Dịch giả Thúy Toàn và câu chuyện tình trên đất nước Nga

Dịch giả Thúy Toàn và câu chuyện tình trên đất nước Nga

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Vốn yêu những tác phẩm dịch Puskin của ông từ lâu, nhưng mãi qua các mối quan hệ tôi mới gặp được dịch giả của bức thư tình nổi tiếng "Tôi yêu em".

Mặc cảm tự ti của chàng trai nông dân và tình yêu nơi xứ người

Sinh ra trong một gia đình trí thức cũ ở Phù Lưu - Từ Sơn- Bắc Ninh, cái làng mà đến quá nửa người dân, trừ các ông đồ, ông nghè, ông cống thì còn lại đều sinh sống bằng nghề đi buôn. Ông còn nhớ hình ảnh những bà, những mẹ quanh năm gồng gánh trên vai đi khắp các chợ gần, chợ xa trong huyện trong tỉnh, một bên gánh hàng, một bên gánh con. Kháng chiến bùng nổ, cả cái làng Chợ Dầu bước vào cuộc kháng chiến trường kì như nhà văn Kim Lân đã không ít lần nhắc tới trong các tác phẩm của mình.

Pháp luật - Dịch giả Thúy Toàn và câu chuyện tình trên đất nước Nga

Dịch giả Thúy Toàn.

Ở độ tuổi thất thập, dịch giả Thúy Toàn vẫn còn mải miết với nghề. Cuối tháng 9 vừa rồi, với sự giúp đỡ của đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga, cuốn Nhật kí Đặng Thùy Trâm do ông biên dịch đã chính thức ra mắt tại đất nước của những cánh rừng Tai-ga tuyết trắng. Nước Nga, với ông như một mối tình duyên dáng mà đã bén duyên rồi thì gắn bó trọn đời.

Năm mười bốn tuổi, ông có tên trong danh sách 100 học sinh được nhà nước cử đi học ở Liên Xô. Không ngờ ở nơi đất khách lại là nơi tình yêu của chàng trai Kinh Bắc với cô gái Hà thành Chu Nga nảy nở rồi gắn với nhau trọn đời. Ông hơn bà có một tuổi, thường ngày vẫn "cậu cậu, tớ tớ". Nỗi nhớ quê đã kéo những người con xa xứ lại với nhau. Tính ông vốn lành, lại khá "khờ", lại thêm phần hát quan họ khá hay nên được nhiều cô gái trong đoàn để ý. Nhưng thời điểm đó, anh chàng "khờ" Thúy Toàn chỉ biết mỗi việc học hành, bài vở.

Phần bà Chu Nga, vốn con gái Hà Nội gốc, xinh đẹp, trắng trẻo, ăn nói dịu dàng có duyên lại thêm khéo tay hay làm, biết bao người theo đuổi nhưng chỉ có anh chàng nhà quê Thúy Toàn là vẫn dửng dưng. Từ tình bạn, sự gắn bó giúp đỡ nhau trong học tập rồi đem lòng yêu lúc nào không hay. Chỉ khi nhận được chiếc áo len chính tay cô đan cho, anh chàng mới hiểu được tình cảm mà cô dành cho mình. Nhưng cái mặc cảm "nhà quê" lại thêm phần kém môn đăng hộ đối nên ông vẫn không đủã dũng khí ngỏ lời.

Sau 2 năm thì tốt nghiệp lớp phiên dịch, các du học sinh khác trở về nước công tác, chỉ còn lại 19 người được ở lại học tiếp lên cao, may mắn cả hai ông bà đều nằm trong danh sách ở lại. Chưa được bao lâu, đến cuối 1958 đầu 1959, trong nước diễn ra cải cách ruộng đất, gia đình ông lâm vào biến lớn. Ông vừa học, vừa trong tình thế sẵn sàng bị "trả" về nước bất cứ lúc nào, lại thêm phần lo lắng cho gia đình, mọi thứ đều trở nên khó khăn hơn. Cũng may, trong suốt thời gian khó khăn nhất ấy, bà vẫn luôn ở bên cạnh ông, bất chấp tai tiếng có thể dẫn đến.

Ông bắt đầu dịch những bài thơ, truyện ngắn, truyện cổ tích đầu tiên rồi gửi về nước, đăng trên các báo Thiếu niên tiền phong, Người giáo viên nhân dân, Văn học,... Đến khoảng cuối 1959-1960 thì ông gửi những bản dịch thơ tình đầu tiên về. Nhìn nét chữ tròn trịa, ngay ngắn lại kí tên "Thúy Toàn" nên càng khiến mọi người đồn là con gái. Ít người biết được, chính những nét chữ đó lại là của người con gái có tên Chu Nga.

Ông kể, thời yêu nhau, nhiều khi ai cũng cho là mình đúng. Cái mặc cảm của anh nhà quê nhiều khi vẫn khiến ông cảm thấy tự ti, nhất là những khi "nàng" giận dỗi. Vì vậy, khi đọc Puskin, ông vỡ ra liền "Tôi yêu em đến nay chừng có thể", tự nhiên như chính ông đang kể về chuyện tình của mình vậy.

Pháp luật - Dịch giả Thúy Toàn và câu chuyện tình trên đất nước Nga (Hình 2).

Vợ chồng Thúy Toàn (1), Chu Nga (2) cùng đoàn 19 du học sinh tại Liên Xô.

Vượt qua sóng gió ghen tuông

Năm 1963, tốt nghiệp trở về nước, ông được phân công về giảng dạy ở trường trung cấp Ngoại ngữ Thanh Xuân, hiện nay là trường đại học Hà Nội. Phần bà Chu Nga được cử về làm cán bộ nghiên cứu của viện Văn Học trực thuộc viện Khoa học Xã hội. Từ Thanh Xuân lên chỗ ở của bà trên phố ngày ấy còn xa lắm, phương tiện đi lại cũng không được như bây giờ. Cứ cuối tuần ông lại bắt xe lên để gặp người yêu, mượn cớ "ăn chực" nhà bếp viện Văn học, mãi hai năm sau mới tổ chức lễ cưới. Giờ nhớ lại, ông cười: "Cũng phải trải qua nhiều sóng gió lắm mới đến được với nhau. Đến được với nhau rồi cũng lại không kém phần bão tố. Mỗi người một tính, quan trọng là vợ chồng phải biết dung hòa và nhịn lẫn nhau".

Buổi khó khăn, đồng lương không đủ chi tiêu, ông phải xoay ra viết báo, rà bản thảo, dịch cho các nhà xuất bản để có đồng ra đồng vào, thành thử thời gian dành cho người yêu không được nhiều. Bà Nga lại là một người phụ nữ đẹp, lại làm việc trong môi trường toàn những người đàn ông trí thức, tài cao, học rộng. Không ít người theo đuổi nhưng Chu Nga vẫn chỉ biết tới anh chàng nhỏ bé, chân chất hiền lành Thúy Toàn khiến nhiều người cảm thấy khó tin. Thầy Toàn cũng không ít nữ sinh đem lòng thổ lộ. Cái sự "ghen" nhiều khi thành sóng gió nhưng rồi tình yêu cũng dẫn dắt họ đi qua.

Đám cưới không phải để kết thúc cho một câu chuyện tình mà lại mở ra một câu chuyện tình tiếp theo. Tiếp theo tình yêu là trách nhiệm đối với gia đình, con cái, gia đình nội ngoại hai bên.

Vốn là con cái nhà quan chức cao cấp, gia đình có điều kiện nên không quen chắt bóp chi li. Ông lại là con nhà buôn bán, từ nhỏ đã phải thay cha mẹ và chị chăm lo cho các em nhỏ, lớn lên một chút lại đi học xa nhà nên nhiều khi phải căn cơ chi tiêu cho vừa đủ, đỡ phải phiền hà tới người khác. Hai tính cách này, khi về ở cùng một nhà tưởng như mâu thuẫn, hóa ra lại hỗ trợ cho nhau.

Cho tới khi về già, gánh nặng cơm áo và con cái đỡ đi, cái tính thảo của bà lại càng phát huy triệt để, có bao nhiêu, quý con quý cháu, bà đem mua sắm, quà cáp hết. Còn ông, nhiều khi cũng để phòng xa cho gia đình, phải lập quỹ đen. Đến khi về hưu, cùng anh em lập ra trung tâm văn hóa Đông Tây, ông đã có chừng hai chục triệu để đóng góp vào. Số tiền ấy bây giờ không nhiều, nhưng thời điểm hiện tại thì không nhỏ. Biết chuyện, bà Nga chỉ cười. Bà biết cái đam mê với văn học, dịch thuật và ước mong tiếp tục được làm việc của ông vẫn còn rất lớn.

Đỗ Hu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.