'Điểm sàn đảm bảo chất lượng đào tạo'

'Điểm sàn đảm bảo chất lượng đào tạo'

Thứ 2, 18/03/2013 08:20

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD & ĐT không nên bỏ điểm sàn như quy định hiện hành, vì điểm sàn là cơ sở duy nhất để đảm bảo chất lượng đào tạo hiện nay.

PGS.TS Ngô Kim Khôi, cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT cho rằng, điểm sàn được áp dụng từ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2005 theo phương thức “3 chung”.

Theo ông Khôi, điểm sàn là điểm  tối  thiểu để thí sinh được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi theo phương thức này. Điểm sàn được xác định cho từng khối thi A, B, C, D đối với học sinh phổ thông - KV3. Điểm sàn tương ứng với các nhóm đối tượng ưu tiên kế tiếp giảm 1,0 điểm và các khu vực ưu tiên kế tiếp giảm 0,5 điểm.

Xã hội - 'Điểm sàn đảm bảo chất lượng đào tạo'
Dư luận cho rằng điểm sàn là cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục (Ảnh minh họa)

Trong điều kiện nước ta hiện nay, khi hệ thống kiểm định chất lượng chưa phát triển, kinh nghiệm và các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học chưa đồng đều thì việc quy định điểm sàn xét tuyển là rất cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ; trên cơ sở đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực – ông Khôi nói.

Để chứng minh cho những quan điểm đúng đắn về điểm sàn mà Bộ GD & ĐT quy định ông Khôi nhấn mạnh, điểm sàn đã được xác định cho từng khu vực ưu tiên, mỗi khu vực ưu tiên kế tiếp cách nhau 0,5 điểm (thí sinh ở khu vực KV2, giảm 0,5 điểm, ở khu vực KV2 - nông thôn giảm 1,0 điểm và ở khu vực KV1 giảm 1,5 điểm so với thí sinh ở khu vực KV3 không ưu tiên) và cho từng đối tượng ưu tiên, mỗi đối tượng ưu tiên kế tiếp giảm 1,0 điểm (thí sinh thuộc nhóm ưu tiên (UT1), giảm 2,0 điểm và nhóm (UT2) giảm 1,0 điểm so với thí sinh không ưu tiên).Ví dụ: Điểm sàn đại học khối A kỳ thi tuyển sinh năm 2012 đối với học sinh phổ thông ở khu vực 3 (HSPT-KV3) là 13,0 điểm, thì điểm sàn tương ứng theo từng khu vực ưu tiên là: Khu vực 2 (KV2) là 12,5 điểm; khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 12,0 điểm và khu vực 1 (KV1) là 11,5 điểm.

Tương tự, điểm sàn của thí sinh thuộc nhóm ưu tiên 1 (UT1) là 11,0 điểm và nhóm ưu tiên 2 (UT2) là 12,0 điểm. Nếu thí sinh vừa ở khu vực 1 (KV1) và vừa thuộc nhóm ưu tiên 1 (UT1), thì điểm sàn tương ứng là 9,5 điểm, giảm 3,5 điểm so với 13,0 điểm đối với học sinh phổ thông ở khu vực 3 (HSPT - KV3) không được ưu tiên.

Từ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2005 đến năm 2012, điểm sàn được xác định dựa trên các tiêu chí cơ bản sau: 1) Kết quả thi của thí sinh theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT đối với từng khối thi A, B, C, D; 2) Chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng từng khối thi; 3) Chính sách ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh; 4) Cơ cấu vùng miền, cơ cấu xã hội và loại hình trường và 5) Khả năng dịch chuyển của thí sinh giữa các khu vực, vùng miền.

Ông Khôi nhận định, căn cứ kết quả thi của thí sinh theo từng khối thi, chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng, chính sách ưu tiên… thường trực hội đồng thực hiện việc thống kê điểm toàn quốc và thống kê điểm theo từng khối thi, từng đối tượng và khu vực tuyển sinh. Trên cơ sở thống kê điểm và phổ điểm, thường trực hội đồng tính toán, cân đối, khả năng luân chuyển, hệ số dôi dư và dự kiến 3 phương án điểm sàn tương ứng với 3 mức điểm khác nhau của từng khối thi trình Hội đồng xem xét, phân tích, lựa chọn và biểu quyết thông qua, để tư vấn về phương án điểm sàn phù hợp nhất, khả thi nhất cho kỳ tuyển sinh. 

Căn cứ quyết nghị và tư vấn của Hội đồng về phương án điểm sàn, Bộ GD&ĐT quyết định về điểm sàn xét tuyển đại học, cao đẳng đối với từng khối thi cho kỳ thi tuyển sinh.

Nguyên An

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.