Đổi mới giáo dục phổ thông: Lo các trường bị động, giáo viên dư thừa

Đổi mới giáo dục phổ thông: Lo các trường bị động, giáo viên dư thừa

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Chủ nhật, 16/04/2017 13:52

Trước những lo lắng về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới của bộ GD&ĐT, ông Trần Xuân Nhĩ khẳng định phía Bộ phải đưa ra những bước đi cụ thể và sự đồng bộ trong đổi mới.

Mới đây dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được bộ GD&ĐT thông qua với sự đổi mới toàn diện ở cả 3 cấp học. Tuy nhiên, ngay sau đó dự thảo đã gây nhiều tranh cãi thậm chí khiến dư luận lo lắng.

Liên quan tới vấn đề này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có buổi trò chuyện với ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT.

Phóng viên: Nhiều câu hỏi đặt ra: Việc giảm tải môn học sẽ dẫn đến một số lượng lớn giáo viên phải thuyên chuyển, vậy theo ông, số lượng giáo viên đó sẽ đi đâu?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Vấn đề ý tưởng đổi mới trong dự thảo năm nay có những tiến bộ hơn như: Giảm tải thời lượng, tự chủ cho học sinh, cho học sinh phát triển sự sáng tạo, định hướng nghề nghiệp…

Chúng ta áp dụng mô hình giáo dục gần như của Singapore. Tuy nhiên, kế hoạch triển khai chi tiết như thế nào thì Bộ chưa cho biết cụ thể, điều này dẫn đến sự lo lắng của nhiều giáo viên.
Chương trình mới về cơ bản là kế thừa chương trình cũ, được thay tên và tất nhiên bổ sung thêm một số kiến thức mới. Trong khi kiến thức cơ bản của giáo viên hiện tại đã có rồi.

Đội ngũ giáo viên cần có sự sắp xếp lại, chắc chắn phải bồi dưỡng thêm để họ đáp ứng được chương trình đổi mới này. Còn giáo viên nào cần cho chương trình, giáo viên nào không cần nữa thì phải có kế hoạch giảng dạy, tổ chức cụ thể đối với nhà trường mới xác định được.

Thực sự việc xuất hiện các môn như: Thiết kế công nghệ, Kinh tế - Pháp luật, Khoa học máy tính… sẽ liên quan đến nhân lực chuyên môn mới. Điều này sẽ dẫn đến thiếu nhân lực. Nếu trước mắt sử dụng nhân lực hiện tại bồi dưỡng thêm cũng chưa xác định được thời gian bao lâu và liệu có đảm bảo. Đây sẽ là bài toán khó!

Thêm một cái khó nữa tôi cũng muốn chia sẻ, đó là việc, dự thảo lần này mới chỉ đưa ra khung chương trình chứ chưa đưa ra cách sắp xếp hệ thống trường phổ thông.

Giáo dục - Đổi mới giáo dục phổ thông: Lo các trường bị động, giáo viên dư thừa

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&DT.

Phóng viên: Thưa ông trong đề án có vấn đề khiến nhiều trường lo lắng việc học sinh tự chủ, tự chọn môn học. Như vậy có năm học sinh sẽ chọn khối Tự nhiên, có năm lại chọn nhiều khối Xã hội. Liệu điều này có dẫn tới việc nhà trường cũng phải liên tục thay đổi cơ cấu giáo viên?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Tôi cũng rất lo lắng về điều này. Nếu chúng ta thử đặt mình vào vị trí một người giáo viên, một thầy hiệu trưởng để hình dung sắp xếp ra sao, học sinh sẽ lựa chọn thế nào, mình tổ chức làm sao… thì đó là những câu hỏi lớn mà đến nay chưa có sự hình dung cụ thể.

Phóng viên: Hiện nay, việc phát triển kinh tế của mỗi địa phương có sự chênh lệch. Theo ông, có hay không việc vùng sâu, vùng xa kinh tế khó khăn về cơ sở vật chất nên có thể sẽ tạo ra khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục ở các vùng miền?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Tôi dẫn ra đây câu chuyện ông bố thấy con nằm xuống giường học bài quát con không được nằm học, nhưng lại không mua bàn ghế cho con ngồi. Đến khi về thấy con ngồi xuống đất học lại quát con. Cái ý tưởng không cho con nằm học là đúng, nhưng không có điều kiện kèm theo là mua bàn ghế cho con ngồi. Như vậy lại không giải quyết được ý tưởng tốt ban đầu.

Cụ thể, từng trường sẽ phải rà soát lại mình thiếu thiết bị gì, nhân lực như thế nào để đề xuất. Quan điểm của Trung ương là tập trung ngân sách phục vụ cho các vùng còn khó khăn, đối với các vùng kinh tế thuận lợi sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Vấn đề ở đây là phải đưa ra những bước đi cụ thể. Họ lo vì họ chưa thấy được các điều kiện kèm theo, cơ sở vật chất đội ngũ giáo viên của tôi đang như thế này anh lại đưa ra áp dụng như thế kia, vậy chúng tôi phải làm thế nào? Điều này đòi hỏi bộ GD&ĐT phải đưa ra những biện pháp kèm theo để mọi người thấy yên tâm, đồng thời tính toán những lộ trình cụ thể.

Đổi mới phải có sự đồng bộ từ tổ chức nhà trường, hệ thống cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên thì mới thành công được. Việc thiếu đồng bộ trong một khâu cũng sẽ dẫn đến thất bại.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

Công Luân - Đặng Thủy

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.