Các giải pháp hỗ trợ
Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả sau cơn bão, trong đó có những chính sách hỗ trợ ngành du lịch.
Nghị quyết nêu rõ, để khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 (Yagi) gây ra, nhanh chóng ổn định tình hình người dân và thúc đẩy khôi phục sản xuất kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cùng Chủ tịch Ủy ban nhân dân 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng thực hiện các nhiệm vụ một cách khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả.
Mục tiêu là tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 6,8-7% trong năm 2024.
Nghị quyết nhấn mạnh rằng các chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng, khả thi và hiệu quả. Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, cơ quan liên quan, và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng thực hiện quyết liệt các chỉ đạo từ cấp cao.
Phạm vi hỗ trợ bao gồm: Người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất.
Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10/2024, một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.
Chính phủ đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể, trong đó có những chính sách hỗ trợ ngành du lịch như sau:
Giá điện cho cơ sở lưu trú: Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu áp dụng giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất, giúp giảm gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp.
Khôi phục giao thông đường thủy: Bộ Giao thông vận tải sẽ hướng dẫn các địa phương khẩn trương trục vớt tàu bị đắm, đảm bảo an toàn giao thông và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sửa chữa, đưa vào phục vụ khách du lịch.
Giảm ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương cho phép cơ sở kinh doanh du lịch giảm 80% tiền ký quỹ đến tháng 6 năm 2025, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi.
Gia hạn bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ nghiên cứu việc gia hạn nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại, giúp họ có thêm thời gian và nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Kỳ vọng phục hồi
Chính sách hỗ trợ này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, mà còn đảm bảo việc làm cho hàng triệu người lao động trong ngành du lịch.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Minh - một chủ khách sạn tại tỉnh Tuyên Quang bị ảnh hưởng chia sẻ: “Chúng tôi vừa trải qua một thời gian rất khó khăn sau cơn bão. Thiệt hại về cơ sở vật chất nặng nề và lượng khách giảm sút nghiêm trọng.
Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, tôi e rằng nhiều doanh nghiệp như chúng tôi sẽ không thể trụ vững. Những chính sách giảm ký quỹ và áp dụng giá điện sản xuất cho cơ sở lưu trú là rất cần thiết. Điều này giúp chúng tôi có thêm nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp và sớm phục vụ lại khách du lịch".
Bà Quách Thị Thảo - Giám đốc Công ty TNHH du lịch và Truyền thông Thảo Phương bày tỏ, việc giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn cho phép công ty tái đầu tư vào các tour mới và quảng bá điểm đến của địa phương.
"Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức sau cơn bão số 3. Nhiều tour du lịch bị hủy, doanh thu giảm sút nghiêm trọng, và tâm lý lo lắng của khách hàng cũng làm cho tình hình thêm khó khăn.
Tuy nhiên, khi biết rằng các cơ quan chức năng cho phép giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6 năm 2025, chúng tôi thực sự rất vui mừng. Chính sách này là một cứu cánh rất kịp thời và cần thiết cho các doanh nghiệp ngành du lịch", bà Thảo nói.
Bà Thảo tin tưởng rằng, nhờ sự hỗ trợ trên, công ty và các doanh nghiệp lữ hành khác sẽ nhanh chóng phục hồi và sẵn sàng phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất trong thời gian tới.