Hiếm có sự kiện lịch sử nào mà lại tạo nên nhiều cảm hứng cho thơ ca như chiến thắng Điện Biên Phủ. Những gian nan, vất vả, những hy sinh của quân và dân ta đã tạo cảm hứng cho các thi sỹ, nhạc sỹ, góp phần làm nên tên tuổi của họ trong nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Đại hợp xướng ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ
Đầu tiên có thể kể đến nhạc sỹ Đỗ Nhuận với "Hành quân xa", "Trên đồi Him Lam" và "Giải phóng Điện Biên" đã gây xúc động hàng triệu trái tim người Việt Nam 65 năm qua. Trong đó, đặc biệt nhất và phổ biến rộng nhất, nhanh nhất là ca khúc "Giải phóng Điện Biên".
Chỉ sau khi ra đời vài tiếng, bài hát đã được biểu diễn tại lễ mừng chiến thắng Điện Biên và 70 năm qua, mỗi lần ca khúc vang lên là một lần không khí hào sảng của những tháng ngày đánh trận Điện Biên được tái dựng qua từng nốt nhạc, ca từ...
Xuất xứ ra đời của "Giải phóng Điện Biên" đã được nhạc sĩ Đỗ Nhuận ghi chép trong hồi ký "Âm thanh cuộc đời" như sau:
"Ngày 7/5/1954, chúng tôi đang cuốc, rải đá, thì vào buổi chiều, một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: "Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!". Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy không cần nhạc đệm… Tôi lại đàn, lại hát. Đêm hôm đó, tôi ngồi viết bên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm, suốt sáng. Tay búng chiếc violin, mồm cứ y ỷ, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Có mấy củ sắn lùi trong bếp than để bồi dưỡng đêm, tôi vừa viết, vừa bóc sắn ăn".
Ca khúc "Giải phóng Điện Biên" đã ra đời từ đó, đến nay vẫn trở thành "tượng đài" bằng âm thanh, một bản hùng ca bất hủ gắn với chiến dịch giải phóng Điện Biên. Ca khúc này cũng được chọn làm nhạc hiệu chính thức hằng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cùng với các ca khúc của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, rất nhiều những tác phẩm khác như "Trường ca Sông Lô" của Văn Cao, "Đường lên Tây Bắc" của Nguyễn Thành, "Hò kéo pháo" của Hoàng Vân, "Chiến sĩ Tây Bắc hành khúc" của Lưu Hữu Phước, "Tây Bắc sáng lại" của Trọng Bằng, "Tình ca Tây Bắc" của Bùi Đức Hạnh… đều lấy cảm hứng từ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hợp xướng Hoan hô chiến sĩ Điện Biên được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Tố Hữu. Cả bài thơ mang tiết tấu nhanh, mạnh, khỏe, ào ào như sóng reo, thác cuốn, lửa cháy và bão táp. Câu chữ dân dã, dễ hiểu, mang hàm lượng thông tin rất cao.
Tất cả đã trở thành đại hợp xướng ca ngợi Tây Bắc anh hùng, ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Những ca khúc ấy dù là được thu âm và thể hiện trong thời kỳ chống Pháp hay giữa thời bình, dù được thể hiện bởi những nghệ sỹ có mặt trên chiến tuyến hay bởi những ca sỹ thế hệ mới thì vẫn chất chứa thật nhiều niềm tự hào dân tộc, vẫn hừng hực khí thế ra trận, vẫn truyền lửa tin yêu, lạc quan cho con người…
Điện Biên Phủ trong thơ
Cảm hứng về Điện Biên xuất hiện trong thơ rất nhiều, cả trong khi chiến dịch đang diễn ra và khi đã giành thắng lợi. Trong đó, những tên tuổi như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu… và cả Chế Lan Viên, Xuân Diệu… đã khai thác rất nhiều chất liệu từ cuộc kháng chiến đầy gian khổ mà hào hùng của quân và dân ta.
Ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, Tố Hữu đã có một bài thơ rất hay, rất kịp thời và đúng lúc "Hoan hô chiến sỹ Điện Biên".
Bài thơ là dòng ký sự chiến dịch, là khúc tâm tình reo vui chiến thắng, được thể hiện bằng một ngôn từ trong sáng, mộc mạc và một tiết tấu thơ linh hoạt, phong phú, thể hiện niềm hân hoan tột độ của cả dân tộc đang bước lên vũ đài chiến thắng: "Kháng chiến ba ngàn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực/ Trên đất nước như huân chương trên ngực/ Dân tộc ta, dân tộc anh hùng/ Điện Biên vời vợi nghìn trùng/ Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta"…
Sau này, trong bài thơ Việt Bắc viết vào tháng 10/1954, Tố Hữu còn khắc họa lại cái khí thế như sóng cuộn thác trào của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên với niềm tin tất thắng: "Những đường Việt Bắc của ta/ Đêm đêm rầm rập như là đất rung/ Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan/ Dân công đỏ đuốc từng đoàn/ Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay/ Nghìn đêm thăm thẳm sương dày/ Đèn pha bật sáng như ngày mai lên".
Cùng với Tố Hữu, tác giả Nguyễn Đình Thi cũng có khá nhiều bài thơ lấy cảm hứng từ chiến dịch Điện Biên. Đầu tiên là tác phẩm "Bài ca Điện Biên Phủ" với sự khắc họa hình ảnh người lính Cụ Hồ đang tham gia chiến dịch với phẩm chất kiên cường, xông xáo, dũng cảm: "Người ngã lại người ngã/ Trên cánh đồng Mường Thanh/ Mắt quắc lên nảy lửa/ Chiến sĩ vút lao nhanh".
Về sau, năm 1955, khi kết thúc bài thơ Đất nước, Nguyễn Đình Thi lại một lần nữa khai thác cảm hứng Điện Biên với những hình tượng thơ kỳ vĩ, rực rỡ: "Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa".
Chiến thắng Điện Biên Phủ còn đọng lại trong cảm quan của con người thời bình ở vẻ đẹp. Một giá trị hợp nhất mọi phạm trù cao cả, trác tuyệt, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa yêu nước… Đẹp vì chiến thắng bằng sức mạnh của vũ khí thô sơ, trang phục, cốt cách chất phác và còn đẹp ở cả sự phản ánh chân thực của những câu thơ. Trong tác phẩm "Giá từng thước đất", nhà thơ Chính Hữu với những câu thơ như người lính chưa trau truốt, hoa mĩ mà thật như sự thật ở đời:
"Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội/
Đồng đội ta
Là hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa"
70 năm đã qua nhưng khí thế của chiến thắng Điện Biên vẫn như còn tươi mới. Cảm hứng từ bản anh hùng ca của dân tộc vẫn tiếp tục truyền lửa sáng tác cho các cây bút chuyên và không chuyên ngày nay.