Từ đầu năm 2025 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, tạo ra sự biến động đáng kể trên thị trường tài chính.
Về phía 4 ông lớn quốc doanh gồm BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank, mức lãi suất huy động của nhóm này vẫn đang được niêm yết ở mức thấp nhất trên thị trường.
Agribank là ngân hàng duy nhất trong nhóm có sự điều chỉnh lãi suất huy động. Cụ thể, Agribank đã điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm % đối với lãi suất tại kỳ hạn 3-9 tháng, đồng thời ngân hàng này cũng giảm 0,1%/năm với lãi suất tại kỳ hạn 12-36 tháng.
Chỉ tính riêng trong tháng 1/2025, đã có tổng cộng 10 ngân hàng thực hiện việc tăng lãi suất huy động bao gồm: Agribank, Eximbank, VietBank, Bac A Bank, KienlongBank, ABBank, BaoViet Bank, NCB, MBV và BVBank.
Bước sang tháng 2/2025, xu hướng này tiếp tục với việc một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất bao gồm: Techcombank, Viet A Bank, Vikki Bank, Eximbank, VietBank và BaoViet Bank. Cụ thể, ngay từ đầu tháng 2, Techcombank đã có động thái tăng nhẹ 0,2% điểm % với lãi suất ở các kỳ hạn từ 1 - 11 tháng.
Eximbank cũng đã thực hiện một đợt điều chỉnh lãi suất huy động, trong đó lãi suất tại các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng tăng 0,1%/năm. Ngược lại, ngân hàng cũng tiến hành giảm lãi suất 0,2 điểm % với các kỳ hạn dài từ 15 đến 36 tháng.
Đáng chú ý, hồi tháng 1, Eximbank cũng đã có hai lần tăng lãi suất huy động với mức tăng khá lớn lên tới 1,6%/năm cho lãi suất tại các kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng.
VietABank tăng lãi suất cho các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng thêm 0,1%/năm. Về phía Vikki Bank, ngân hàng này điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng tăng mạnh 0,3%/năm và kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,1%/năm lên mức 4,4%/năm.
Đối với lãi suất kỳ hạn 6-8 tháng, ngân hàng điều chỉnh tăng 0,05%/năm lên mức 5,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,1%/năm lên 5,9%/năm. Vikki Bank cũng đã điều chỉnh giảm 0,1-0,2%/năm các kỳ hạn từ 13-36 tháng xuống còn 5,9%/năm.
Trong tháng 2, VietBank cũng tăng lãi suất cho các kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng và từ 7 đến 9 tháng. BaoViet Bank điều chỉnh tăng lãi suất huy động với kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,2%/năm, lên 3,5%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng đã áp dụng mức lãi suất đặc biệt cao cho các khoản tiền gửi lớn. PVcomBank hiện dẫn đầu với lãi suất lên tới 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, áp dụng cho số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
HDBank cung cấp lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, yêu cầu số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Vikki Bank áp dụng lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, với số tiền gửi tối thiểu 200 tỷ đồng.
Việc tăng lãi suất huy động này được cho là xuất phát từ nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng 16% năm 2025. Đồng thời xuất phát từ áp lực cạnh tranh trong việc thu hút nguồn vốn từ khách hàng.
Tuy nhiên, việc lãi suất tăng quá nhanh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với doanh nghiệp và người vay vốn. Chính phủ và NHNN đã có những động thái kịp thời để kiểm soát thị trường, đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.
Ngày 24/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong thời gian qua, đồng thời giám sát chặt chẽ việc công bố và thực hiện lãi suất huy động, cho vay của các tổ chức tín dụng.
Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, vừa qua vẫn có một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động, là yếu tố tác động làm tăng lãi suất cho vay.