Liên kết là yếu tố sống còn
Chiều 17/4, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề “Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh”, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) nhấn mạnh tầm quan trọng của liên kết doanh nghiệp nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường.
Trong bối cảnh toàn cầu bất định, việc các doanh nghiệp liên kết với nhau là yếu tố “sống còn” để mở rộng thị trường, giảm rủi ro và tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hoạt động đơn lẻ và chưa chủ động tham gia vào các quan hệ đối tác, liên kết.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương).
Số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2018-2024 cho thấy, có trên 97% trả lời không có hoạt động liên quan đến xuất khẩu và 99% doanh nghiệp không có gia công hoặc sản xuất hàng hóa cho nước ngoài. Một nghiên cứu khác của VCCI cũng cho thấy, gần 54% doanh nghiệp không đặt mục tiêu gì khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tức là thiếu định hướng rõ ràng.
Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Trong hơn 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chỉ khoảng 300 doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, chủ yếu ở khâu gia công đơn giản, giá trị gia tăng thấp.
Bà Minh đánh giá, năng lực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối hạn chế, từ cạnh tranh về giá, chất lượng cho đến khả năng giao hàng đúng thời hạn, thực hiện đơn hàng lớn, tiếp cận kênh phân phối.
“Các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19, ảnh hưởng đến năng suất lao động và khả năng thích ứng và liên kết với bên ngoài”, bà Minh cho biết.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, một trong những nguyên nhân cốt lõi là thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư nâng cao năng lực để đủ điều kiện tham gia liên kết. Chính sách hiện hành thiếu ưu đãi đặc thù về thuế, tín dụng, mặt bằng, chưa hỗ trợ hiệu quả việc tiếp cận vốn theo chuỗi giá trị.
Cắt giảm những chi phí "không chính thức"
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: “Thể chế là công cụ duy nhất để thực hiện quản lý Nhà nước. Nhưng nếu không tốt, thể chế sẽ trở thành rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Theo đó, cải cách thể chế không còn là cắt giảm thủ tục hành chính một cách đơn lẻ, mà phải cắt giảm chi phí tuân thủ, chi phí cơ hội, đặc biệt là chi phí “không chính thức” đang làm giảm hiệu quả vận hành của doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Từ thực tế đó, ông Phan Đức Hiếu đề xuất thành lập một cơ quan độc lập giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế - mô hình đã được nhiều nước áp dụng. Cơ quan này sẽ có thẩm quyền kiểm soát chất lượng soạn thảo chính sách, từ chối hoặc yêu cầu chỉnh sửa các đề xuất nếu chưa đạt yêu cầu, đưa cải cách thể chế trở thành một “văn hóa lập pháp”.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, thời gian tới cần quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông hiện đại và các công nghệ điển hình để thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết doanh nghiệp thông qua chính sách ưu đãi vượt trội: miễn, giảm thuế; bảo lãnh tín dụng, cung cấp mặt bằng theo mức độ tham gia chuỗi.
"Trước mắt, cần thúc đẩy phát triển thực chất đối với công nghiệp bán dẫn, điện tử tiên tiến, phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo, các dịch vụ có tính kết nối như logistics, ICT và hạ tầng thông minh. Ưu tiên mua sắm công đối với sản phẩm, dịch vụ của các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia thực hiện các dự án đầu tư công", bà Minh nói.
Thanh Loan - Quỳnh Chi