Điểm nghẽn nhân lực giáo dục

Điểm nghẽn nhân lực giáo dục

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 4, 13/11/2024 07:00

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc tới từ “điểm nghẽn” ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương nhiều ngành, và chỉ ra “điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế”. Và Tổng Bí thư còn chỉ ra, điểm nghẽn là... do mình.

Tôi có nhiều bạn bè là giáo viên, là người quản lý giáo dục, nghe họ ngồi than với nhau thì mới thấy rằng là họ rất giỏi, với những điều kiện như thế, "điểm nghẽn" như thế mà họ vẫn "hoàn thành nhiệm vụ" thì quá giỏi.

Một cô hiệu trưởng kể, trường thiếu giáo viên, báo cáo lên trên để xin, từ cuối niên học trước. Hết hè vẫn không thấy bổ về, bèn phải đi hợp đồng (số sinh viên ra trường chưa có chỗ dạy, tôi không dùng thất nghiệp) khá đông, chọn lựa nhấc lên đặt xuống, được mấy người, bố trí về các lớp, học trò rất khoái, vì các thầy cô mới, trẻ và đẹp, rất nhiệt tình và cũng rất hòa đồng với học sinh, teen như chúng.

Được vài tháng, "trên" bổ về cho mấy người, thế là phải sa thải số hợp đồng. Cô hiệu trưởng này tử tế, rất áy náy, liên hệ với các hiệu trưởng khác để gạ họ nhận số giáo viên suýt được dạy này. Cô ấy kể thương lắm, tôi hồi hộp, thế có... gả bán hết không? May là hết, nhưng buồn, cả học sinh và thầy cô đều buồn.

Nhưng đấy chưa phải là tất cả.

Trường thiếu giáo viên hóa lý, "trên" điều cho giáo viên sử địa. Tôi lại hồi hộp: Thế xử lý thế nào? À rồi cũng phải xong? Anh có biết tích hợp là gì không? Là dạy cả môn mình không được đào tạo. Thì đấy, em phải bố trí kiểu ấy.

Điểm nghẽn nhân lực giáo dục- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Lại nhớ trên mạng đang trôi nổi cái đề tích hợp đến chết cười, trôi nổi nhưng khá nhiều group giáo viên chuyền nhau. Đề là:

(1) "Một hôm Chí Phèo say rượu đi về nhà trên một đường thẳng.

(2) Cứ mỗi phút Chí Phèo tiến được 0,5 m rồi lại lùi 0,4 m với xác suất như nhau".

Dùng kiến thức các môn học để trả lời các câu hỏi sau: các câu ấy là của các môn: Toán, văn, giáo dục công dân, an toàn giao thông, kỹ năng sống, hóa học, vật lý, lịch sử, địa lý, mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, công nghệ, sinh học, ngoại ngữ, tin học, vân vân và câu hỏi nào cũng rất có lý.

Nhà báo Đào Tuấn viết trên Facebook của mình (lược trích):

"Chuyện thời sự là nhiều trường ở Lang Chánh, Thanh Hóa phải tạm dừng một số môn học, kể cả tiếng Anh do…thiếu giáo viên. Thiếu cả trăm người.

Trên toàn quốc, thiếu 113.491 giáo viên. Thiếu trầm trọng, nhưng trong hoàn cảnh còn 64.000 biên chế chưa tuyển dụng.

Chả lạ. Có năm chúng mình vẫn thừa 10.178 GV, và vẫn thiếu 94.714 GV.

Đừng hỏi "thế là thế nào?".

Tôi chịu! Mà không phải chỉ tôi, cả 63 thầy giám đốc sở, cả thầy bộ trưởng cũng chịu...

Chuyện thật 100% là nhân sự ngành giáo dục do Bộ Nội vụ quản lý. Thầy Bộ trưởng không thể điều động giáo viên từ tỉnh này sang tỉnh kia, thầy giám đốc cũng vậy: không thể điều từ huyện thừa sang huyện thiếu.

Thầy Sơn bộ trưởng từng "sòng phẳng" rồi đấy: Ngành giáo dục đang nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: Giáo viên, và tài chính.

Quy trình ở mình giờ là trường thiếu giáo viên sẽ kêu thật to, sẽ đề xuất lên Phòng giáo dục. Phòng giáo dục lại báo cáo lên Phòng Nội vụ. Phòng Nội vụ lại báo cáo lên huyện, rồi huyện lập hội đồng tuyển dụng giáo viên.

Tại sao không giao quách cho phòng giáo dục tuyển dụng mà lại phải có phòng nội vụ ở đây? Vì ở ta nó thế. Vì chả nhẽ sinh ra một cái ngành mà lại không làm gì!...

... Dường như đã đến lúc phải trả lại các cô về cho các thầy, trả lại quyền tuyển dụng, quản lý giáo viên về cho ngành Giáo dục rồi.

Đã đến lúc chấm dứt cái chép miệng "ở ta nó thế" rồi.

Chứ "có tất cả", trừ giáo viên với tài chính thì thật ra chỉ còn mỗi nước dãi thôi".

Tôi có đọc đoạn này cho một số thầy cô hiệu trưởng nghe, họ chỉ... cười, cái kiểu, nó như thế rồi, chả làm gì được? Tôi hỏi, thế nếu giao cho các thầy cô tự tuyển giáo viên thì sao? Họ đồng thanh ồ lên, thế thì quá tốt, giao biên chế rồi để bọn em tự tuyển và chịu trách nhiệm với chất lượng học sinh. Chứ như thế này mà đòi chất lượng là rất khó, bởi giáo viên thiếu, rồi phân công người môn này dạy môn kia thì làm sao mà đòi chất lượng. Môn tin học mà giáo viên nhạc dạy thì làm sao mà học trò giỏi được, thì làm sao mà không phải học thêm?

Một cô giáo dạy văn vừa "khoe": em dạy văn và kiêm thêm dạy công nghệ, tôi hỏi là dạy vi tính á, bảo không phải, là ngày xưa cái môn kỹ thuật á, kỹ thuật nông nghiệp và công nghiệp, giờ gộp lại, "may vá nấu ăn bắt vít cầu chì điện chơi tất".

Cô giáo Anh văn cũng khoe em đang dạy kiêm môn này.

Cũng mấy hôm nay, tôi gặp rất nhiều nhóm học sinh đang tập văn nghệ để diễn, để thi nhân ngày 20/11 này. Nhiều nhóm tập rất hoành tráng, cũng chồng tháp người, cũng bưng bê, học sinh nữ nằm ngang, 4 bạn nam bê lên quá đầu, chân tay khua khoắng loạn xạ, rất hồi hộp, chỉ sợ nó bê lộn chỗ.

Có nhóm thuê chiêng trống đầu lân, đa phần là váy hoặc quần áo bộ đội, có cả áo trấn thủ quả trám... Tôi hỏi một cô hiệu trưởng, cô bảo: "Mỗi tiết mục phải hơn chục triệu đấy ạ, trang phục, đạo cụ, còn nếu thuê đạo diễn (là các diễn viên chuyên nghiệp) thì nhiều hơn nữa. Và tiền ấy thì... vận dụng, xã hội hóa, nên rất dễ bị phụ huynh kêu".

Cô kể, trường em em cho làm 2 thứ, cho học sinh vui mà có ý nghĩa, một là báo tường, hai là thi sáng tạo tái chế, chổi cùn giẻ rách tới bao nilon quần áo đồ dùng cũ được tận dụng để tái chế, vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, mà các em cũng rèn luyện tính sáng tạo và cần cù.

Lại còn chuyện này nữa, khá nhiều trường thiếu hiệu trưởng hoặc hiệu phó. Một người có trách nhiệm của một tỉnh giải thích cho tôi, nó có nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất là, muốn làm cán bộ quản lý thì phải học trung hoặc cao cấp chính trị.

Một số thầy cô thì không muốn đi, vả nữa, chuyện đề bạt là của chính quyền, phòng nội vụ chuẩn bị, còn học lại do bên tổ chức Đảng làm, nên nhiều khi nó tréo ngoe, có người trường và phòng đưa vào nguồn thì tổ chức không cử đi học, và ngược lại, người được cử đi học lại không trong nguồn, không được chính cơ sở tín nhiệm.

Không rành lắm chuyện này, nhưng cũng một người có trách nhiệm giải thích, rằng hiệu trưởng hay hiệu phó họ là viên chức quản lý, thì không cần tính tiêu chuẩn như công chức quản lý.

Đại loại nghe xong, từ chuyện bộ trưởng phải ví mình "Như một vị tướng không vũ khí, không cả lính", rằng "giáo dục nắm mọi thứ, trừ nắm giáo viên, và tài chính", tới các hiệu trưởng "tung hoành ngang dọc" khi mọi thứ đổ lên đầu mình, không chỉ "sợ" cấp trên mà còn "sợ" cả phụ huynh và nhất là... mạng xã hội.

May là, hiện dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó "Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo", và "Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo., và nhiều người hiểu biết, trong ngành nói rằng, việc này nhẽ phải làm lâu rồi.

Nhiều giáo viên thì chỉ ao ước: làm sao để giáo viên chỉ có một việc phải làm là dạy, dạy và dạy. Giáo viên không phải là người... thu tiền, không phải họp phụ huynh chỉ để... thông báo số tiền phải đóng, rồi mỗi khi lên lớp thì như "trương tuần" thu nợ, chưa kể hàng loạt việc ngoài dạy khác.

Và cũng bớt các thứ thi đua nhiều khi khá vô bổ đi, để tổ chức những sinh hoạt bổ ích, thiết thực, tập trung cho dạy và học, để thầy ra thầy trò ra trò, để dạy học không còn là áp lực...

* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.