Điện Biên là một tỉnh miền núi với hơn 59,9 vạn dân, 19 dân tộc anh em sinh sống (Mông, Thái, Kinh, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Lào, Hoa, Kháng, Mường, Cống, Xi Mun, Si La; Nùng, Phù Lá, Tày,...). Trong đó dân tộc Mông chiếm 38,12%; dân tộc Thái chiếm 35,69%; dân tộc Kinh chiếm 20%, còn lại là các dân tộc khác.
Các dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có tiếng nói riêng. Trong số 19 dân tộc, có dân tộc Thái và dân tộc Mông là 02 dân tộc thiểu số được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép triển khai dạy chữ viết ở cấp Tiểu học.
Những năm qua, sự nghiệp phát triển giáo dục dân tộc của tỉnh Điện Biên có những bước tiến quan trọng. Quy mô trường, lớp được mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tỉ lệ huy động dân số trong các độ tuổi mầm non, phổ thông ra lớp ngày càng tăng; tỉ lệ người biết chữ trong các độ tuổi được nâng lên; chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao; giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được quan tâm; các mục tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo và đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Những thành tựu đạt được là căn cứ để Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở mức độ 3; duy trì vững chắc kết quả xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, từng bước phổ cập giáo dục trẻ em mẫu giáo dưới 5 tuổi.
Những kết quả đáng mừng
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Điện Biên có 170 trường mầm non cho trẻ em 5 tuổi, với 2.485 lớp, gần 59 nghìn trẻ. 100% giáo viên dạy lớp 5 tuổi có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên. Tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,93%; tỉ lệ trẻ 5 tuổi học được đánh giá hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%. 129/129 xã, 10/10 huyện duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Đối với phổ cập giáo dục tiểu học, toàn tỉnh có 148 trường, 2.886 lớp và gần 74 nghìn học sinh. Gần 60% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. 99,6% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp.
Tỉ lệ trẻ 6 tuổi đi học lớp 1 đạt 100%; tỉ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,15%. 100% xã, huyện duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; 119/129 xã đạt chuẩn bổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỉ lệ 92,2%; 7/10 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, tỉ lệ 70%. Tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2.
Về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, toàn tỉnh có 128 trường, 1.401 lớp, trên 47 nghìn học sinh. 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo và trình độ nghề nghiệp. Tỉ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 - 18 tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 92,6%; tỉ lệ đã và đang theo học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông và tương đương là 67,6%. 100% xã, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 79/129 xã, 3/10 huyện đạt chuẩn mức độ 3. Tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 vào cuối năm 2020.
Công tác xóa mù chữ cũng đạt thành tựu quan trọng với tỉ lệ đối tượng trong độ tuổi 15 - 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 là 96,1%; tỉ lệ đối tượng trong độ tuổi 15 - 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 là 98,81%; tỉ lệ đối tượng trong độ tuổi 15 - 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 là 84,73%; tỉ lệ đối tượng trong độ tuổi 15 - 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 là 96,41%. 100% xã, huyện đạt chuẩn và duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỉnh được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào cuối năm 2020.
Tiếp tục nỗ lực
Nhìn lại kết quả đã đạt được, bên cạnh niềm vui thì vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình đảm bảo và thúc đẩy quyền được giáo dục và đào tạo của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù tỉnh Điện Biên đã đạt các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và số người biết chữ trong độ tuổi 36 – 60 ở một số vùng đặc biệt khó khăn đã đạt kế hoạch đề ra nhưng tiêu chí đạt chuẩn còn ở mức tối thiểu, thiếu tính bền vững. Tỉ lệ học sinh, học viên đi học không chuyên cần ở một số thời điểm còn cao. Chất lượng giáo dục ở một số trường vùng cao đã có chuyển biến nhưng còn chậm…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do địa bàn tỉnh rộng, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống phân tán, xa trung tâm xã, xa trường học, trình độ dân trí không đồng đều. Một số hiện tượng xã hội như tảo hôn, di dịch cư tự do, vượt biên trái phép đi lao động ở nước ngoài… đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động trẻ đi học, duy trì sĩ số học sinh.
Ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 sau khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở đi lao động tự do dẫn đến khó khăn trong việc huy động ra học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp.
Việc huy động người mù chữ ra lớp và duy trì sĩ số học viên gặp khó khăn do người học là nhân lực lao động chính trong gia đình, số lượng người học ở các bản ít và khoảng cách giữa các bản xa nhau; thời gian học phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết và một số phong tục tập quán của người dân. Một bộ phận học viên sau khi xóa mù chữ do ít sử dụng nên tái mù chữ trở lại.
Những tồn tại, hạn chế trên đòi hỏi tỉnh Điện Biên phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, về truyền thông, cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng động và mỗi người dân về mục đích, ý nghĩa của công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập, làm cơ sở vững chắc góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, xác định nhiệm vụ phổ cập giáo dục - xóa mù chữ là trách nhiệm của toàn xã hội, là quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân.
Bên cạnh đó, tăng cường, nâng cao năng lực, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục đào tạo nói chung và nhiệm vụ phổ cập giáo dục - xóa mù chữ nói riêng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục đào tạo và phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.
Tỉnh cũng đã đưa nội dung phổ cập giáo dục - xóa mù chữ vào chương trình công tác của các cấp, xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đối với việc phát triển giáo dục đào tạo và thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.
Các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, cấp uỷ, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác vận động nhân dân cho trẻ trong các độ tuổi phải phổ cập ra lớp, đi học chuyên cần, giảm bỏ học giữa chừng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập; tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, cho học viên học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên.
Đồng thời củng cố, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức lớp học chuyên đề cho những người mới biết chữ nhằm củng cố kết quả biết chữ, hạn chế mù chữ trở lại; phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, các lớp học nghề truyền thống, nghề ngắn hạn cho những người mới biết chữ.
Đối với công tác xóa mù chữ, Điện Biên sẽ tiếp tục huy động cán bộ đã nghỉ hưu, các hội viên, đoàn viên các tổ chức đoàn thể tham gia dạy xóa mù chữ. Đẩy mạnh hoạt động tình nguyện dạy xóa mù chữ của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ; huy động cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tham gia dạy các lớp xóa mù chữ ở biên giới; vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí hỗ trợ cho người dạy và người học xóa mù chữ.
Bằng nhiều giải pháp, tỉnh miền núi, dân tộc Điện Biên quyết không để ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận cơ hội giáo dục và đào tạo - một trong những minh chứng cho việc bảo đảm quyền con người phổ quát đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc mà Việt Nam là thành viên tham gia.