“Chúng tôi cần sự công bằng về chính sách”
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội – ông Đỗ Quốc Bình tỏ ra khá bức xúc về sự cạnh tranh giữa Grab, Uber và taxi truyền thống chưa đảm bảo công bằng. Trong khi taxi truyền thống bị ràng buộc bởi 13 điều kiện mà ông Bình ví như những chiếc “vòng kim cô”, thì Grab, Uber lại chưa định nghĩa được một cách rõ ràng là loại hình doanh nghiệp công nghệ hay doanh nghiệp vận tải do vậy việc quản lý còn thiếu chặt chẽ, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Ông Bình cũng cho rằng, các cơ quan quản lý cần loại bỏ những quy định bất hợp lý đối với taxi truyền thống.
Đồng ý kiến với ông Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM Tạ Long Hỷ cho rằng điều khiến các doanh nghiệp taxi Tp.HCM muốn được làm rõ là nhận diện bản chất của Uber, Grab kinh doanh tại thị trường Việt Nam hiện nay thực chất là cái gì? Và những phương tiện đang chạy Uber, Grab thực chất là phương tiện gì?
Ông Hỷ cho rằng, nếu Uber, Grab tự cho mình là loại hình kinh doanh công nghệ, cung cấp công nghệ cho các DN kinh doanh vận tải thì Grab Uber đóng vai trò trung gian từ đó kết nối khách hàng với lái xe. Tuy nhiên, thực tế hiện nay Grab, Uber không làm như vậy mà lại đang đảm nhiệm một loạt các công việc như một doanh nghiệp vận tải từ đào tạo lái xe đến quy định giá cước vận tải, trực tiếp thu tiền từ khách hàng, tổ chức khuyến mãi và đang làm chức năng của ông chủ công ty chứ không phải với chức năng của công ty công nghệ trung gian kết nối phần mềm.
Chủ tịch HH Taxi Tp.HCM nhận định với loại hình phương tiện Uber, Grab tương đồng và gần như không khác gì đối với taxi bởi cũng cùng sử dụng ô tô dưới 9 chỗ ngồi, cùng hoạt động chủ yếu trên nội đô, nội tỉnh, cùng hình thức gọi xe theo yêu cầu của khách qua tổng đài và qua phần mềm của app, cùng sử dụng phương thức tính tiền bằng đồng hồ hoặc bằng GPS, khi in hóa đơn thì cũng thể hiện đầu đủ các thông tin cước và hiện nay đa phần các hãng taxi cũng có app cho riêng mình để phục vụ cho quản lý điều hành và phục vụ yêu cầu kết nối khách hàng với lái xe… và kể cả chức năng khách hàng biết trước số tiền cước phải trả.
“Nếu cho phép chúng tôi bỏ đồng hồ đi, hiện qua GPS như Grab, Uber bằng smatphone thông minh thì đảm bảo sẽ hiện giá cước cho khách hàng ngay khi lên xe” – ông Hỷ nói.
Ông Hỷ cũng nói thêm, taxi truyền thống có nhiều cái “khó” bởi nếu so với Uber, Grab thì taxi phải có màu sơn riêng, có chỉ dẫn thương hiệu, bị ràng buộc bởi 13 điều kiện. Trong khi đó, Uber, Grab lại thông thoáng về hình thức, không cần mào, thậm chí dán logo, phù hiệu có hay không cũng được, được thoải mái về điều kiện hoạt động. Nhiều trường hợp có phù hiệu nhưng không dán lên để vào bất cứ chỗ nào cấm taxi, coi như xe gia đình nhưng khi thấy bóng thanh tra giao thông lại dựng lên coi như xe có phù hiệu đàng hoàng. Ông Hỷ cho rằng điều này khó có sự công bằng, taxi truyền thống sẽ “chết” vì chính sách nếu không thay đổi.
“Chúng tôi không làm sai gì cả”
Ông Trần Tuấn Anh – Chủ tịch Công ty Grab Việt Nam cho rằng ngay từ ngày đầu vào VN đã thành lập công ty ở VN và đóng thuế đầy đủ, về các khuyến mãi đều có báo cáo Sở Công thương Tp.HCM và Hà Nội. “Chúng tôi thấy chúng tôi làm gì cũng bị phàn nàn, chúng tôi để giá thấp cũng bị phàn nàn, giờ cao điểm để giá cao thì cũng bị phàn nàn, như vậy chúng tôi phải làm thế nào để vừa lòng các vị? Thêm nữa với việc các bên nói chúng tôi hoạt động không đúng luật chúng tôi đều có công văn phản hồi, chúng tôi khẳng định không làm sai gì hết” – Ông Tuấn Anh nói.
Sau khi kết thúc phần trao đổi của ông Trần Tuấn Anh, một đại diện của taxi Hà Nội cũng đặt câu hỏi với ông Tuấn Anh, Grab khẳng định không làm sai gì nhưng tại sao sau khi Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc về việc dừng dịch vụ đi chung xe nhưng Grab vẫn tổ chức, đây là việc làm xem thường pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên câu hỏi "khó" của taxi truyền thống lại không nhận được phản hồi từ phía đại diện của Grab.
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện Uber Việt Nam cũng khẳng định Uber không kinh doanh taxi hay doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Uber không sở hữu bất cứ phương tiện vận tải nào. Thêm vào đó, vị này cũng cho rằng Uber là doanh nghiệp lớn trên toàn cầu và luôn tuân thủ luật pháp của nước sở tại và Uber Việt Nam cũng vậy. Uber đã tuân thủ nghĩa vụ về thuế đối với cơ quan của Việt Nam.
Ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội nêu ra nhiều bất cập về việc quản lý số lượng xe thí điểm hợp đồng điện tử và đề nghị Bộ GTVT cho phép Hà Nội tạm dừng thí điểm số lượng doanh nghiệp và số lượng phương tiện tham gia. Ngay như Uber báo cáo có 1.900 xe nhưng không cung cấp nổi số lượng về đầu xe và người lái đây là vấn đề rất bức xúc và rất khó quản lý về mặt số lượng.
Thêm nữa, ông Quang cũng cho rằng hiện nay thiếu chế tài xử lý vi phạm theo quyết định 24 của Bộ GTVT, để phát hiện ra sai phạm đã khó, việc bắt được rồi xử lý sai phạm cũng khó. Mô hình này cũng phải đưa vào quy định quản lý để có chế tài xử lý và có được quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh rõ ràng.
“Về điều kiện hoạt động, Sở GTVT đã báo cáo thành phố, với những xe hợp đồng dạng như thế này sẽ xử lý và quy định hoạt động như taxi vì tính không công bằng thể hiện chính ở điều này” – ông Quang nói.
Thiên Di