Doanh nghiệp Việt tự tin nhượng quyền thương hiệu ra thế giới

Doanh nghiệp Việt tự tin nhượng quyền thương hiệu ra thế giới

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 2, 27/11/2023 15:00

Thời gian gần đây, nhiều thương hiệu của Việt Nam đã thành công khi nhượng quyền ra nước ngoài. Đây là tín hiệu tốt để Startup Việt tự tin bước ra sân chơi thế giới.

Hình thức xuất khẩu mới

Tại Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, ngành nhượng quyền trở nên sôi động. Các mô hình nhượng quyền thương hiệu như: Trà sữa, cà phê, mì cay, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe… liên tục tăng số lượng, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Theo VOV, một số chuỗi kinh doanh sau khi gây dựng được mô hình trong nước đã mạnh dạn nhượng quyền thương mại ra nước ngoài, tạo nền tảng khích lệ nhiều doanh nghiệp Việt tự tin xuất khẩu mô hình ra thế giới, điển hình là Care With Love, Phúc Tea và Phở 'S.

Care With Love được biết đến là dịch vụ y tế chăm sóc sức khoẻ mẹ và bé duy nhất tại Tp.HCM được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Suốt hành trình gần 10 năm gây dựng thương hiệu, Care With Love đã phục vụ hơn 55.000 mẹ và 43.000 bé. Nhiều bà mẹ sau khi sử dụng dịch vụ đã rất hài lòng và giới thiệu đến người thân, bạn bè.

Chị Trần Thảo Vi, người sáng lập Care With Love mang cho mình sứ mệnh "Chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé trên khắp Việt Nam". Nay sứ mệnh ấy càng lớn hơn, khi công ty mong muốn trở thành thương hiệu đồng hành cùng hàng triệu bà mẹ và em bé không chỉ ở Việt Nam mà còn ở quốc tế. Ngoài hàng chục điểm được nhượng quyền thương hiệu trên cả nước, mới đây Care With Love đã thành công khi nhượng quyền thương hiệu tại thị trường Philippines.

Để có được hợp đồng này, Care With Love đã phải chuẩn bị rất nhiều. Ngoài sự chuyên nghiệp trong quản lý thì tâm thế khi đàm phán, huấn luyện chuyển giao… là những yếu tố quan trọng khi bước chân ra quốc tế.

"Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ về đất nước, con người, tỉ lệ dân số, tỉ lệ sinh nở... của Philippines và nhận thấy có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Người dân Philippines đã quen với mô hình nhượng quyền thương mại và rất cởi mở với doanh nghiệp đến từ Việt Nam", chị Vi cho biết.

Kinh tế - Doanh nghiệp Việt tự tin nhượng quyền thương hiệu ra thế giới

Care With Love thành công nhượng quyền thương hiệu tại thị trường Philippines. Ảnh: báo Người Lao Động

Theo chị Vi, Philippines chưa có mô hình chăm sóc mẹ và bé như Care With Love đang làm. Đối tác nhận nhượng quyền đang sở hữu 1 chuỗi phòng khám ở thủ đô Manila nên có điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình này, mang lại tiện ích và gia tăng giá trị cho khách hàng của họ.

Tương tự, chuỗi trà sữa với nguyên liệu thuần Việt thương hiệu Phúc Tea sau 6 năm kinh doanh, ngoài 135 chi nhánh trên toàn quốc (80% số chi nhánh trong đó là nhượng quyền) cũng thành công nhượng quyền ở thị trường Indonesia, Philipines. Công ty cũng đang trong quá trình thỏa thuận với đối tác ở Malaysia để nhượng quyền đại lý độc quyền - "master franchise".

"Với Philippines, chúng tôi có 3 tháng chuẩn bị để tiếp cận thị trường ở phân khúc trung bình. Còn ở Malaysia, chính phủ rất khuyến khích doanh nghiệp làm nhượng quyền. Người Malaysia rất thích cà phê, phở, bánh mì... Việt Nam", anh Trần Nhật Vũ, đồng sáng lập Phúc Tea, nói với báo Người Lao Động.

Từ kết quả khảo sát thị trường, Phúc Tea quyết định xuất khẩu mô hình kinh doanh trà sữa thuần Việt, lồng ghép trong đó những nông sản Việt Nam như nước mía, trà thảo mộc... để truyền tải câu chuyện văn hóa của vùng Tây Nam Bộ.

Thương hiệu Phở’S cũng đang chuẩn bị để đưa vào hoạt động 3 điểm bán đầu tiên trong hợp đồng nhượng quyền với đối tác tại Philippines. Theo kế hoạch, sau khi vận hành thành công 3 cửa hàng này, 2 bên sẽ nâng cấp thành hợp đồng nhượng quyền 50 cửa hàng cho toàn thị trường Philippines.

"Chúng tôi đang triển khai các thông tin cho đối tác về các dụng cụ, hàng hóa nguyên liệu cần gửi từ Việt Nam qua, các vấn đề liên quan đến thuế, thủ tục hải quan... Phở’S sẽ mang sang Philippines toàn bộ mô hình từ thiết kế, cách vận hành, thực đơn... Hai nguyên liệu chính là nước phở sấy khô và bánh phở cũng từ Việt Nam", anh Nguyễn Tiến Hải, đồng sáng lập kiêm Giám đốc vận hành Phở’S, cho hay.

Với lợi thế có chứng chỉ Halal cho sản phẩm nước phở, Phở’S còn có kế hoạch nhượng quyền vào một số nước Hồi giáo ở ASEAN và Bahrain (Trung Đông). "Tiềm năng thị trường rất lớn vì dân số các nước hầu như lớn hơn mình, Phở’S tại nước ngoài có giá gấp đôi tại Việt Nam nhưng vẫn rẻ hơn 20%-30% so với các đối thủ nên sẽ rất có lợi thế cạnh tranh", anh Tiến tự tin.

Cần mạnh dạn nắm bắt thời cơ 

Trao đổi với Công an Nhân dân, chuyên gia Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Go Global Holdings khẳng định, nhượng quyền ra nước ngoài sẽ là xu hướng thời gian tới. Nếu như năm 2017, thị trường nhượng quyền thế giới đạt khoảng 2.400 tỷ USD, đến 2023 tăng lên 2.900 tỷ USD, dự đoán đến năm 2027 sẽ tăng lên khoảng 4.300 tỷ USD. Năm 2023 tốc độ tăng trưởng của ngành nhượng quyền so với năm 2022 khoảng 8,9%, đây là mức tăng rất lớn so với nhiều ngành đang suy thoái trong khủng hoảng kinh tế.

Chính vì vậy trong giai đoạn “cửa sổ vàng”, thương hiệu nào của Việt Nam đang nhượng quyền thì phải bắt ngay cơn sóng này để làm thật nhanh, thật nhiều thị trường. Còn thương hiệu nào đang suy nghĩ thì phải ngay lập tức lên kế hoạch xây dựng nền tảng, chuẩn bị nhân sự để bắt đầu nhượng quyền. Bởi, doanh nghiệp đầu tiên lướt trên con sóng nhượng quyền thì sẽ được chú ý nhiều nhất, được các đối tác nhượng quyền tìm đến nhất, đặc biệt là đối tác quốc tế.

Trong khi các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines... đều là những thị trường phát triển cực mạnh về nhượng quyền. Như Malaysia, nhượng quyền rất mạnh những ngành như thời trang, sức khỏe và làm đẹp… chi nhánh nhượng quyền của họ khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, thị trường Việt Nam còn rất non trẻ về nhượng quyền, chỉ có vài thương hiệu nhượng quyền thành công ra nước ngoài như: T&T (sản phẩm giày, dép da, túi xách da thời trang), cửa hàng cà phê Bobby Brewers, Phở 24… Tuy nhiên, trong thời gian tới, với giai đoạn “cửa sổ vàng” sẽ tạo cơ hội rất lớn cho những thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để bước ra thế giới.

Vậy những ngành nào của Việt Nam sẽ có lợi thế khi phát triển nhượng quyền, theo bà Nguyễn Phi Vân, đó là 3 ngành mũi nhọn rất có tiềm năng gồm: ẩm thực; dệt may, da giày và công nghệ. Theo phân tích của bà Vân, nông sản Việt Nam phần lớn là xuất khẩu thô nên giá trị gia tăng không cao.

Thực tế, doanh nghiệp Việt xuất khẩu trà sang Đài Loan và họ chế biến thành trà sữa. Trà sữa Đài Loan đã được bán nhượng quyền khắp thế giới với giá trị cao từ 30-70 lần so với giá trà thô của Việt Nam bán cho họ để làm nguyên liệu. Vì vậy, ẩm thực Việt có thế mạnh khai thác tài nguyên bản địa, là một trong những ngành có tiềm năng nhất để nhượng quyền ra thế giới. Điều cần làm là các doanh nghiệp cần phải xây dựng cho được chuỗi giá trị của nông sản, không còn tình trạng bán sản phẩm thô nữa.

Còn với ngành dệt may, da giày, bàn ghế... từ trước giờ doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu chỉ thực hiện việc gia công theo yêu cầu của các thương hiệu lớn trên thế giới, các sản phẩm này sẽ được các thương hiệu lớn bán ra với giá trị cao hơn rất nhiều lần so với giá gia công. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tạo ra được thương hiệu cho mình nhưng từ trước giờ hầu như doanh nghiệp không làm, đây là ngành cực kỳ tiềm năng...

Nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài giúp doanh nghiệp mở rộng hệ thống kinh doanh, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu và bán được nguyên liệu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cơ hội đã có nhưng quan trọng nhất vẫn là nội lực, khả năng của doanh nghiệp nắm bắt cơ hội này như thế nào. “Từ Phở'S cho thấy, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng phải đợi công ty mình lớn, có rất nhiều chi nhánh ở Việt Nam rồi thì mới đi nhượng quyền quốc tế, mà doanh nghiệp phải xác định rõ chiến lược của mình và tùy vào thời điểm doanh nghiệp quyết định nhượng quyền nội địa hay quốc tế”, bà Vân nói.

Theo chị Trần Thảo Vi, người sáng lập Care With Love, nhượng quyền thương hiệu không có gì lạ lẫm, nhưng số lượng thương hiệu Việt nhượng quyền được ra nước ngoài không nhiều. Do tâm thế, thực lực của doanh nghiệp Việt còn hạn chế, thiếu tự tin vì không có đặc trưng riêng. Chính vì vậy, để thành công khi nhượng quyền thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài, rất cần những doanh nghiệp tiên phong khai phá…

"Con đường phía trước còn rất dài, nhưng không có gì là không làm được. Thật sự có thể thành công, hoặc không thành công nhưng chúng ta phải làm và tiến về phía trước. Phải có người xông pha, người khai phá. Những bước của mình đi, hành trình của mình chắc chắc sẽ giúp những người sau này thuận lợi hơn. Tôi luôn nghĩ như vậy. Đó cũng là động lực lớn để mình tiến ra sân chơi lớn" - chị Vi chia sẻ.

 

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.