Cá là một trong những thực phẩm đầu tiên xuất hiện trong bữa ăn của loài người. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, cá luôn giữ vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của con người từ xưa cho đến nay. Cá giàu dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, được khuyến nghị nên đưa vào thực đơn hàng tuần.
Một số lợi ích của cá có thể kể đến:
- Tốt cho tim mạch
Trong một phân tích toàn diện về nghiên cứu ở người, các giáo sư của Trường Y tế Công cộng Harvard Dariush Mozaffarian và Eric Rimm đã tính toán rằng ăn khoảng 2 gram axit béo omega-3 mỗi tuần trong cá giúp giảm hơn 1/3 khả năng tử vong vì bệnh tim. Những axit béo omega-3 này có thể giúp giảm huyết áp, giảm nhịp tim và cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.
- Tốt cho mắt, tăng cường chức năng não bộ
Chức năng não bộ thường suy giảm bởi sự lão hóa. Trong khi suy giảm tinh thần nhẹ là bình thường, các bệnh thoái hóa thần kinh nghiêm trọng như bệnh Alzheimer cũng tồn tại. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những người ăn nhiều cá có tốc độ suy giảm tinh thần chậm, kiểm soát được trí nhớ tốt hơn. Bên cạnh đó axit béo omega-3 có trong cá còn có lợi trong việc cải thiện thị lực, cấu tạo tế bào võng mạc mắt.
- Giảm nguy cơ đột quỵ
Ăn cá 1-2 lần/ tuần có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, trầm cảm, bệnh Alzheimer và các tình trạng mãn tính khác. Hơn nữa trong các loại thịt thì thịt cá là thực phẩm chứa ít cholesterol nhất.
- Tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ
Đối với phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, việc ăn cá rất quan trọng vì nó cung cấp DHA, một loại axit béo omega-3 đặc biệt có lợi cho sự phát triển não bộ của trẻ sơ sinh.
-Tăng khả năng miễn dịch
Cá không chỉ góp phần làm phong phú bữa ăn mà còn chứa nguồn đạm giúp cơ thể luôn duy trì thể trạng tốt, tăng cường hệ miễn dịch. Chất đạm có trong các loại cá là nguyên liệu tạo ra kháng thể để cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn. Axit béo omega-3 giúp cân bằng tỉ lệ omega 6:3 và tạo ra phản ứng kháng viêm trong cơ thể. Phản ứng này giúp làm dịu hệ miễn dịch và duy trì sự hoạt động cân bằng.
Tuy nhiên hiện nay môi trường đang ô nhiễm nghiêm trọng nên nhiều loại thủy hải sản bị nhiễm thủy ngân độc hại, ăn vào không những không bổ dưỡng mà còn hại sức khỏe.
Theo các chuyên gia, methylmercury là chất độc nhất trong số các hợp chất thủy ngân, được hình thành khi thủy ngân vô cơ hòa tan trong nước ngọt và nước biển. Những hợp chất này sẽ dính vào sinh vật phù du và tảo đơn bào. Khi cá ăn phải những sinh vật này, thủy ngân sẽ bị giữ lại bên trong mà không thể đào thải.
Cá nhiễm độc nếu trở thành món ăn của con người, thủy ngân sẽ bị tích tụ trong cơ thể và gây ra nhiều rủi ro với sức khỏe. Người bị ngộ độc thủy ngân sẽ bị suy nhược thần kinh, giảm thính giác, rối loạn tâm thần… thậm chí là tử vong.
Chính vì những tác hại trên mà các bà nội trợ nên cẩn trọng hơn khi mua cá cho gia đình. Dưới đây là 4 loại cá được đánh giá là sạch gần như 100% và hầu như không bị nhiễm thủy ngân, ra chợ mà thấy thì chị em nên tranh thủ mua.
Cá cơm
Cá cơm là một loại cá nhỏ sống ở môi trường nước mặn. Tại Việt Nam, cá cơm phân bố ở hầu hết các vùng biển từ Bắc vào Nam. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, loại cá này chứa hàm lượng axit béo omega-3, protein, vitamin và khoáng chất dồi dào, giúp cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt, chúng chứa chất béo, cholesterol tốt cho tim mạch.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp cá cơm vào danh sách những loại cá tốt nhất vào tháng 7/2019. Đặc biệt cá cơm có vòng đời ngắn nên chứa ít độc tố hơn so với các loại cá khác.
Cá mòi
Cá mòi có bề ngoài màu trắng bạc, mình nhiều thịt, xương nhỏ nhưng lại nhiều xương dăm nên ít ai thích ăn. Tuy nhiên, cá mòi chứa hàm lượng canxi cao hơn cả sữa. 85g cá mòi chứa 325mg canxi trong khi 85g sữa chỉ có 276mg canxi. Ăn 10g cá mòi mỗi ngày là cung cấp đủ lượng chất béo cần thiết hàng ngày.
Cá mòi còn rất giàu vitamin D và DHA. Phụ nữ mang thai có thể ăn cá mòi để tăng cường miễn dịch và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi, ngăn ngừa dị tật. Thêm vào đó, so với các loại cá khác, cá mòi chứa ít thủy ngân hoặc gần như không có. Đây cũng là loại cá mà người Nhật rất ưa thích vì chúng sạch, ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường.
Cá đối
Cá đối sống chủ yếu ở các vùng nước mặn miền duyên hải và nước lợ tại các cửa sông lớn, rất quen thuộc với người Việt chúng ta. Theo y học cổ truyền, cá đối có tác dụng ích khí, cải thiện tiêu hóa và giúp điều trị bệnh viêm đại tràng mãn tính. Người cao tuổi, người ốm yếu và mới khỏi bệnh nên ăn nhiều cá đối để nhanh phục hồi.
Loại cá này cũng sinh sôi khá nhiều, vòng đời ngắn nên hầu như ít bị nhiễm thủy ngân và độc tố, chị em nên mua để ăn thường xuyên vì cũng khá rẻ.
Cá thu đao
Cá thu đao rất giàu axit béo, trong đó nhiều nhất là DHA và các axit béo không no. Ăn cá thu đao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là đối với sự phát triển trí não của trẻ. Đáng chú ý cá thu đao không được nuôi nhân tạo vì chúng có nhiều ở vùng biển của Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và được đánh bắt rất nhiều nên chị em có thể yên tâm mua.
Cá chim biển
Ngoài vị ngọt, béo ngậy thì cá chim biển có chứa hàm lượng chất béo cao, hầu hết là các axit béo không no, giàu các nguyên tố vi lượng, đặc biệt là canxi, photpho, kali, selen,… rất tốt cho việc bồi bổ sức khỏe của cả người già lẫn trẻ nhỏ.
Cá chim biển thường ăn các loại cá nhỏ, sứa, tảo biển... Loại cá này thường được đánh bắt ngoài tự nhiên chứ hiếm khi nuôi nhân tạo, vì thế bạn có thể yên tâm tiêu thụ chúng.
Cá hố
Ở một vài quốc gia châu Á như Nhật, Hàn, Trung Quốc... cá hố khá phổ biến, thường được ăn dưới dạng nướng hay ăn sống. Loại cá này ít chất béo, chứa một lượng khá cân bằng về axit béo loại omega-3 vì vậy sẽ là một lựa chọn thông minh cho các gia đình.
Cá hố là loại cá sống ở vùng biển sâu, thường được đánh bắt ngoài tự nhiên. Đồng thời, cá hố so với các loại cá khác như cá hồi, cá ngừ có giá rẻ hơn rất nhiều nên không mấy ai nghĩ đến chuyện tự nuôi chúng.
Minh Hoa (t/h)