Đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã đề xuất sách giáo khoa (SGK) là 1 trong 4 mặt hàng được bổ sung để Nhà nước định giá, bên cạnh dịch vụ đường cao tốc do nhà nước đầu tư, hàng hóa, dịch vụ quốc phòng an ninh và dịch vụ vận chuyển phân phối khí thiên nhiên.
Có đề xuất này là bởi SGK mặt hàng thiết yếu và giá SGK có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nội dung này với đặt ra nhiều băn khoăn về việc Nhà nước định giá phù hợp hơn hay để thị trường định giá mới phù hợp khi Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình và SGK đã chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa, có cạnh tranh đối với mặt hàng này.
Đầu tiên, về câu chuyện quản lý giá, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích với Người Đưa Tin: “Bất kỳ một sản phẩm nào trong nền kinh tế thị trường Nhà nước cũng quản lý giá trực tiếp hoặc gián tiếp. Quản lý gián tiếp đối với những mặt hàng để thị trường quyết định, nhưng nếu có biến động Nhà nước sẽ tác động về thuế, hoặc có biện pháp tài chính. Những mặt hàng Nhà nước định giá là những sản phẩm độc quyền như điện, tài nguyên quý,…”.
Chuyên gia Ngô Trí Long cũng chỉ ra cái khó hiện nay, SGK đang do thị trường định giá nghĩa là người bán và người mua tự quyết định. Nhưng đây là mặt hàng có tính chất đặc thù, cần phải hỗ trợ cho các em học sinh.
Xét ở góc độ cơ chế thị trường, một sản phẩm đã xã hội hoá nghĩa là cho các thành phần kinh tế cùng tham gia, cần có sự cạnh tranh thực sự vì vậy không nên quyết định giá.
Ở chiều ngược lại, nếu Nhà nước định giá lại đặt ra câu hỏi ai là người định và cách định như thế nào cho phù hợp đảm bảo chất lượng? “Định giá rất phức tạp gồm yếu tố chi phí, nội dung, phát hành,… In giấy đẹp sẽ có giá khác, nếu định giá thấp để cho những người không có chuyên môn viết sách là không được”, ông Ngô Trí Long phân tích.
Phía nhà xuất bản cũng không muốn điều này xảy ra vì định giá như vòng “kim cô” trên đầu, không được tự do. Và họ cũng băn khoăn khi SGK không thuộc diện danh mục mà Nhà nước định giá trong Luật Giá quy định, thì tại sao lại đưa vào? (Theo quy định tại Luật giá năm 2012, SGK không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai).
Đưa ra giải phải, chuyên gia cho rằng phương án cho thuê hoặc mượn là phương án thích hợp. Ông Long cho biết: “Các nước trên thế giới họ phát không, cho mượn, cho thuê chứ không để thị trường định giá. Nhà nước dùng ngân sách in, mua lại, hoặc đầu tư biên soạn, khi đưa đi in ấn thì có thể cạnh tranh”.
Cũng cùng quan điểm nếu định giá sẽ vô cùng phức tạp, ông Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng nên trợ giá thay vì định giá: “Theo tôi Bộ Tài chính có thể trợ giá để bảo đảm ổn định còn không nên quy định giá toàn bộ SGK như vậy sẽ khó cạnh tranh và xuất hiện những nhân tố mới”.
Thực tế cho thấy, khi bỏ việc độc quyền về SGK, thầy trò sẽ được lựa chọn những cuốn SGK, bộ SGK phù hợp với họ
Xem thêm: Nhà xuất bản than khó nếu bị áp giá trần sách giáo khoa
Theo Luật Giá, Nhà nước định giá đối với các hàng hoá sau: Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; Tài nguyên quan trọng; Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.
Định mức giá cụ thể: Các dịch vụ hàng không, dịch vụ kết nối viễn thông, điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Định khung giá đối với: giá phát điện, giá bán buôn điện, mức giá bán lẻ điện bình quân, dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tuyến độc quyền.