Ngày 24/9, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Biên bản ghi nhớ, Thỏa thuận nguyên tắc cho 17 dự án đầu tư có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong các lĩnh vực: hạ tầng khu công nghiệp, logistics, sản xuất chất bán dẫn, điện tử, dịch vụ thương mại, đô thị, du lịch, nhà ở xã hội…
Tổng vốn đầu tư được UBND tỉnh Đồng Nai trao giấy chứng nhận đợt này khoảng 6 tỷ USD.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định: "Đảng bộ và Chính quyền Đồng Nai cam kết luôn gắn bó, đồng hành một cách trách nhiệm với doanh nghiệp, nhà đầu tư; Lấy niềm tin, sự thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là mục tiêu hướng đến và thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp".
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Lê Nữ Thùy Dương, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN Holdings cho biết: "Sự kiện trao giấy chứng nhận đầu tư tỉnh Đồng Nai đánh dấu một bước phát triển chiến lược, cơ hội cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng chung sức phát triển".
"Những năm gần đây, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch dòng vốn FDI và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng Nai có vị trí chiến lược nằm trong 'tứ giác' kinh tế Đông Nam Bộ, nối liền Nam Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đã và đang tập trung đầu tư vào tỉnh Đồng Nai với trọng tâm là các lĩnh vực như: hạ tầng khu công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đô thị mới.
Trong đó, định hướng phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới với mục tiêu hình thành khu công nghiệp xanh, tối ưu sử dụng năng lượng sạch và ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý vận hành khu công nghiệp. Đảm bảo xây dựng hạ tầng đồng bộ với các tiện ích dịch vụ và nhà ở chất lượng cho công nhân, chuyên gia trong khu công nghiệp", bà Dương chia sẻ.
Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn địa ốc Kim Oanh cho biết: "Hiện nay, Đồng Nai có gần 230 dự án bất động sản (BĐS) là nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng. Phần lớn các dự án này nằm ở 4 địa phương: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom.
Trong quy hoạch tỉnh đến năm 2030, các địa phương trên sẽ trở thành đô thị phát triển nhất của Đồng Nai. Các dự án BĐS lớn sẽ là điểm nhấn cho đô thị. Việc công bố quy hoạch sẽ dễ dàng hơn cho nhà đầu tư, trong việc hoạch định kế hoạch xây dựng, đầu tư của doanh nghiệp.
Khi có quy hoạch, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án BĐS quy mô lớn dễ dàng hơn. Một mặt để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và gia tăng sản phẩm nhà ở cho người dân. Mặt khác, với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư bài bản, kiến trúc hiện đại của các khu đô thị, khu nhà ở sẽ gia tăng sức hút đầu tư cho địa phương trong các lĩnh vực như: thương mại dịch vụ, công nghiệp".
Cũng theo bà Oanh, từ lâu, tỉnh Đồng Nai là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực phía Nam, là cửa ngõ của Tp.HCM, thủ phủ công nghiệp phía Nam, được đẩy mạnh đầu tư hạ tầng với nhiều công trình trọng điểm như sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Dây, Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành, đường sắt TP.HCM – sân bay quốc tế Long Thành…
Với những lợi thế đó, tỉnh Đồng Nai từ lâu đã là miền đất hứa của các doanh nghiệp bất động sản khu vực phía Nam. Khi Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, sẽ tiếp tục xuất hiện những "làn sóng" đầu tư vào tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, để tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai phải lựa chọn được những nhà đầu tư lớn có kinh nghiệm và uy tín, triển khai nhanh các dự án. Về phía các sở, ngành, địa phương phải đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.
Tỉnh Đồng Nai luôn là địa phương năng động trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tỉnh luôn kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, tổng vốn đầu tư thu hút dự án FDI năm 2023 là 1,23 tỷ USD, bằng 107% so với cùng kỳ năm 2022 (1,15 tỷ USD) và tăng 11,5% so với kế hoạch năm (1.100 triệu USD). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024 thu hút đầu tư trong nước đạt trên 42 nghìn tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2023; thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với với ngành nghề đầu tư của các dự án cấp mới, tỉnh Đồng Nai vẫn tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án xanh, dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến, công nghiệp phụ trợ. Cụ thể, trong năm 2023 thu hút được 39 dự án mới thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (chiếm 50,6% số dự án mới) với vốn đầu tư đăng ký là 340,37 triệu USD, chiếm 74,6% tổng vốn đăng ký mới.
Các dự án FDI thu hút mới gồm các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhựa, cơ khí, thực phẩm, logistic,… với suất đầu tư bình quân 6,14 triệu USD/ha, số lượng lao động bình quân 104 người/ha; không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, không thâm dụng lao động; đảm bảo tiêu chí về công nghệ và đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai.
Phùng Sơn - Nguyễn Lành