Phát biểu tại toạ đàm trực tuyến “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hoá giáo dục”, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam phân tích về bốn đặc trưng của xã hội hoá sách giáo khoa (SGK) và khẳng định nếu Nhà nước định giá sách là trái với quy luật thị trường.
Không phải Nhà nước “buông” nếu không định giá
Đặc trưng của xã hội hoá, theo chuyên gia Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân kể cả thành phần tư nhân nếu có đủ khả năng, điều kiện được phép tham gia sản xuất SGK. Đây là phương pháp để thu hút các thành phần kinh tế đa dạng tham gia.
“Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ đưa ra khung cơ bản của chương trình quốc gia, các nhà biên soạn sẽ dựa vào đó để biên soạn các bộ sách, mỗi môn học sẽ có nhiều SGK của nhiều nhóm tác giả biên soạn khác nhau.
Mỗi quốc gia có nhiều nhà xuất bản cạnh tranh với nhau trong sản xuất SGK. Họ tự biên soạn, in ấn, phát hành, tự chịu trách nhiệm và làm chủ các công đoạn từ lưa chọn người tham gia biên soạn, lo kinh phí và làm chủ các công đoạn sản xuất”, ông Nguyễn Tiến Thoả thông tin.
Đặc trưng thứ tư quan trong nhất chuyên gia cho rằng giá SGK sẽ do các nhà xuất bản quy định theo cơ chế thị trường nhưng Nhà nước có thẩm định lại, nghĩa là gián tiếp kiểm soát chứ không định giá.
Phân tích cụ thể về các bộ SGK hiện hành được định giá dựa trên các tiêu chí nào, Ông Nguyễn Tiến Thoả chia sẻ: “Chúng ta vẫn để cho các nhà xuất bản quy định giá theo cơ chế thị trường nhưng không thể để các doanh nghiệp muốn định giá ra sao cũng được, cần có những quy định, hành lang pháp lý mà các nhà xuất bản phải tuân thủ khi định giá”.
Về phương pháp phải tuân theo chi phí và dựa vào phương pháp định giá chung do Bộ Tài chính ban hành.
“Còn nguyên tắc định giá phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất giá thành, theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lệ trong quá trình sản xuất mà các nhà xuất phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư”, chuyên gia giải thích.
Ngoài ra, ở đây căn cứ định giá là giá thành toàn bộ, chất lượng của SGK và lợi nhuận và bao gồm các yếu tố cấu thành giá như sau: chi phí nguyên vật liệu, tiền công thiết kế, xây dựng bản thảo, biên tập,… Đây là những khoản mà các công ty sản xuất sách được phép tính vào giá thành.
“Tôi không tán thành Nhà nước định giá SGK”
Đối với câu hỏi, nếu Nhà nước định giá SGK thì cơ quan nào định giá và định như thế nào để bảo đảm và hài hoà lợi ích, ông Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định:
“Tôi không tán thành Nhà nước định giá SGK. Các bộ sách mới ra đời có giá thành cao hơn các bộ sách cũ là điều không tránh khỏi vì khác hoàn toàn về nội dung, chất lượng, hình thức.
Quan điểm của tôi là Nhà nước không nên định giá SGK dù là định giá tối đa hay giáo tối thiểu hay giá cụ thể mà nên để thị trường định giá SGK”.
Ông Thoả đưa ra lý do cho quan điểm của mình, xét về nguyên lý thì SGK không phải mặt hàng độc quyền, hiện tại đã thực hiện xã hội hoá, nghĩa là cho phép hình thành thị trường cạnh tranh.
Vậy giá phải do các đơn vị cạnh tranh trong thị trường này quyết định. Chỉ có cạnh tranh mới thúc đẩy được chất lượng đi lên cũng như là mức giá để thỏa mãn mọi đối tượng trong xã hội.
Ở đây chuyên gia khẳng định lại, không đưa mặt hàng SGK vào danh mục Nhà nước định giá, nhưng điều này không phải thể hiện Nhà nước “buông” mà vẫn kiểm soát theo cách gián tiếp.
Quản lý Nhà nước thể hiện ở việc cần đưa các nhà xuất bản này vào hành lang pháp lý riêng.
“Cụ thể, Bộ GD&ĐT cần ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất SGK để các nhà biên soạn căn cứ vào đó căn cứ giá thành. Ví dụ đơn giản như một cuốn sách sẽ hết bao nhiêu giấy, giấy loại gì... và các đơn vị xuất bản cần phải tuân thủ”, ông Thoả đưa ra giải pháp.
Thứ hai, Bộ cũng cần ban hành quy chế tính giá riêng cho SGK ngoài quy định chung do Bộ Tài chính ban hành. Quy chế này cần quy định những chi phí nào nhà sản xuất được phép tính vào giá thành, chi phí nào không được phép. Chứ không phải mọi chi phí bỏ ra đều tính vào giá thành.
Ngoài ra, ông Thỏa cho rằng, Bộ cũng nên có quy định về lợi nhuận, đây cũng là một yếu tố để kiểm soát giá sách không bị quá cao so với mức chi tiêu của người dân. Ông lấy ví dụ từ chuyện xăng dầu chúng ta quy định lợi nhuận là 300đ/lít, theo chuyên gia điều quan trọng ở đây có lợi nhuận nhưng vẫn làm đủ những quy định chính sách Nhà nước là được phép.
Từ những định mức và quy chế trên sẽ là căn cứ vào đó để các nhà xuất bản tính giá, đăng ký giá. Ở đây ông Thoả bày tỏ quan điểm đăng ký giá là mức chặt chẽ hơn cả kê khai giá như hiện nay.
Chuyên gia phân biệt hai khái niệm đăng ký và kê khai giá: “Các nhà xuất bản đăng ký giá trước khi điều chỉnh giá. Sau đó các bộ ban ngành kiểm soát các giá tôi đăng ký.
Kê khai giá là nhà xuất bản được quyền kê khai và giá vẫn do chính họ quyết định, Bộ Tài chính không được kiểm soát, duyệt từng chi phí. Nhưng đăng ký giá lại khác, cơ quan quản lý được quyền xem và căn cứ quy chế, định mức kinh tế kỹ thuật ông vượt cái nào tôi cắt cái đấy”.
Xem thêm: Nhà xuất bản than khó nếu bị áp giá trần sách giáo khoa
Theo dực thảo Luật giá (sửa đổi) của Bộ Tài chính đưa ra khỏi danh mục hàng hoá và dịch vụ định giá của Nhà nước đối với 15 mặt hàng chưa bảo đảm 4 tiêu chí của dự thảo luật.
Bộ Tài chính theo đó nghiên cứu để đưa thêm vào danh mục quản lý của Nhà nước đối với 5 nhóm mặt hàng mới gồm: sách giáo khoa, dịch vụ thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, hàng hoá phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh do Nhà nước sản xuất, vật liệu nổ công nghiệp, dịch vụ vận chuyển phân phối khí thiên nhiên.
Việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá đã được Bộ GD&ĐT đề xuất từ năm 2020, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.