Độc đáo tháp cổ 500 tuổi giữa đại ngàn Tây Bắc

Độc đáo tháp cổ 500 tuổi giữa đại ngàn Tây Bắc

Thứ 6, 02/08/2013 13:54

Xen giữa những ngôi nhà sàn đa phần đã kiên cố hoá bằng mái lợp pro-xi-mang trên núi rừng Tây Bắc, tháp Mường Bám tồn tại 500 năm qua như một minh chứng cho quá trình định cư, giao lưu văn hóa Việt - Lào. Đặc biệt, ngôi tháp này còn lưu giữ đầy đủ các nét độc đáo của kiến trúc phật giáo phái Tiểu Thừa ở Việt Nam.

Lựa thế núi ngồi thiền

Chạy qua hơn 70 cây số từ trung tâm huyện, với đường dốc núi hiểm trở, qua những con suối đang mùa nước lũ, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được xã Mường Bám (huyện Thuận Châu, Sơn La). Qua nhiều giờ trải nghiệm đường núi, từ trên đỉnh con dốc vào xã, bản làng người Thái, người Mông hiện ra trước mắt với những nương ngô, ruộng lúa và dòng Nậm Húa ầm ào mùa lũ. Giữa bao la rừng núi, tháp Mường Bám cổ kính, rêu phong, lặng lẽ yên vị sừng sững 500 năm trên ngọn đồi án ngữ đầu xã.

Lạ & Cười - Độc đáo tháp cổ 500 tuổi giữa đại ngàn Tây Bắc

Dòng Nậm Húa trước quần thể tháp Mường Bám

Trong sách "Đại Nam nhất thống chí", biên soạn và khắc in trong khoảng năm 1856-1883, đã ghi chép lại sự kiện xây dựng và sự hiện diện của hệ thống chùa, tháp tại khu vực Tây Bắc.  Tương truyền, vào năm 1569 triều đình Miến Điện đem quân tấn công nước Lào. Trước nạn xâm lược của quân Miến Điện, dân tộc Lào nhỏ bé không đủ khả năng chống cự. Do vậy một bộ phận người Lào ở vùng Thượng Lào phải lánh nạn sang các tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Đại Việt cư trú. Đến năm 1594 chiến tranh Miến - Lào kết thúc nhưng một bộ phận người Lào không trở về Lào mà ở lại định cư tại đây, phát triển và mở rộng địa bàn cư trú về hướng Đông Nam dọc theo các thung lũng, ven sông suối (trong đó có xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La ngày nay).

Ông Cà Văn Phanh, chủ tịch xã Mường Bám cho biết: "Hiện nay xã có 1.574 hộ dân với 8.437 nhân khẩu. Đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông. Tôi được nghe những thế hệ trước trong bản kể, cách nay khoảng hơn 500 năm, đây là vùng đất có cảnh đẹp, địa lý thuận lợi, có dãy núi chạy dài, đằng trước là dòng Nậm Húa chảy qua, có những cánh đồng lúa men theo dòng suối.

Theo thuyết phong thuỷ, đây là vùng đất đẹp và ổn định. Nửa thế kỷ trước các dân tộc bộ tộc Lào, Thái cùng cư ngụ hòa bình, chăm chỉ làm ăn". Trong quá trình sinh sống, họ mang theo nhiều nét sinh hoạt văn hóa quê quán và xây dựng tháp Mường Bám phục vụ các sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng. Hiện nay, di tích còn lại một tháp to (tháp mẹ) và một tháp nhỏ (tháp con). Bên cạnh tháp to, còn có pho tượng "chư thần" ngay dưới chân tháp đã bị hỏng (hiện chỉ còn bệ tượng).

Tháp được xây trên một quả đồi thiên tạo có bề mặt rộng khoảng 1ha. Cách bờ suối Nậm Húa (phần đầu nguồn của dòng sông Mã) khoảng 300m, gồm một quần thể 5 tháp, một tháp to ở giữa và 4 tháp con ở 4 cạnh tháp to, theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Mặt tháp quay về hướng Đông và nhìn ra ngã ba suối Nậm Húa có núi án ngữ làm bình phong. Núi chắn hai bên theo hướng Bắc, Nam tựa thế tay ngai. Trước mặt tháp là ngã ba suối, uốn khúc chạy lượn "chi huyền thuỷ". Từ trái sang phải, phía sau tháp có dãy núi tựa người đang ngồi "thiền". Cả quần thể Tháp như thế một vị sư thiền tĩnh lặng, uy nghi.

Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật của dân tộc Lào xây dựng  từ thế kỷ XVI. Theo truyền thuyết vùng đất Mường Bám có một trái núi mang dáng dấp một người đang ngồi thiền, theo dáng "Hua táng Keo, eo táng Lào" có nghĩa là: Đầu quay về đất Việt, lưng quay sang đất Lào. Theo các cư dân ở đây, nó chính là minh chứng cho sự gắn bó keo sơn Việt - Lào trong quá khứ.

Lạ & Cười - Độc đáo tháp cổ 500 tuổi giữa đại ngàn Tây Bắc   (Hình 2).

Hiện tại chỉ còn tháp to và một tháp nhỏ

Độc đáo kiến trúc phái Tiểu Thừa

Hồi ức xa xưa

Theo lời kể của các vị cao niên ở bản, trước kia trong khuôn viên quanh khu vực xây tháp còn có chùa và các sư ở, ngày ngày trông nom các ngọn tháp. Tuy nhiên hiện nay, chúng chỉ còn lại vết tích nền chùa. Xa xưa, tại khu vực tháp vào tháng 4 dương lịch hàng năm có tổ chức "lễ cầu mưa" vào vụ mùa mới. Theo thời gian, bộ tộc người Lào di chuyển đến nơi khác sinh sống. Các lễ hội cũng "theo" chân họ di trú đến các vùng định cư mới, dân cư ở đây không còn tổ chức các hoạt động lễ hội tại tháp Mường Bám.

Vào thời gian khoảng từ các năm 1569-1594 (tức Phật lịch 2113-2138) với sự giúp đỡ nhiệt tình của các cư dân bản địa với bà con dân tộc Lào tại địa phương đã dồn công, góp của để xây dựng tháp Mường Bám. Đứng từ trên tháp, thả tầm mắt, có thể bao quát được cả xã Mường Bám với dòng Nậm Húa uốn lượn như con rắn lớn và những dãy núi trập trùng bao quanh.

Theo những người già trong bản, đồng bào dân tộc Lào ở Mường Bám từ xưa đã chọn đất kỹ lưỡng để xây dựng tháp. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, của biến động cư trú, hiện tại, các ngọn tháp nằm ở vị trí trung tâm bản. Theo các nhà khảo cổ, dù đến nay quần thể tháp chỉ còn lại một phần nhưng nó vẫn thể hiện được những đặc trưng kiến trúc của Phật giáo phái Tiểu thừa.

Tất cả 5 tháp đều được xây bằng một loại vật liệu chủ yếu là gạch vồ màu đỏ, kích thước lớn dài 35cm, rộng 15cm, dày 7cm được gắn kết với nhau bằng vôi, cát và mật. Các hoạ tiết hoa văn được làm bằng vữa đắp nổi, nhiều chỗ gắn thêm vào những hình đất nung trang trí.

Sừng sững giữa núi rừng Tây Bắc, tháp to còn gọi là tháp mẹ, cao 13m, chia làm 4 tầng. Đặc biệt ở tầng 2 các hình voi được trang trí cầu kỳ, với hình vòi voi được cuộn sang hai bên. Ở giữa hai vòi voi có hình "Vô ưu". Đầu vòi voi nhỏ được cuộn tròn 1,5 vòng. Tiếp đến nửa thân phía trên được uốn hình vòng cung nhẹ, đến giữa thân được cuộn tròn gấp khúc, phía dưới đuôi được phình ra, dáng cong mềm mại. Hoa văn ở phần đầu vòi voi cuộn tròn gấp khúc đến phần giữa thì có hoa văn hình cánh hoa chanh. Phần bụng vòi voi có hoa cúc chạy suốt thành chuỗi, đầu cánh hoa cúc quay về phía lưng vòi voi có độ rộng 9cm. Từ giữa thân tròn gấp khúc về phía đuôi phình ra, dáng cong mềm mại có độ rộng 12cm, cuối đuôi được vắt cong hình dấu hỏi, phía dưới bụng vòi voi là một đường chỉ chạy gờ nổi. Từ đường chỉ này được gắn một băng hình vẩy, cánh hoa chanh chạy tiếp, nối nhau xung quanh tháp. Ngoài ra còn có hình hổ và tượng vũ nữ nhảy múa trang trí lá đề uốn theo hình mây, hoa văn hoa cúc, hoa chanh cách điệu, chuỗi hoa văn tràng hạt, hình rắn thần Naga 5 đầu, hình hoa sen cụp xuống... Tất cả các hoạ tiết hoa văn này đều đắp nổi phía trên, đế thu nhỏ dần, toàn bộ thân trông xa như một búp sen đang hé nở.

Các Tháp nhỏ ở xung quanh cao 3,7m nằm cách tháp to 3m, được xây dựng với kiến trúc và trang trí hoa văn giống hệt nhau. Tháp nhỏ còn gọi là tháp con được chia làm 4 tầng. Được trang trí chủ yếu là hoa văn lá đề xen kẽ hình vân mây, dây hoa cúc và hoa đồng tiền. Bốn cạnh chân tháp được đắp 4 lá đề nổi, to ôm gọn 4 góc, bên trong có 2 đường chỉ chạm chạy song song. Phần trên ngọn tháp được thu nhỏ dần, vút lên nền trời.

Tháp Mường Bám cùng với hệ thống các Chùa và Tháp ở khu vực Tây Bắc như: Tháp Mường Luân (Điện Biên Đông), Tháp Mường Và (huyện Sốp Cộp, Sơn La), Chùa Chiền Viện (huyện Mộc Châu, Sơn La), Tháp Mường Bám đều là các công trình đặc sắc của phật giáo thuộc phái Tiểu thừa.

Đỗ Thơm - Diệp Hương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.