Những cuộc ngã giá máu
Sau khi cầm trên tay số điện thoại của một người nhà bệnh nhân đã từng mua máu của “cò” máu ngay tại cổng bệnh viện Việt Đức. Nhóm PV báo Người Đưa Tin tiếp cận được với “cò” và không khỏi giật mình trước những lời mời chào cũng như cuộc “ngã giá” máu giữa chốn đông người.
Khi nhóm PV ra đến trước khu vực cấp cứu cổng bệnh viện Việt Đức gọi vào số máy 098XXX, đầu dây bên kia là một giọng nam, khi thấy có “khách” ngỏ ý muốn mua máu, “cò” giọng khẩn trương “em đứng ở khu vực nào ở cổng bệnh viện, nếu đứng ở gần khu cấp cứu thì cứ giơ tay lên là anh nhìn thấy”.
Chúng tôi làm đúng theo sự hướng dẫn, chỉ ít phút sau “cò” máu đã xuất hiện.
Nghe audio: Giật mình với cách làm việc của "cò" máu
Người đàn ông tên H. thân hình cao to, da ngăm đen đến vỗ vai chúng tôi và tự giới thiệu có máu bán. Không để chúng tôi kịp hỏi han, “cò” H. bắt đầu liến thoắng: “Anh có dịch vụ bán máu và người bán sẽ là sinh viên. Tức là bây giờ người nhà bệnh nhân cần máu nhưng không có đủ người nhà ở đây, hoặc bản thân em không muốn hiến thì sinh viên sẽ nhận làm con cháu của gia đình và vào hiến. Làm thủ tục hiến xong, có giấy và cầm lên bác sĩ nói được rồi thì là xong”.
Không những thế, “cò” H. tỏ vẻ khá sành sỏi và hỏi kỹ lưỡng: “Thế giấy dự trù máu đâu? Người nhà em trong phòng hiến máu 132 đúng không? Bây giờ anh nói em bình tĩnh nghe hướng dẫn. Em bảo người nhà em cầm giấy dự trù lấy máu ra đây, xong anh sẽ cầm giấy đưa cho sinh viên vào hiến, em cầm lên bác sĩ, bao giờ bác sĩ nói xong rồi thì em trả tiền cho anh”.
Thắc mắc về giá cả một đơn vị máu, “cò” H. nói: “Một đơn vị máu có giá 1 triệu đồng, đây là giá rẻ nhất rồi không có chỗ nào rẻ hơn. Nếu như em hỏi ở đâu không có giá rẻ hơn thì quay lại đây gặp anh. Bệnh nhân đến bệnh viện này ai chẳng hiểu một điều, nếu muốn mua máu để truyền cho người nhà thì phải tốn cả triệu bạc mới được một đơn vị.
Tiếp đó, “cò” H. nhanh nhảu giục PV: “Em vào lấy giấy ra đây, anh cho sinh viên vào hiến cho nhanh”.
Để tin tưởng rằng giá máu mình bán ra là quá rẻ, “cò” H. chỉ tay ra ngoài cổng bệnh viện để chúng tôi có thể hỏi tham khảo một “cò” máu kiêm xe ôm có tên K..
Chúng tôi lại gần K. và kể khổ về việc người nhà quá xa không thể đến hiến máu cho bệnh nhân. Nghe thấy vậy, anh K. gợi mở: “Em đang cần máu à, nhiều không? Anh có thể “giúp đỡ” em”.
Biết chúng tôi đang cần 2 đơn vị máu để người nhà được mổ trong tuần, K. vội vàng nói: “Có giấy dự trù máu chưa, nếu có cầm ra đây là lấy được máu. Nhưng phải trả cho tôi nhất là 1,2 triệu đồng/đơn vị máu. Tôi chỉ là “giúp đỡ” những người từ xa đến thôi, chứ không lãi gì đâu”.
Nghe thấy anh K. “hét” giá của một đơn vị máu, PV tỏ vẻ lo lắng ra mặt vì máu quá đắt, sợ người nhà không lo được tiền, anh K. bảo: “Giá như vậy là quá rẻ đấy, có đợt khan hiếm máu, giá của một đơn vị máu còn lên đến 1,5 triệu đồng. Thế mà vì cần, người nhà bệnh nhân vẫn phải mua. Em và người nhà cân nhắc cho kỹ nhé”.
"Cò" máu cũng bị chi phối bởi "quyền lực ngầm"?
Biết khách đang cần máu, “cò” K. đã chủ động xin số điện thoại. PV chưa kịp ra khỏi bệnh viện, đã thấy máy điện thoại rung chuông bởi cuộc gọi của “cò” K.: “Thôi chỗ người cùng quê, nếu em có lấy thì anh chỉ lấy 1,1 triệu đồng”.
Đem thắc mắc về quy trình mua máu ra sao, “cò” K. tỏ thái độ cảnh giác: “Đây là việc của người bán và một vài người liên quan, khó tiết lộ lắm. Em chỉ cần có tiền là đúng ngày, đúng giờ có máu”.
Tiếp tục tìm đến “cò” máu H. để thương lượng giá cả, người đàn ông này có vẻ vui mừng vì biết giá mà anh ta đưa ra là giá rẻ nhất khi “khách” quay lại.
Đồng ý mua máu với giá 1 triệu đồng/đơn vị máu và muốn biết được quy trình mua bán, có đúng là sinh viên sẽ thay người nhà bệnh nhân hay không, chúng tôi được “cò” H. giải thích: “Mua máu trong bệnh viện hay không là việc của bọn anh, chứ em không thể hiểu được vấn đề này.
Đây là việc tế nhị, mình có bắt tay trái với người ta thì mình phải giữ chỗ cho người ta. Không phải vì 500 – 1 triệu đồng của em mà người ta mất việc. Cái đó để bọn anh làm, em không thể hỏi được như thế. Mất việc chứ đừng đùa, đừng tò mò. Lúc nào bác sĩ bảo được rồi, thì trả tiền, chứ bây giờ em hỏi có dịch vụ bán máu, có hỏi người ta (ý chỉ bác sĩ-PV) có trả 10 triệu đồng hay bao nhiêu họ không bao giờ nói”. (?!)
“Cò” H. khẳng định chắc nịch: “Anh làm kiểu gì cho em có máu là được, chứ em đừng tò mò, hỏi anh làm thế nào thì chẳng ai người ta nói đâu. Nghề của người ta, nghề này rất nhạy cảm. Em yên tâm, cứ cầm giấy ra đây anh làm cho, lúc nào xong em gọi cho anh là được, quan điểm của anh là đồng ý thì làm chứ không ai bắt ai cả”.
Kết thúc cuộc trò chuyện, PV đi vào trong khu vực hiến máu, như sợ mất “con mồi”, “cò” máu nhanh chân đi theo phía sau và túc trực tại cửa hiến máu.
Với những cuộc “ngã giá” nhanh chóng và liên tục thúc giục “khách hàng”, “cò” H. được nhiều bệnh nhân tìm đến và phải trả tiền mua máu với giá “cắt cổ”. Thế nhưng, không một người nhà bệnh nhân nào có thể biết được, “cò” H., hay “cò” K. lấy máu từ đâu, có đúng lấy máu từ sinh viên hay không? Họ chỉ biết trả tiền, nhận máu vì người nhà trong viện đang cần máu cho cuộc hồi sinh...
Mời quý vị đón đọc kỳ 4: Bệnh viện Việt Đức không hay biết có “chợ máu” hoạt động công khai?!
Nội dung sẽ được đăng tải vào lúc 8h ngày 18 tháng 10 năm 2018.
Xem thêm: Kỳ 1: Điều tra độc quyền- Kỳ 1: Lộ diện những “ông trùm” chuyên “hút” máu sinh viên ngay cổng bệnh viện
Xem thêm: Kỳ 2: Điều tra độc quyền- Kỳ 2: Tiết lộ sốc về việc người nhà bệnh nhân bỏ tiền mua "người nhà" để hiến máu
Xem video: Ai chống lưng cho "cò" máu lộng hành?
Nhóm PV điều tra