Vị tướng tài ba giản dị
Đại tướng Lê Trọng Tấn sinh ngày 1/10/1914 sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là TP.Hà Nội).
Ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia mặt trận Việt Minh năm 1944. Ông tham gia vào Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông, phụ trách Quân sự khi Cách mạng tháng 8 nổ ra. Cách mạng thành công, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi nhắc đến Đại tướng Lê Trọng Tấn, ông Lê Văn Khuê (sinh năm 1943, tổ 5, phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) cho biết đến năm 1954 ông mới biết về cụ Tấn bởi những năm tháng kháng chiến chống Pháp ông còn quá nhỏ nên chưa hiểu chuyện. Ở thôn quê này, người dân gọi tên cụ Tấn bằng cả sự nể phục và kính trọng.
Ông Khuê kể, kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, cụ Tấn mời toàn thể nhân dân ra đình làng Yên để nói chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi đó còn nhỏ ông Khuê không nhận thức được nhiều, chỉ nhớ những câu chuyện mà cụ Lê Trọng Tấn kể xoay quanh về trận chiến ở Điên Biên Phủ, chiến thuật, cách đánh của ta ra sao, đánh vào sườn, vào bụng địch thế nào...
Những câu chuyện mà cụ Lê Trọng Tấn kể cho những người con ở quê hương nghe đều hài hước dí dỏm nhưng toát lên tinh thần chiến đấu vẻ vang của các chiến sĩ.
Ông Khuê nhớ lại: “Đối với con cháu như bố tôi mặc dù là cháu nhưng nhiều hơn cụ Tấn một tuổi, thế nhưng cụ Tấn không phân biệt mà vẫn đối xử rất điềm đạm. Tính cách của cụ thẳng thắn nên không làm mất lòng ai. Ngày Tết, cụ về vào ngày mùng 2 Tết để chúc tết con cháu trong nhà, trong dòng họ. Tết nào về cũng hay sang uống rượu cùng bố tôi”.
Nói chuyện về cụ Tấn, ông Khuê luôn tỏ rõ một sự trân trọng đặc biệt với vị Đại tướng tài ba. Ông Khuê kể, ngày ấy từ đường Quốc lộ 6 vào đến nhà cụ Tấn là một con đường đất nhỏ (hay còn gọi là bờ ruộng). Về đến đầu làng cụ ít khi đi thẳng đường làng về mà cụ Tấn hay lội ruộng đi qua ao cá ở cạnh nhà mình.
Vì là Đại tướng nên khi đâu hay làm gì, cụ Tấn thường được người bảo vệ và lái xe đi cùng. Không vì thế mà cụ Tấn tỏ ra kiêu ngạo, ngược lại cụ còn không muốn nhiều người biết đến công việc cũng như địa vị mà cụ đang đảm nhiệm.
Ông Khuê kể tiếp: “Khi 18 tuổi tôi vào quân ngũ đóng quân ở khu cột cờ Hà Nội cũng hay vào nhà cụ Tấn chơi, nhà cụ ở đường Hoàng Diệu. Những lần ấy cụ thường nói về tư cách của người quân nhân, làm việc cho tốt để hoàn thành trách nhiệm của mình”.
Trong trí nhớ của ông Khuê khi bước vào ngôi nhà của Đại tướng Lê Trọng Tấn khác xa với những gì mà cụ... tưởng tượng. Cứ ngỡ rằng nhà của đại tướng phải xa hoa, hào nhoáng lắm thế nhưng cuộc sống của vị đại tướng này lại vô cùng giản dị, đồ đạc cũng rất đơn sơ.
Dù là vị tướng nhưng cuộc sống gia đình cụ Tấn khó khăn. Khi ấy mẹ ruột của cụ Tấn cũng nuôi lợn, nuôi gà để tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Nói về những đức tính của Đại tướng Lê Trọng Tấn, ông Khuê cho biết, ở vị đại tướng ấy luôn toát lên một vẻ khoan thai, chín chắn, cẩn thận, cân nhắc từ cử chỉ, giọng nói, dễ nghe dễ hiểu không còn lời nào để nói. Cụ Tấn rất biết tiết kiệm trong chi tiêu.
Mẹ mất cũng không thể về làm tròn chữ hiếu
Được gọi là người gánh vác trọng trách mang bình yên cho Tổ quốc, cho quê hương, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi Tổ quốc cần bất cứ lúc nào, chính vì thế khi mẹ thân sinh ra Đại tướng Lê Trọng Tấn qua đời, đại tướng cũng không thể về được vì khi ấy vì đang ở mặt trận Quảng Trị và đang trong giai đoạn ác liệt của cuộc chiến.
Ông Khuê tiếp lời: “Đại tướng cũng gửi có gửi điện về nói với bố tôi là ở nhà lo liệu công việc cho, bận việc không về được ‘Công việc ở nhà anh lo liệu cả, tôi không về được’”.
Trong ký ức của ông Khuê, mẹ ruột của đại tướng Lê Trọng Tấn có tên Chu Thị Cấp là người phụ nữ có dáng người quắc thước, thông minh, thuộc nhiều văn thơ, ca dao, tục ngữ. Mẹ của cụ Tấn cũng là người phụ nữ có tính cần kiệm.
“Ngày ấy nhà cụ Tấn cũng nghèo lắm, nhà lợp bằng lá cọ, sau đó sư đoàn 312 về định làm nhà mới cho cụ nhưng cụ bảo chỉ sửa thôi cái gì còn dùng được thì dùng tiếp, cái nào hỏng thì mới thay cái mới.
Năm 1979 ngôi nhà được sửa lại lợp ngói. Những năm thực dân Pháp còn đang chiếm đóng ở khu vực ở Hà Đông nhà cụ là gia đình cách mạng nên bị lính mật thám đến khám xét lấy hết đồ đạc, ngay cả mấy cánh cửa bằng gỗ chúng cũng lấy đi hết.
Khi chúng đến khám xét nhà cụ thấy có cái ấm giỏ đựng nước có dán một ngôi sao vàng, chúng đã mang ra sân dùng súng bắn tan ngôi sao vàng. Cho đến năm 1985 con trai của cụ Tấn đã về làm lại ngôi nhà cũ ấy thành nhà thờ, ngôi nhà cũ ngày ấy cũng được chụp ảnh lưu giữ cho đến bây giờ”, ông Khuê cho biết thêm.
Mặc dù không thể về làm trọn chữ hiếu với người mẹ đã khuất, thế nhưng không ai trách được Đại tướng một lời nào bởi họ hiểu người đàn ông ấy đã dành chọn cả cuộc đời mình cho quê hương, đất nước.
Thuở ấy, khi kháng chiến thành công ông mới trở về làng, thấy bà con đói khổ đại tướng Lê Trọng Tấn lại vận động những người có điều kiện kinh tế và tự bỏ tiền của mình ra để mua gạo cho nhân dân trong xã. Hành động của đại tướng Lê Trọng Tấn đã khiến bất cứ ai cũng đều cảm nể phục.
Chia sẻ với PV Báo Người Đưa Tin, cụ Lê Văn Chuẩn (sinh năm 1929, tổ 5, phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) từng là chủ nhiệm hợp tác xã Đại Phong (Hà Đông) cho biết: “Khi về làng thấy vậy, cụ Tấn đã ủng hộ cho bà con một bộ cày bừa, cụ Tấn đưa tiền cho anh em đi mua. Nhận bộ cày bừa của cụ Tấn mà người làm ở hợp tác xã như chúng tôi xúc động, trân trọng vô cùng”.
Cũng trong khoảng thời gian năm 1985 khi địa phương xây trường học cấp 2 ở đầu thôn Thọ Vực, Đại tướng Lê Trọng Tấn đứng ra ủng hộ 1 tháng lương thế nhưng chưa kịp ủng hộ thì năm 1986 đại tướng mất, sau đó một thời gian gia đình đã mang tiền ủng hộ đúng như lời của Đại Tướng.
Trong một lần muốn làm điều gì đó để làm kỷ niệm cho xã nhà, chính quyền đã đề đạt và được đại tướng Lê Trọng Tấn nói làm tượng đài chiến thắng do binh đoàn 12 thực hiện. Khi tượng đài sắp sửa khánh thành anh em có bảo nhau đi làm cơm, nghe thấy vậy cụ Tấn nói “thôi không phải cơm cháo gì cả”. Khi nghe câu nói đó, cả xã nghẹn lòng vì xúc động.
Cụ Lê Công Huy ( SN 1931, tổ 5, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) nhà ngay sát với với nhà Đại tướng kể cho PV nghe: “Khoảng năm 1941 hay năm 1942 gì đó lúc ấy tôi 10 tuổi, ông Tấn đã mang mấy hòm sách về nhà phơi, dù đời sống người dân lúc ấy còn đang đói lắm, nhà cụ Tấn cũng nghèo nhưng Đại tướng đã siêu tầm rất nhiều sách. Sau này ông Huy mới biết rằng những cuốn sách đó nói về chính trị, quân sự của những người nổi tiếng trên thế giới.
“Đại tướng rất giỏi tiếng Pháp, trong những cuốn sách ấy cũng có rất nhiều cuốn sách của các tướng lĩnh giỏi của Pháp viết, cụ sưu tầm chủ yếu là để nghiên cứu chiến lược, cách đánh trong trận chiến, nên tại sao sau này những trận nào ông cầm quân đều đánh đâu thắng đấy”, ông Huy chia sẻ thêm.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng Lê Trọng Tấn lần lượt giữ chức vụ: Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng trung đoàn Sơn La (trung đoàn 148), quyền Khu trưởng khu 14, Khu phó liên khu 10, Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy trung đoàn 209, Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 312 khi mới 36 tuổi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng nhận xét: “Tướng Lê Trọng Tấn là một trong những tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của Quân đội ta".
Đào Sơn – Thanh Lam