Định vị Việt Nam cho khách Ấn Độ
Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Sở Du lịch Tp.HCM cho biết, các doanh nghiệp lữ hành địa phương vừa phục vụ đoàn khách lớn gần 500 du khách đến từ Ấn Độ qua sự dẫn tour của Công ty CP Quản lý điểm đến Châu Á.
Trong 5 ngày ở Tp.HCM, du khách Ấn Độ đã đi tham quan nhiều địa điểm như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bưu điện Thành phố, Chợ Bến Thành, Sài Gòn Square, Địa đạo Củ Chi…
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Tp.HCM cho biết, trước dịch COVID-19 có khoảng 20 triệu lượt khách Ấn đi ra nước ngoài với chi tiêu được đánh giá là hàng đầu của thế giới.
Sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ đã đẩy mạnh nhu cầu đi du lịch, khám phá bên ngoài.
Du khách Ấn Độ tìm kiếm các trải nghiệm văn hóa, ẩm thực mới và cả nhu cầu mua sắm. Đặc biệt, trong thời gian gần đây nổi lên xu hướng tổ chức đám cưới, tuần trăng mặt, tiệc sinh nhật... Đây cũng là sản phẩm mà du lịch Việt Nam có thể đẩy mạnh khai thác thời gian tới.
Ông Vishal Yadav, đại diện Hiệp hội Các nhà điều hành tour Ấn Độ gợi ý: “Việt Nam đang có cơ hội lớn để đón nguồn khách quốc tế Ấn Độ nếu có giải pháp thúc đẩy du lịch mạnh mẽ. Ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến vì nhiều người dân Ấn Độ vẫn chưa biết nhiều về những điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam".
Trong khi đó, ông Naresh Chhatola, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Glabal Journey Holidays cho biết so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Bali thì Việt Nam là điểm đến mới đang tạo được sự quan tâm của du khách Ấn Độ.
"Chúng tôi đang chuyển hướng các đoàn tour đến Việt Nam. Bên cạnh phong cảnh đẹp, đa dạng biển, núi, rừng, Việt Nam còn có các trung tâm mua sắm sầm uất. Việt Nam cũng có hệ thống dịch vụ ăn uống, nhà hàng Ấn Độ cũng dễ kiếm. Đây là điều quan tâm nhất của du khách Ấn trong các chuyến đi”, ông Naresh nói.
Nhiều tiêu chí về ẩm thực, văn hóa
Theo các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch Ấn Độ đặc biệt ưa thích các điểm đến như Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Phú Quốc, Hà Nội, Tp.HCM. Du khách thường lựa chọn bay thẳng, có nhu cầu mua sắm cao, tỉ lệ ăn chay cao. Đối tượng khách chơi golf khá đáng kể và có tần suất đi cao, yêu cầu dịch vụ tốt.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel phân tích, chỉ số tìm kiếm năm 2023 cho thấy người dân Ấn Độ đang có nhu cầu đến Việt Nam du lịch, tăng đột biến tới 390% so với năm 2019.
"Trước năm 2019, không có đường bay thẳng nào từ Ấn Độ đến Việt Nam. Hiện tại, việc các hãng hàng không trong nước mở thêm đường bay thẳng đến Ấn Độ phần nào cải thiện khả năng di chuyển giữa 2 nước.
Việt Nam cách Ấn Độ không xa lắm, chỉ mất 4 đến 5 giờ bay là có thể đến hầu hết các vùng của đất nước. Khách Ấn Độ ngày càng thích đến Việt Nam bởi môi trường du lịch an toàn, phong cảnh đẹp, con người thân thiện, món ăn hấp dẫn", bà Phương Hoàng nói.
Dự kiến từ ngày 12/8, hãng hàng không Vietjet mở đường bay giữa Tp.HCM và Kochi, Ấn Độ. Trước đó, các hãng hàng không này đã mở một loạt đường bay kết nối Phú Quốc với thủ đô New Delhi và Tp.Mumbai; giữa Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng đến các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của Ấn Độ như Ah-Medabad, Hyderabad và Bangalore (Bengaluru)…
Hồi tháng 6/2023, Vietnam Airlines đã đưa vào khai thác đường bay giữa Hà Nội và Mumbai. Đây là đường bay thứ 2 của hãng kết nối Việt Nam và Ấn Độ, sau thủ đô New Delhi.
Ông Trần Sỹ Sơn, Tổng Giám đốc Công ty PYS Travel nhận định, sự đồng hành của các hãng hàng không đã giúp doanh nghiệp lữ hành thu hút lượng khách du lịch Ấn Độ tới Việt Nam, đặc biệt là các khách du lịch trung - cao cấp có thời gian lưu trú dài ngày, yêu cầu về dịch vụ cao cấp cũng như khả năng chi trả cao hơn cho mỗi chuyến đi.
Ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TSTourist cho hay, doanh nghiệp cần sự định hướng cụ thể, rõ ràng từ phía cơ quan quản lý về chiến lược đón khách Ấn cùng với đó là sự hỗ trợ để cải thiện cơ sở hạ tầng.
Doanh nghiệp cũng mong các cơ quan ban ngành hỗ trợ trong việc thúc đẩy quảng bá du lịch Việt Nam như chính sách thông thoáng hơn về visa, các hoạt động xúc tiến du lịch, hội chợ du lịch quốc tế...
Còn bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở du lịch Tp.HCM khẳng định, ngành du lịch Tp.HCM đã xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du khách từ Ấn Độ theo lộ trình, đề cao hiệu quả do nhóm khách này có những nhu cầu đặc thù liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo.
Các cơ sở lưu trú Tp.HCM đã bắt đầu đầu tư nghiêm túc với các nhà hàng phục vụ ẩm thực Ấn Độ, ẩm thực đạt chuẩn Halal.
Một số doanh nghiệp cũng cho rằng rút kinh nghiệm đón khách Nga, Trung Quốc những năm 2016-2017, du lịch Việt Nam cần chuẩn bị ngay đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa. Họ cần hiểu văn hoá của người Ấn, thói quen sinh hoạt cũng như món ăn. Thực tế, hiện đội ngũ hướng dẫn có kinh nghiệm phục vụ khách Ấn không nhiều.
Báo cáo từ nền tảng Agoda tại Việt Nam hồi tháng 6/2023 ghi nhận có sự gia tăng đáng kể về số lượng khách Ấn Độ du lịch đến Việt Nam và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Dữ liệu hệ thống của nền tảng du lịch trực tuyến này cho thấy Việt Nam đang là điểm đến du lịch nước ngoài phổ biến thứ 2 đối với người Ấn Độ (Thái Lan xếp hạng 1). Trong khi trước đại dịch, Việt Nam xếp thứ 13 trong danh sách điểm đến quốc tế của Ấn Độ.