Doanh nhân chủ động trước khủng hoảng, nỗ lực vượt khó

Doanh nhân chủ động trước khủng hoảng, nỗ lực vượt khó

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 4, 02/02/2022 15:00

Bài học về sự chủ động trước đợt dịch đã giúp Công ty TNHH Thực phẩm Bakafood vượt qua khó khăn khi Tp.HCM giãn cách xã hội và tạo đà phát triển mới.

Luôn sẵn sàng để không bị động

Là lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, ông Nguyễn Hà Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Bakafood (công ty Bakafood) đã nhận ra, sự bị động về thực phẩm sẽ dẫn đến hoang mang về nguồn cung.

Tiêu dùng & Dư luận - Doanh nhân chủ động trước khủng hoảng, nỗ lực vượt khó

Doanh nhân Nguyễn Hà Quốc Anh đã có những ngày không thể nào quên khi Tp.HCM giãn cách xã hội.

“Trong các đợt dịch từ năm 2020, có những lúc người tiêu dùng vét sạch siêu thị mua hàng tích trữ. Xác định rằng, dịch không thể kết thúc sớm nên chúng tôi lên kế hoạch nguồn trữ gấp 5 lần so với năng suất bán bình thường.

Đặc biệt, các sản phẩm nhu yếu phẩm như gạo, muối, dầu ăn…phải dự trữ gấp 10 lần để luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu”, ông Quốc Anh nói.

Thời điểm từ giữa năm 2021, doanh nhân này theo dõi tin tức để nắm tình hình. Khi đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ đầu tháng 6/2021, Tp.HCM thực hiện Chỉ thị 15 thì Công ty Bakafood đã vận chuyển gạo, nước mắm, thực phẩm khô từ miền Tây lên Tp.HCM để không bị động bất ngờ.

Từng xác định kinh doanh sản phẩm phân khúc cao cấp nhưng trong thời điểm dịch bệnh, doanh nghiệp chuyển qua bán nhu yếu phẩm, tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng hơn. Cùng với đó, chiến lược bán hàng cũng cần thay đổi từ offline tại cửa hàng sang online.

“Thời điểm đó chưa có vắc-xin phòng Covid-19 nên mức độ lây lan của dịch không lường trước được. Ngày 15/6, chúng tôi chuyển sang bán online, đóng cửa hàng để bảo toàn lực lượng. Việc này được chuẩn bị từ trước như trang fanpage mạng xã hội Facebook, các trang thương mại điện tử…nên hoạt động chuyển đổi khá trơn tru, tiếp cận nhiều người”, ông Quốc Anh nhớ lại.

Bên cạnh đó, nhận thấy việc vận chuyển sẽ khó khăn khi địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, Công ty Bakafood đã xây dựng đội ngũ shipper để tăng cường giao hàng.

Để đáp ứng việc thay đổi mô hình bán hàng với số lượng đơn hàng tăng cao, doanh nghiệp phải tổ chức nhân sự, điều chỉnh số lượng nhân viên tăng gấp 3 lần so với bình thường.

Những ngày không thể nào quên

Trải qua những ngày đó, ông Quốc Anh không thể quên nhịp độ nhân viên phải làm từ sáng đến tối vì “thói quen của khách hàng là từ buổi chiều tối đến khuya mới đặt hàng cho ngày mai” nên buổi tối là thời điểm phải “làm hết công sức”.

Đến tháng 7/2021, Tp.HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch, ông Quốc Anh nhận ra, thị trường đang khan hiếm rau của quả nên đã chủ động tổ chức vận chuyển mặt hàng này.

Từ các tỉnh miền Tây, doanh nghiệp đặt xe tải mua rau ở chợ đầu mối, vận chuyển vào Tp.HCM để bán thành combo. Đến khi nhu cầu về rau củ hạ nhiệt, Công ty Bakafood chuyển qua đẩy mạnh cung ứng thịt cá tươi.

Đều đặn mỗi ngày, Công ty này nhận được 2 chuyến xe tải, mỗi xe 2 tấn hàng hóa từ miền Tây. Cách bán hàng được tổ chức để hạn chế tiếp xúc và như hàng hóa đóng gói sẵn để mua dễ dàng với cá lóc 1kg/con, cá điêu hồng 800g/con, gà 1,2kg/con hay tôm vào bọc đóng vỉ.

Tiêu dùng & Dư luận - Doanh nhân chủ động trước khủng hoảng, nỗ lực vượt khó (Hình 2).

Kinh doanh thực phẩm, doanh nghiệp của ông Nguyễn Hà Quốc Anh xác định phải nỗ lực phụng sự xã hội.

Do tình hình dịch bệnh phức tạp tại nhiều tỉnh thành, xe vận chuyển phải di chuyển trong 24 giờ nhưng có ngày bị gián đoạn vì tài xế bị cách ly, có người nhiễm bệnh…Vì thế, dẫn đến thực tế là các tỉnh Nam bộ ùn ứ nông sản trong khi người dân Tp.HCM có nhu cầu rất cao.

Ông Quốc Anh đã có những ngày mất ăn mất ngủ khi hàng hóa vận chuyển gặp trục trặc. Do đó, doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách làm mới.

“Để 1kg cá từ miền Tây đến Tp.HCM bán cho người tiêu dùng phải qua ít nhất 6 khâu vận chuyển. Từ các xã, chúng tôi đưa hàng hóa lên xe máy, xin giấy đi đường để vận chuyển. Đến trạm kiểm soát, hàng được chuyển cho người khác để tiếp tục vận chuyển đến chợ đầu mối như chạy tiếp sức.

Đến chợ huyện, hàng hóa tập kết bên ngoài để chuyển lên xe tải đi lên Tp.HCM. Nhưng xe từ các địa phương khác không thể vào nên phải chờ từ 18h đến 6h sáng hôm sau có xe khác từ Tp.HCM đến nhận hàng. Tài xế cứ để hàng lại mà quay đầu xe tranh thủ 24 giờ cho chuyến tiếp theo”, ông Quốc Anh kể.

Giữ chữ Tín với người tiêu dùng

Ông Quốc Anh chia sẻ: “Trong khủng hoảng, chúng ta phải bình tĩnh tìm cách xử lý. Lúc đó, việc kinh doanh lương thực thực phẩm không phải vì lợi nhuận mà quan tâm đến sự an toàn, sức khỏe của nhân viên. Nếu nhân viên nhiễm bệnh, lây cho gia đình và dẫn đến điều không muốn thì người lãnh đạo sẽ rất hối hận”.

Tiêu dùng & Dư luận - Doanh nhân chủ động trước khủng hoảng, nỗ lực vượt khó (Hình 3).

Giữ gìn niềm tin của người tiêu dùng giữa khó khăn từ dịch bệnh là phương châm của doanh nhân Nguyễn Hà Quốc Anh.

Vì thế, vị lãnh đạo này cứ trăn trở với câu hỏi đóng cửa hay tiếp tục kinh doanh. Nhưng khi người tiêu dùng gọi điện nhắn tin liên tục vì thiếu thực phẩm, ông Quốc Anh đã quyết định tiếp tục kinh doanh để giúp đỡ đồng bào trong lúc khó khăn.

“Mỗi ngày đều nhận hằng trăm tin nhắn nên mình không thể dừng lại. Có một gia đình có người là F0 được đưa vào bệnh viện dã chiến, họ là F1 phải cách ly tại nhà chờ kết quả xét nghiệm. Trong cuộc gọi nửa đêm, tôi chỉ nghe tiếng khóc, nhờ mua thực phẩm vì sáng mai sẽ phong tỏa khu vực. Do đó, việc kinh doanh của mình dựa trên nền tảng phụng sự xã hội”, ông Quốc Anh cho hay.

Nhìn lại những ngày khó khăn nhất đã bước qua, ông Quốc Anh cho rằng: “Đối với ngành thực phẩm, mùa dịch là cơ hội để phát triển. Dù dịch bệnh hay bình thường thì sản phẩm phải giữ chất lượng và giá thành như cam kết.

Chúng ta không thể lợi dụng tình hình khó khăn để tăng giá. Nếu chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, người tiêu dùng sẽ đánh giá doanh nghiệp không tử tế rồi từ bỏ. Còn khi công ty giữ được uy tín và thương hiệu thì sẽ có nền tảng tốt để mở rộng tiếp cận khách hàng một cách bền vững”.

Kết quả là Công ty Bakafood mở cửa hàng mới tại quận 7, Tp.HCM sau khi cửa hàng quận 1 hoạt động ổn định. Trong chiến lược kinh doanh, Công ty có kế hoạch có thêm chi nhánh tại Tp.Thủ Đức, quận Tân Bình,… để đẩy mạnh phân phối sản phẩm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đang hoàn thiện website thương mại điện tử Baka, phát triển ứng dụng Bakafood để khách hàng có thêm sự chọn lựa.

“Đối với sản phẩm lương thực thực phẩm mà Công ty Bakafood kinh doanh, khi đầu tư website, ứng dụng sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng sản phẩm và thương hiệu”, ông Quốc Anh nhận định.


Lãnh đạo Công ty Bakafood cho rằng, bên cạnh kế hoạch từ trước, hoạt động kinh doanh trong thời điểm khó khăn chưa từng có đòi hỏi phải “xử lý tình huống theo từng ngày”.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.