Kinh tế phát triển, đời sống con người ngày càng đủ đầy, ấm no. Nhưng gắn liền với phát triển kinh tế vẫn còn những khiếm khuyết khó có thể lấp đầy về văn hoá, tín ngưỡng.
Nói đơn cử như việc đi lễ chùa đầu năm. Từ lâu, nó được coi là một nét đẹp văn hóa tâm linh đối với mỗi gia đình, con người. Nhưng có mấy ai đi chùa chỉ để vãn cảnh, để tìm chốn an yên đầu năm? Càng có điều kiện, thì người ta lại càng mâm cao cỗ đầy vác đến đền này, chùa nọ... Và tất nhiên, chẳng ai sửa soạn cho mâm lễ thật hậu, thật hoành tráng chỉ để tỏ tấm lòng thành mà không xin một điều gì đó cho bản thân.
Rồi họ biện minh “trần sao âm vậy”, người ta đem cả văn hóa xin cho vào nơi cửa Phật - thánh - thần...
Họ cầu gì, xin gì?
Dân văn phòng cầu cho bản thân sức khỏe, trong khi chẳng bao giờ thấy luyện tập thể dục thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
Người làm ăn cầu phúc, cầu lộc, cầu tài... trong khi có những người chẳng bao giờ thấy cố gắng phấn đấu trong công việc, cuộc sống; cũng chẳng thấy gieo mầm thiện lành.
Xã hội đen, tín dụng đen, cờ bạc... cũng sắm cái lễ đầy đặn cầu “công việc hanh thông”. Không ít kẻ “tâm xà” mà đến đền, đến chùa bỗng “khẩu phật” rồi xin đủ thứ trên đời.
...
Mới đây, hàng ngàn người đổ về chùa Phúc Khánh (Hà Nội) để tham dự lễ cầu an, cúng sao giải hạn. Không hiểu họ cầu an để làm gì, khi chính họ đang gieo những cái nhân đe dọa đến sự an toàn của bản thân mình và người khác?
Người dân đến chùa làm lễ, ngồi tràn cả đường Tây Sơn, leo lên cả cầu vượt Ngã tư Sở - nơi có mật độ giao thông đông nhất nhì Thủ đô.
Chưa kể, có những năm, người dân tranh nhau "cướp" lộc mỗi khi kết thúc nghi lễ cầu an. Họ hy vọng, "cướp" lộc được của người khác sẽ khiến bản thân mình hưởng nhiều phúc đức hơn, may mắn, suôn sẻ hơn.
Cái tư tưởng “cứ đi, cứ cầu, được thì được, không được thì thôi” nhìn qua thì thấy bình thường, nhưng nhìn lại thì là một sự lãng phí lớn. Thử nhẩm tính mà xem, số tiền quy từ mâm lễ, vàng mã cho những hoạt động cúng bái đầu năm nếu quy ra tiền, nhiều người nghèo có thêm bữa cơm, ngôi nhà, cái quần cái áo...
Tôi không vô sư vô sách hay phỉ báng thánh thần, nhưng nhìn vào cách người dân đi lễ đầu năm mới thấy, chùa chiền, miếu mạo dường như là nơi phản ánh rõ nhất sự bất an, mất niềm tin vào chính bản thân của con người. Họ có thể dâng sao, làm đủ thứ nhưng dường như cái cần nhất là tin vào bản thân mình, sống tốt từng ngày thì họ lại đang dần đánh mất.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả