Theo Bách kho toàn thư mở, Gia Cát Lượng (181 – 234), tự là Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh. Ông là quân sư xuất chúng của Lưu Bị nước Thục, thời hậu Hán. Gia Cát Lượng quê tại Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông).
Đóng góp lớn nhất của ông là việc hình thành thế chân vạc Tam Quốc, liên minh Thục - Ngô chống Ngụy. Khổng Minh được công nhận là một trong những chiến lược gia xuất sắc nhất trong thời đại của ông, được so với nhà chiến lược tài ba khác là Tôn Tử.
Năm 54 tuổi, ông mắc bệnh nặng rồi qua đời ở doanh trại. Cả đời tận trung vì sự nghiệp chấn hưng nhà Thục Hán, nhưng nơi an táng thực sự của Khổng Minh ở đâu, đến nay hậu thế vẫn chưa tìm được lời giải đáp.
Gia Cát Lượng là vị tướng kiệt xuất trong lĩnh vực quân sự, không những thế ông còn là một vị tiên tri vô cùng vĩ đại. Nhắc đến ông là nhắc đến một cao nhân ““trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, có tài tiên đoán mọi việc cực chuẩn xác.
Chuyện kể rằng trước khi Gia Cát Lượng qua đời, ông để lại một túi gấm và dặn con cháu đời sau nếu gặp nguy khốn hãy mở ra: “Sau khi ta chết, trong số các con sẽ gặp phải đại hoạ chết người. Tới lúc đó hãy dỡ nhà, lấy từ trong tường ra một bọc giấy, trong đó có cách cứu mạng”.
Sau khi ông qua đời, Tư Mã Viêm lên ngôi hoàng đế và có ý định trừng trị một số quan quân triều đình là hậu duệ của Gia Cát Lượng. Một hôm, Tư Mã Viêm tìm cớ định tội chết cho viên tướng nhà Gia Cát.
Trên thánh đường Tư Mã Viêm cất lời hỏi: “Trước khi chết, tổ phụ nhà ngươi đã nói những gì?”. Hậu duệ nhà Gia Cát bèn thật thà truyền đạt tới vua lời dặn dò của Gia Cát Lượng. Nghe thấy vậy, Tư Mã Viêm bèn ra lệnh cho quân lính dỡ nhà, lấy bọc giấy ra xem.
Bên trong chỉ có một phong thư kín, phía trên viết rằng: “Ngộ hoàng nhi khai” (có nghĩa phải là hoàng thượng mới mở ra xem). Trong thư có mấy chữ: “Xin lùi ba bước”.
Nhìn thấy, Tư Mã Viêm hơi hoài nghi nhưng cũng lập tức làm theo. Và rồi, khi nhà vua vừa lùi ba bước thì bỗng nghe thấy một tiếng “rầm”, chiếc xà rơi thẳng xuống chỗ vua ngồi, khiến bàn ghế tan tành.
Tư Mã Viêm trông thấy vậy mà sợ hãi lạnh người, rồi lại xem tiếp những dòng ở cuối thư: “Ta cứu mạng ngươi, ngươi hãy giữ lại mạng sống của con cháu ta”.
Xem xong thư, Tư Mã Viêm thầm thán phục tài tiên đoán như thần của Gia Cát Khổng Minh rồi ra lệnh phục nguyên chức cho vị tướng quân này.
Chưa dừng lại, sử sách Trung Quốc có ghi lại rằng Gia Cát Lượng có khả năng dự đoán được vận mệnh của mình. Theo di nguyện, sau khi chết ông muốn đặt mộ tại núi Định Quân - ngọn núi thuộc tỉnh Thiểm Tây. Do đỉnh núi rất bằng phẳng, có thể đóng cả vạn quân nên mới có tên là Định Quân.
Tương truyền, trước khi chết, ông dặn tướng sĩ sau này ông qua đời hãy đặt ông vào quan tài, lấy dây thừng buộc lại rồi cho quân sĩ khiêng theo đoàn quân rút về Hán Trung.
Và phải nhớ, khi dây thừng đứt ở đâu thì lấy nơi đó làm mộ. Mặc dù đại quân sư đưa ra yêu cầu kỳ lạ nhưng vốn tôn kính và tin tưởng ông nên các quân sĩ vẫn thực hiện đúng theo lời dặn.
Hôm đó, khi tới núi Định Quân, đột nhiên sợi dây thừng rất chắc chắn đứt bật ra, quan tài rơi xuống đất. Lúc này, quân sĩ mới nhớ tới lời dặn dò của ông, ai nấy đều lắc đầu, lè lưỡi, sợ hãi, hốt hoảng toát mồ hôi, vội đặt quan tài xuống rồi tìm xẻng để đào huyệt.
Tuy nhiên khi quân sĩ còn chưa kịp đào huyệt thì bỗng nghe thấy một tiếng nổ ầm ầm long trời lở đất ngay sau lưng. Họ càng sợ hãi hơn nữa khi quay đầu nhìn lại, phát hiện đỉnh núi Định Quân bị nứt tách ra. Đất đá sụp xuống vừa khít tạo thành một huyệt mộ vừa vặn với kích thước quan tài của Gia Cát Lượng.
Lúc này, mọi người mới bàng hoàng bái phục, cho rằng Gia Cát Lượng đúng là thần nhân. Tất cả quỳ sụp xuống đất, chuẩn bị đồ tế lễ và run rẩy đặt quan tài Gia Cát Lượng vào vị trí trên.
Hóa ra ngay từ đầu, Khổng Minh đã tự sắp xếp, lựa chọn cho mình một vị trí hạ huyệt. Người ta nói, ông có thể đoán trước được thiên tượng biến hóa có lẽ cũng là bởi vậy chăng?
Và sau gần 2000 năm, chưa ai có thể lý giải được điều lạ lùng này. Việc Gia Cát Lượng tự chọn chỗ an táng cho mình sau khi chết cho đến nay vẫn là một câu đố đầy hiểm hóc đối với hậu thế.
Song song với "hiện tượng kỳ bí" nói trên, phần mộ thực sự của vị quân sư tài ba nhà Thục Hán hiện vẫn là một bí mật với nhân loại, bởi trên thực tế, chưa ai biết vị trí chính xác của nó ở đâu.
Ngày nay, có ngôi mộ mang tên “Mộ Vũ Hầu” đặt ở góc tây bắc núi Định Quân, có diện tích hơn 300 mẫu. Nhưng các chuyên gia lại nhận định, ngay cả nơi này cũng không phải ngôi mộ thật.
Trên khắp đất Trung Quốc, người đời còn lập nên nhiều đền thờ để tưởng nhớ vị quân sư tài ba này. Trong đó, nổi tiếng nhất là đền thờ ở huyện Miễn, dưới chân núi Định Quân. Kế đến là miếu Vũ Hầu ở Thành Đô; miếu Vũ Hầu ở thành Bạch Đế, Trùng Khánh.
Tiểu Phi (Tổng Hợp)