Số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, năm 2023, Việt Nam đón hơn 392.000 lượt khách Ấn Độ, tăng 231% so với năm 2019. Trong khi đó, các thị trường truyền thống như Trung Quốc mới đạt tỉ lệ phục hồi khoảng 30%; Nga đạt 19% so với năm 2019; Nhật Bản đạt mức 62%.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch đã đón hơn 271.000 lượt khách Ấn Độ, tăng tới 127% so với cùng kỳ năm trước.
Với con số đầy ấn tượng như trên, có thể nói, Ấn Độ hiện đã trở thành một trong 10 thị trường khách du lịch quốc tế quan trọng lớn nhất Việt Nam. Điều này khẳng định, Việt Nam đang là điểm đến đón nhận làn sóng du lịch mạnh mẽ của du khách Ấn Độ.
Trong bối cảnh đó, mới đây, thông tin về việc đoàn khách 4.500 người - là nhân viên của tập đoàn dược lớn của Ấn Độ Sun Pharmaceutical Industries Limited sẽ đến Việt Nam nhận được nhiều sự chú ý. Đây là tập đoàn của tỷ phú trong top 5 các tỷ phú giàu nhất Ấn Độ.
Thông tin ban đầu, đoàn du khách sẽ được chia thành các đoàn nhỏ và đến Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 27/8 - 7/9, tham quan tại Hà Nội, Ninh Bình và Quảng Ninh.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp
Với quy mô khách du lịch lớn như vậy, đây sẽ là dịp để du lịch Việt Nam thể hiện cũng như phát huy những thế mạnh sẵn có. Song, đây cũng chính là thách thức vì cần phải chuẩn bị, phân bổ nguồn lực hợp lý, cũng như có kế hoạch phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị.
Là điểm đến đầu tiên của đoàn khách trên, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đang chuẩn bị chu đáo để đón tiếp đoàn khách du lịch tỷ phú Ấn Độ. Mục tiêu là tạo ấn tượng mạnh mẽ về một Hà Nội năng động, hiện đại và rất mến khách.
"Đây là hoạt động của doanh nghiệp lữ hành nhưng chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ ở Hà Nội chuẩn bị kỹ lưỡng để mang lại những trải nghiệm độc đáo nhất cho du khách", ông Trần Trung Hiếu nói.
Ông Hiếu nhấn mạnh, chính quyền địa phương cũng đang phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đoàn khách trong suốt hành trình khám phá Thủ đô.
Còn tại Ninh Bình, công tác chuẩn bị cũng đang được chuẩn bị ráo riết với kế hoạch cụ thể, nhằm đảm bảo việc tiếp đón đoàn du khách được chỉn chu, khoa học nhất.
Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: "Ngành du lịch Ninh Bình đã lên các phương án cụ thể như phân làn đường đi, sắp xếp bến, thuyền ưu tiên và nhân sự kiểm soát vé riêng cho đoàn khách tham quan.
Đồng thời, cử hướng dẫn viên tiếng Anh giới thiệu điểm tham quan du lịch cho du khách, chuẩn bị các băng rôn chào mừng đoàn khách du lịch tại Khu du lịch sinh thái Tràng An…".
Ông Mạnh khẳng định, việc đoàn lựa chọn Khu du lịch sinh thái Tràng An (thuộc Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới) là cơ hội lớn để Ninh Bình quảng bá di sản thế giới, quảng bá điểm đến tới thị trường du khách Ấn Độ.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình chia sẻ thêm, với kinh nghiệm đã từng đón tiếp những đoàn khách lớn, Sở đã phối hợp, trao đổi nhiệm vụ công việc với các sở, ngành có liên quan và Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất đón tiếp đoàn.
"Cú hích" cho xu hướng du lịch mới
Là đơn vị trực tiếp đón đoàn khách trên, chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel cho biết, công ty đã chuẩn bị kỹ lưỡng các công tác đón đoàn và chương trình du lịch cụ thể. Các yêu cầu đặc biệt cũng được tiếp nhận là lên phương án sắp xếp hợp lý.
"Đối với các du khách Ấn, vấn đề với món ăn trong đó nhấn mạnh về tính chay - mặn trong quá trình chế biến, kiêng các loại thịt tùy theo tín ngưỡng và tôn giáo. Chúng tôi đều linh động điều chỉnh và sắp xếp, đồng thời cũng dự phòng các trường hợp có thể xảy ra để tránh trình trạng bị động", bà Khanh nói.
Theo The Economic Times, ước tính năm 2024, du khách Ấn Độ sẽ chi tiêu khoảng 42 tỷ USD cho du lịch nước ngoài. Đây là con số "khủng" mà các quốc gia du lịch, trong đó có Việt Nam không thể bỏ qua.
Nói về xu hướng du lịch từ quốc gia Nam Á này, ông Vũ Hiếu - Nhà sáng lập C Travel Việt Nam nhận định: "Ấn Độ là một thị trường có thể gọi là "màu mỡ" với nhu cầu du lịch rất cao, trải dài trong 4 mùa và gần như có thể nói là không có mùa "thấp điểm".
Theo ông Hiếu, du khách Ấn Độ luôn ưu tiên chọn Việt Nam là điểm đến so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Lý do là bởi ngoài sự đa dạng về cảnh quan và chất lượng dịch vụ ngày càng cải thiện, giá thành hợp lý, Việt Nam còn đang có chính sách miễn thị thực rất hấp dẫn.
Nhìn từ câu chuyện sự kiện tỷ phú Ấn Độ đưa hơn 4.500 nhân viên sang du lịch, ông Hiếu cho rằng du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện (MICE) sẽ là một xu hướng cực kì "hot" trong những năm tới.
"Đây là loại sản phẩm du lịch tổng hợp, đầy tiềm năng, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Các đoàn khách tham gia du lịch MICE thường là các đối tượng cao cấp hơn so với các đoàn khách du lịch thông thường và số lượng khá đông. Do vậy, phát triển du lịch MICE sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn cho sự phát triển kinh tế, cần được quan tâm đầu tư, thúc đẩy", đại diện C Travel Việt Nam nói.
Còn theo Vietravel, du lịch MICE luôn là mảnh đất tiềm năng đối với du lịch Việt Nam. "Việc khai thác các đoàn khách lớn là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc Việt Nam không chỉ làm điểm đến tham quan, mà hoàn toàn có khả năng đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất để trở thành điểm đến MICE đầy thu hút đối với các công ty và tập đoàn trên toàn thế giới", bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh khẳng định.
Phương Anh - Kim Thoa