Đỗ Hoàng Diệu là cái tên đã làm nên hiện tượng mới mẻ trong văn chương với tập truyện ngắn Bóng đè, tác phẩm từng nhận nhiều luồng chỉ trích của dư luận năm 2005. Thậm chí có nhận định cho rằng tập truyện này chính là cái bóng đã "đóng đinh" nhiều ấn tượng lẫn tai tiếng trong lòng độc giả mỗi ghi nghe tên nữ văn sĩ xứ Thanh. Sau 11 năm rời xa văn đàn Việt, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu trở lại với hành trang là cuốn tiểu thuyết Lam Vỹ khá ấn tượng.
"Tôi không hề tận dụng sex trong sách của mình"
Sau 11 năm yên ắng rời xa văn đàn, nhiều ý kiến cho rằng Đỗ Hoàng Diệu đã xa rời nghiệp viết sau "cơn sốt" Bóng đè. Sự trở lại của chị ở tác phẩm mới có ý nghĩa như thế nào?
Hơn 10 năm rồi tôi không được xuất hiện, không được gần gũi bạn đọc, cũng có bức bối. Thậm chí khá nhiều bài báo trong nhiều năm qua nói rằng tôi "tịt" rồi, không thể viết thêm gì nữa... Tôi muốn quay trở lại và xuất bản được, chứng minh với họ rằng tôi chưa "chết" đâu.
Chị đã đối diện với các luồng dư luận sau tập truyện ngắn Bóng đè ra sao?
Tôi không hề phớt lờ chuyện Bóng đè ngày xưa, thực sự bực mình, cũng muốn giết muốn đánh những người đã chỉ trích nặng nề thậm chí thoá mạ mình. Tôi cũng là người bình thường biết đau đớn, biết buồn sau những lời góp ý chân thành hay thoá mạ nặng nề từ mọi người. Tôi thực sự bức xúc nhưng cuối cùng vẫn giữ được bình tĩnh, im lặng và đón nhận mọi chuyện. Tôi đã quên, không quan tâm đến những "búa, tạ" bàn phím từ ngày đó.
Bóng đè gây "sốt" với nhiều yếu tố tình dục (sex) cởi mở, mạnh bạo và các hình ảnh ẩn dụ. Trong cuốn sách mới, xu hướng viết về sex của chị có được xử lý và truyền tải khác đi hay không?
Tôi tin rằng với cuốn tiểu thuyết Lam Vỹ, những người từng công kích Bóng đè sẽ không có lí do để đưa ra phán xét gì. Tình dục trong Bóng đè là ẩn dụ mà tôi mong muốn thể hiện, đại diện cho cả tầng ý thức đè nặng lên người phụ nữ trong xã hội đó. Ngày xưa tôi viết Bóng đè là năm 26-27 tuổi. Hiện nay tôi đã hơn 40 tuổi nên với tôi, yếu tố tình dục cũng sẽ rất khác.
Được biết để xuất bản cuốn sách chị đã có nhiều thoả hiệp, tác giả phải tiết chế và kiềm chế gì về nội dung để xuất bản? Nếu không phải kiềm chế chị sẽ bộc lộ ra như thế nào?
Tôi có tự cắt đi 100 trang trước khi gửi bản thảo. Nhưng tôi không hề tự bỏ đi chính bản chất, hơi thở của mình. Vốn từ trước đến nay, các phẩm của tôi đều khó đọc. Có thể giọng văn trong các cuốn sách luôn giàu cảm xúc và bí ẩn nhưng luôn tạo cảm giác khó gần gũi với độc giả. Thực chất ở ngoài đời hay trong văn chương tôi đều vậy.
Sau 11 năm, cách tiếp cận về tình dục của độc giả đã bình thường thậm chí có phần táo bạo hơn. Chị có áp lực khi quay trở lại viết về vấn đề này?
Trong tiểu thuyết Lam Vỹ, tôi không thực sự viết về sex. Có chăng chỉ là hoàn cảnh bắt buộc của nhân vật, tôi bắt buộc viết để kể theo mạch câu chuyện. Tôi không bao giờ cố ý tận dụng việc miêu tả quá trần trụi về sex vào sách của mình.
Chị đánh giá "đứa con tinh thần" thứ hai có thể vượt qua hiện tượng Bóng đè năm xưa hay không?
Lam Vỹ là tác phẩm hoàn toàn khác, không gì có thể "đè" được Bóng đè năm xưa. Tôi không cố gắng làm gì hơn để vượt qua Bóng đè vì rất khó. Tập truyện ngắn Bóng đè vốn có vị trí riêng của nó và tôi nghĩ rằng không nên, cũng không thể cố làm khác đi số phận của mỗi cuốn sách. Ngoài tranh cãi về sex, Bóng đè còn nhận được nhiều "cú hích" phía sau để "hot" đến đỉnh điểm. Dù ở khía cạnh nào, tôi thất tất cả đều là may mắn tạo nên số phận cho cuốn sách đầu tiên của mình.
Chỉ là bà nội trợ... tự kỷ
Thực tế có nhiều cây viết tận sử dụng quá nhiều yếu tố sex trong tác phẩm nhằm mục đích câu khách, quan điểm của chị về vấn đề này?
Đúng là hiện nay có quá nhiều tác phẩm viết trần trụi về sex. Tôi không đánh giá cao những người cố tình dùng yếu tố tình dục để câu khách dù sex vốn không phải là điều xấu. Nhưng với văn chương quá nhiều sex, nó cứ thế nào ý... Tôi nghĩ rằng không nên coi sex là một vấn đề trong văn chương.
Chị hãy chia sẻ đôi nét về cuộc sống của mình trong thời gian vắng bóng, không ra sách hơn 10 năm qua?
Cuộc sống của tôi khá bình lặng, là bà mẹ nội trợ lo nấu cơm, đưa đón con đi học và đọc sách, viết linh tinh; không có gì ẩn ức, trắc trở như độc giả vẫn nghĩ sau khi đọc sách tôi viết. Tôi may mắn vì không phải lo lắng đến cơm áo gạo tiền. Nói là vắng bóng nhưng cũng không hẳn, tôi vẫn viết vào mỗi thời gian rảnh. Niềm đam mê và thao thức với nghề không thể khiến tôi buông bỏ viết lách dù bận bộn bề con cái. Tôi cũng không phải người viết chuyên nghiệp có thể viết đều đặn một năm 1-2 cuốn sách. Tôi không mưu sinh bằng nghề này mà viết theo hứng khởi và sở thích.
Sống lâu năm với công việc nội trợ tại Mỹ, chị có luyến tiếc cuộc sống ở Việt Nam?
Tôi thích cuộc sống cô độc, không thích nhiều bạn. Tôi không lựa chọn cuộc sống này mà bản thể sinh ra đã vốn như vậy. Tôi luôn từ chối tất cả cơ hội có thể khoe khoang niềm vui, tham gia hội hè hay các cuộc vui đình đám... Cá nhân tôi chỉ giấu mình trong cái vỏ, tự ngắm nhìn cuộc đời, thế là đủ. Tôi là người khá cũ nên thích xã hội và quang cảnh Việt Nam ngày xưa hơn. Tôi vẫn thi thoảng mơ về khung cảnh ngày đó.
Nói mình là người xưa cũ, nhưng các tác phẩm của chị luôn chứa đựng giọng văn phê phán, muốn thoát ra khỏi lề lối truyền thống?
Tôi muốn đánh đổ những cái phong kiến, hủ lậu, quá nghiêm khắc. Các tác phẩm của tôi có đề cập đến chỉ là muốn phản ánh thực tế xã hội hiện nay.
Cám ơn chị về những chia sẻ. Chúc chị luôn thành công với nghiệp viết của mình!
Phương Hà