Niềm hi vọngcủa bệnh nhân nghèo
Vừa là trưởng bộ môn sản của đại học Y Thái Bình, vừa là trưởng khoa sản của bệnh viện đại học Y Thái Bình, nhưng ngày ngày ông vẫn lóc cóc đi làm trên chiếc xe máy hiệu Honda 82 cổ lỗ sĩ, đã tróc hết sơn. Với dáng vẻ của một người luôn luôn vội vã, lên cầu thang lúc nào cũng bước ba bậc một, dường như ông chẳng bao giờ đủ thời gian cho hàng núi công việc phải giải quyết mỗi ngày nhưng lại luôn hào phóng thời gian cho những bệnh nhân của mình. Với hơn 30 năm trong nghề, ông là người hiểu hơn ai hết niềm vui, hạnh phúc của các ông bố, bà mẹ khi được nghe tiếng khóc chào đời của những đứa con.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Thái Bình có gần một triệu phụ nữ đang ở trong độ tuổi sinh đẻ nhưng số chị em cần đến sự can thiệp của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chiếm tỷ lệ vô cùng lớn và ngày càng tăng. Nhiều người bán lợn, bán gà, vay mượn, quyết tâm lên thành phố khám ở bệnh viện lớn, với bác sĩ giỏi hi vọng sớm được làm cha, làm mẹ.
Hiểu được tình cảnh đáng thương của các bệnh nhân nghèo, bác sĩ Minh đã không ngừng vận động bệnh viện đầu tư thiết bị, máy móc và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để người dân có thể chữa bệnh ngay trên quê hương mình. Sau một thời gian dài chuẩn bị, năm 2006, đơn vị hỗ trợ sinh sản của bệnh viện đại học Y Thái Bình chính thức đi vào hoạt động với chín cán bộ y bác sĩ có uy tín làm việc tất cả các ngày trong tuần để phục vụ người dân. Mỗi tháng, đơn vị này đã tiến hành khám, chữa bệnh cho 20 - 30 ca hiếm muộn cần đến các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với mức chi phí thấp đến nỗi ngay cả những bệnh nhân nghèo cũng không còn e ngại về nó nữa.
TS. Ninh Văn Minh trong phòng làm việc
"Bà mụ" mát tay
Biết những bệnh nhân đến với mình hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn hoặc cũng không mấy dư dả cho nên ông luôn dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ tình trạng bệnh của mỗi người để có cách chữa trị hiệu quả, an toàn, tiết kiệm nhất có thể. Thông thường, để thực hiện một ca hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, người bệnh phải trả chi phí ít nhất là 10 triệu đồng trở lên. Đấy là chưa kể những chi phí phát sinh trong quá trình điều trị. Nhưng nhờ kiên trì phối hợp các loại thuốc khác nhau trong từng giai đoạn thăm dò, chuẩn trị, TS. Ninh Văn Minh đã giúp người bệnh giảm chi phí xuống chỉ còn 1 - 2 triệu đồng.
Nhờ đó, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn sau khi dốc hết tiền của chữa trị khắp nơi không có kết quả đều không dám tin rằng mình sẽ có con với một chi phí điều trị thấp như vậy. Tin lành đồn xa, nhiều người đã tắt hẳn hi vọng có con cũng nửa tin nửa ngờ đến bệnh viện đại học Y Thái Bình tìm vị bác sĩ được mệnh danh là "Bà mụ mát tay". Thỉnh thoảng, người ta lại thấy bóng dáng một vài người lao động dáng vẻ lam lũ, tất tả đến bệnh viện tìm bác sĩ Minh để cảm ơn rồi cố dúi vào tay ông đôi ba quả bưởi còi, mươi quả trứng gà hay vài cân gạo nếp. Dân nghèo không có tiền để phong bì to, phong bì nhỏ chỉ có mấy thứ quà quê của nhà trồng được nhưng chẳng hiểu sao nó lại khiến ông cảm động rơi nước mắt. Cô Nguyễn Thu Hà (y tá bệnh viện) biết tôi là phóng viên, ghé tai tôi nói nhỏ: "Có lần, tôi thấy ông rút cả triệu bạc cho một bệnh nhân nghèo. Bởi vậy cho nên làm bác sĩ bao nhiêu năm mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Ở đây, ai cũng bảo ông gàn dở nhưng lại ước giá như bác sĩ nào cũng gàn dở được một phần của ông thì dân nghèo được nhờ biết mấy!".
Trong số đó có cả nhà thơ nổi tiếng của vùng quê "năm tấn" Đỗ Trọng Khơi. Nhắc đến cái tên Đỗ Trọng Khơi người ta nghĩ ngay đến hai từ "thán phục" bởi nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan và tâm hồn bay bổng của nhà thơ bị liệt cả hai chân này. Lập gia đình đã lâu, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi vẫn luôn mong ngóng một đứa con nhưng chạy chữa nhiều nơi mà vẫn chưa có kết quả. Đúng vào lúc tưởng như không còn hi vọng, chẳng hiểu duyên may thế nào, nhà thơ tình cờ gặp được "Bà mụ mát tay" Ninh Văn Minh và một hi vọng mới lại được thắp sáng. Không lâu sau đó, nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của bệnh viện, vợ nhà thơ đã có tin vui.
Nhưng không may, trong quá trình có thai, chị lại bị sự cố bong màng nuôi 50%. Vợ chồng nhà thơ vô cùng lo lắng, chạy khắp các bệnh viện lớn ở Hà Nội nhưng ở đâu cũng bắt gặp cái lắc đầu cùng lời kết luận: "Cái thai không thể giữ được". Cuối cùng họ trở về Thái Bình, tìm gặp bác sĩ Minh trong tâm trạng gần như tuyệt vọng. Thấy tình cảnh vợ chồng nhà thơ như vậy, ông không thể cầm lòng, cố nghĩ ra một phương pháp để cứu cái thai dù rất ít hi vọng. Cuối cùng ông cũng nảy ra một sáng kiến. Để thực hiện điều đó, ông đã phải thuê hẳn một chuyến xe lên Hà Nội chỉ để chở về Thái Bình một ống thuốc. Nhờ ống thuốc ấy, cái thai đã được giữ lại và kết quả là nhà thơ Đỗ Trọng Khơi đã có được một cậu con trai kháu khỉnh.
Kê đơn tiết kiệm cho bệnh nhân TS. Ninh Văn Minh cho rằng "Đối với một bác sĩ, ngoài những kiến thức, kỹ thuật chuyên môn, nghệ thuật sử dụng thuốc vô cùng quan trọng. Thuốc nội hay thuốc ngoại, thuốc rẻ tiền hay thuốc đắt tiền đôi khi không quan trọng bằng cách biết phối hợp chúng với nhau tạo thành một đơn thuốc đơn giản nhưng hiệu quả, tiết kiệm cho bệnh nhân". |
Dương Dung