Hình mẫu về phát huy giá trị di sản
Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích, trong đó có hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, 3.614 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 483 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh và 265 bảo vật quốc gia.
Các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ quan trọng trong việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu.
Cụ thể, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chỉ tính riêng tại 8 di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 đón hơn 14 triệu lượt khách. Năm 2019 tăng lên khoảng hơn 18 triệu lượt khách đến tham quan; doanh thu đạt hàng nghìn tỷ đồng. Đây là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế cho người dân.
Theo Kinh tế đô thị, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO Lazare Eloundou Assomo từng nói, Việt Nam là hình mẫu về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bà mong muốn kinh nghiệm của Việt Nam được chia sẻ với các quốc gia thành viên khác.
Theo đó, một trong những hoạt động cơ bản của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua là việc nhận diện giá trị, kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh ở trong nước và quốc tế, đặt chúng dưới sự bảo hộ của pháp luật; chú trọng bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, đưa di sản văn hóa trở thành địa chỉ đỏ trong việc thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Phát triển bền vững
Theo một số chuyên gia, để bảo tồn di sản, các quốc gia phải nhìn nhận nguồn lực theo hướng đa dạng chứ không chỉ ở lĩnh vực tài chính. Cần xác định con người là trung tâm, mục tiêu của phát triển bền vững, tăng cường sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản… Các ý kiến cũng chú trọng đến việc làm sao để có sự chung tay từ cộng đồng cư dân địa phương tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản, nhấn mạnh đây mới là nguồn lực quan trọng nhất.
Đồng thời, việc bảo tồn không chỉ chú trọng vùng lõi di sản mà cần có hoạch định cụ thể trên cả vùng đệm. Cũng có ý kiến cho rằng, nên lựa chọn trên danh sách các di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO công nhận để đưa vào giáo dục. Sau đó lựa chọn những di sản trên địa bàn, cộng đồng của địa phương giúp học sinh có được những hiểu biết về văn hóa của chính mình để từ đó các em có ý thức bảo vệ di sản.
Trao đổi với Đại đoàn kết ở góc nhìn chuyên gia, cụ thể để phát huy giá trị của công viên địa chất toàn cầu tại Việt Nam, PGS.TS Trần Tân Văn - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, kiến nghị: Một trong những yêu cầu tiên quyết của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO là phải có một Ban quản lý đủ mạnh (cả về nhân lực, vật lực, tài chính...), đủ quyền hạn để có thể đảm đương mọi trách nhiệm trong quản lý công viên địa chất.
Vì thế trước hết công viên địa chất cần được luật hóa, tương tự như cách hiện nay danh hiệu di sản thế giới đã được luật hóa trong khuôn khổ Luật Di sản văn hóa, hoặc tương tự như cách một số nước trên thế giới, như Hàn Quốc, Indonesia và sắp tới là Trung Quốc, đã và đang làm.
Đặc biệt, vấn đề tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng là một trong những định hướng chủ đạo của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, là giải pháp lâu dài, hiệu quả nhất để hướng đến đáp ứng nguồn nhân lực.
Cách làm tốt nhất là Ban quản lý phối hợp chặt chẽ với Sở GDĐT để xây dựng và triển khai chương trình này một cách rộng khắp, cho mọi đối tượng, từ cán bộ lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, hệ thống các trường học, các cộng đồng địa phương, và du khách.
Nêu kinh nghiệm từ các quốc gia, PGS.TS Lê Thanh Bình - Giảng viên cao cấp của Học viện Ngoại giao cho rằng: Trước hết, trong chính sách lớn, chiến lược dài hơi về văn hóa của nhiều nước phát triển, họ luôn có những phần lồng ghép với truyền thông quảng bá và không đơn giản truyền thông (nội dung, hình thức, cách thông điệp) mà đi liền với marketing để làm rõ mục tiêu, hiệu quả truyền thông ngay từ bước cơ bản.
Bên cạnh đó cũng cần đề cập đến kinh nghiệm các nước dùng công nghệ số hóa trong bảo tồn, bảo quản di sản, di tích phòng tránh, hạn chế bớt ảnh hưởng bị thời gian, môi trường tự nhiên bào mòn, phá hủy hay do các vụ tai nạn, thảm họa do con ngươi gây ra như hỏa hoạn, phá hoại, trộm cắp cổ vật, phục dựng sai với kiến trúc ban đầu, lợi dụng niềm tin để kinh doanh di sản văn hóa trái phép…
Khẳng định về giá trị của tài nguyên di sản, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội), nhìn nhận: Với một “hệ sinh thái” sinh lợi không thể “cân - đo - đong - đếm” từ tài nguyên di sản, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay đang là xu thế tất yếu của mọi quốc gia. Kinh nghiệm thực tế của một số nước trên thế giới cho thấy đầu tư vào di sản đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Tại Pháp, người ta ước tính đầu tư 900 triệu Euro cho di sản sẽ thu về 2 tỷ Euro. Nói như vậy để thấy rằng, di sản văn hóa ngày càng thể hiện rõ là “báu vật”, nguồn tài nguyên bền vững cho sự làm giàu của các quốc gia.
Còn thách thức giữa phát triển và bảo tồn
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, ở một số địa phương sở hữu danh hiệu vẫn đang trăn trở trước những thách thức giữa bảo tồn và phát triển. Phát triển kinh tế nhiều lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO.
Nhận thức về di sản, bảo vệ môi trường, gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển bền vững chưa thực sự thấm sâu vào hành động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân, lâu dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi các tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu luôn hiện hữu. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế.
Có thể thấy, thách thức cân bằng giữa việc bảo tồn và khai thác lợi ích kinh tế là bài toán khó không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Việc phát triển quá mức, đe dọa giá trị của di sản dẫn đến tước danh hiệu là bài học và cũng đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế cần khớp nhịp với bảo tồn, phát huy giá trị danh hiệu. Chỉ khi cân bằng được bài toán này, các danh hiệu mới thực sự trở thành cú hích cho sự phát triển bền vững.
Phát huy di sản văn hóa là nhiệm vụ then chốt
Du lịch bền vững được ngành du lịch Việt Nam lựa chọn làm hướng đi trong nhiều năm nay. Hoạt động này đã mang đến nhiều hiệu quả tích cực và toàn diện. Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 vừa được Booking.com công bố cho thấy, 80% số người tham gia (hơn 35.000 du khách) khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ. Trong đó, 97% du khách Việt mong muốn có những chuyến đi du lịch bền vững trong vòng 12 tháng tới.
Phát biểu tại Diễn đàn “Bền vững Việt Nam 2023: Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững” được tổ chức tại Phú Thọ mới đây, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền đã khẳng định: “Di sản văn hóa và thiên nhiên được xem là tài nguyên chính, phục vụ cho phát triển du lịch. Đồng thời, thông qua du lịch và các chính sách của nhà nước, đã giúp mang đến lợi ích cho cộng đồng được hưởng lợi từ di sản văn hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước...”.
Bàn về định hướng phát triển các giá trị di sản tại diễn đàn này, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài cũng cho rằng, phát huy di sản văn hóa là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa, trong đó mô hình hợp tác công – tư được coi là điển hình tốt về phát triển bền vững, hiệu quả trong bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản văn hóa, thể hiện vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý.
Hương Anh (t/h)