Đen: Chờ hoài, định ngày nào khao quý tử đỗ đại học đây ông?
Đá: Đang chọn địa điểm. Làm hoành tráng luôn.
Đen: Đơn giản thôi ông. Kỳ thi năm nay, nói ông đừng buồn, đám học trò đỗ thật cũng cảm thấy chạnh lòng.
Đá: Người ta bàn nát óc về tiêu cực, bất cập rồi. Ý tôi nói chuyện khác.
Đen: Đến Quốc hội cũng phải ý kiến, dừng thông qua luật Giáo dục (sửa đổi) để bàn thảo thêm.
Đá: Chuyện đại sự, không dám nhá. Tôi chỉ quan tâm đến quyết định sáng suốt của thằng con.
Đen: Mức điểm ấy, dư sức chọn. Sao phải lăn tăn?
Đá: Ngược lại, tôi mừng vì con chẳng ham hố, cũng không đua chen với đời.
Đen: Nghĩa là sao?
Đá: Thừa điểm đỗ nhưng nó không vào đại học, quyết định đăng ký trường nghề.
Đen: Lạ nhỉ? Tại sao cha con nhà ông lại “ngược dòng xu thế”?
Đá: Con cái học cao, học rộng ai chả thích. Bằng cấp này nọ, tôi cũng mê. Nhưng, hết thời kỳ hão rồi, thực tế đời sống nó khác lắm.
Đen: Nhiều phụ huynh phải dùng “thủ thuật” để con đỗ đạt. Con nhà ông lại vứt toẹt đi.
Đá: Vứt là vứt thế nào. Thành quả 12 năm là cái gốc. Nó xếp lại, rồi chọn cái nghề cho ra nghề.
Đen: Cũng đúng. Xã hội luôn cần những người giỏi nghề, theo đúng nghĩa.
Đá: Đua nhau vào đại học, lớt phớt cho qua các kỳ thi. Ra trường, nhiều đứa giỏi chơi hơn giỏi kiến thức.
Đen: Chưa kể đang có 200 trăm ngàn thạc sĩ, cử nhân không có việc làm.
Đá: Nghĩa là 5 cử nhân đại học thì 2,1 em thất nghiệp? Thật xót xa.
Đen: Đành xếp bằng cấp đi làm công nhân chứ sao.
Đá: Lúc đó, con tôi có thể sẽ là người hướng dẫn tay nghề cho đội quân đỗ đạt.
Đen: Đại học cần chứ, nhưng phải học cho ra học, có định hướng, không phải có bằng cho oai. Lãng phí sự dạy và học.
Đá: Ông thấy cu nhà tôi sáng suốt chưa. Nó bảo, sau này, có nghề trong tay, học đại học cũng chưa muộn.
Đen: Cũng là cách “đi tắt đón đầu”.
Đ.Đ