.
Để có góc nhìn khách quan nhất về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ngắn một vài người dân để nghe những chia sẻ của họ về dự kiến thu phí ô tô, xe máy vào nội thành.
Trao đổi với PV , anh Nam (Hà Tây) tâm sự: “Đề xuất thu phí xe vào nội thành là điều rất bất hợp lý, bản thân tôi là người lao động ngoại tỉnh đã phải đóng rất nhiều loại phí rồi bây giờ vào nội thành cũng mất tiền thì chúng tôi lấy tiền đâu mà sống? Hơn nữa, việc thu phí xe cũ cao hơn xe mới là không thể chấp nhận, làm thế khác nào cấm người lao động nghèo vào thành phố. Khuyến khích người dân sử dụng xe mới, có thời hạn nhưng giá mua xe thì cao mà người dân chủ yếu là lao động nghèo, tại sao không tổ chức thu mua xe cũ của người dân để họ có điều kiện mua xe mới? Cho nên tôi nghĩ đề xuất này là không hợp lý”.
Ông Vượng (Nam Định) chia sẻ: “Tôi không đồng tình với dự kiến thu phí xe vào nội thành của TP.Hà Nội mới đây, bởi vì có thu phí cao hay cấm xe đi chăng nữa cũng không giải quyết được vấn đề. Theo tôi, nguyên nhân là do cách quy hoạch xã hội không hợp lý của nước ta, việc đưa các trường học, chung cư, trung tâm thương mại,… vào nội thành đã khiến giao thông ở Hà Nội ngày càng ùn tắc. Việc thu phí xe máy, ô tô vào nội thành khiến cho người lao động đã khó lại càng thêm khó. Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho nội thành Hà Nội chỉ có cách là quy hoạch lại xã hội, phân bố các trung tâm thương mại, trường học,… ra ngoại thành”.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Thủy (Hà Nội) chia sẻ: “Luật này mà được thông qua thì ảnh hưởng lớn đến người lao động, bởi người lao động của Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông thu nhập thấp đời sống khó khăn, việc thu phí xe vào nội thành và đặc biệt là mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm càng gây thêm khó khăn cho người lao động. Theo mình để giải quyết ùn tắc nên đưa bớt trường học, bệnh viện ra ngoại thành thì giảm được rất nhiều vì mình thấy Hà Nội chủ yếu là sinh viên và người đi khám bệnh”.
Bên cạnh những ý kiến phản đối đề xuất trên thì cũng có một số ý kiến đồng thuận, họ cho rằng làm như vậy sẽ giảm được những xe cũ không an toàn lưu thông, đỡ bị ách tắc. Đồng thời họ vẫn mong các cơ quan Nhà nước phải xem xét hỗ trợ để người dân nghèo có thể chấp hành theo luật được.
Anh Tùng – một lái xe văn phòng cho biết: “Tôi thấy dự kiến thu phí xe của Hà Nội hoàn toàn hợp lý, bản thân là người thường xuyên tham gia giao thông ở nội thành nên tôi hiểu rõ sự khó khăn trong việc đi lại. Đặc biệt những loại xe “3 không: không đèn – không còi – không xi nhan ” hiện nay khá nhiều gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.
Việc thu phí những xe cũ thải nhiều chất thải ra môi trường sẽ phần nào làm giảm được số lượng xe chất lượng kém và bảo vệ môi trường tốt hơn. Tôi chỉ hy vọng các bậc lãnh đạo sẽ có mức thu hợp lý, có những điểm thu mua xe máy cũ để giúp người dân có thể mua xe mới đảm bảo hơn”.
Phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm trên lý thuyết là rất cần thiết để giảm ùn tắc giao thông nội thành và ô nhiễm môi trường. Nhưng khi vào thực tế liệu có khả thi, bởi người dân nghèo chủ yếu là đi xe cũ thải ra lượng khí ô nhiễm lớn nên họ khó chấp nhận luật này. Vậy đề xuất liệu có cần cân nhắc?
Nguyễn Lâm - Huyền Linh