Theo chuyên ga tâm lý Trần Ly (Vũng Tàu), trạng thái căng thẳng lo lắng ở mỗi đứa trẻ sẽ khác nhau. Có trẻ khi lo lắng thường tỏ nên sợ hãi, mất ngủ, có bé thì khóc lóc, chán ăn, thu mình lại. Nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến đứa trẻ suy sụp tinh thần, chán chường việc học hành và không muốn giao tiếp với ai, kể cả bố mẹ.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra cách xử trí của nhiều phụ huynh là quát nạt, tiếp tục tạo áp lực để ép con học là sai lầm. Vị chuyên gia cho biết: “Tôi hiểu, xuất phát từ sự kỳ vọng, nhiều cha mẹ không đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu, sẻ chia mà dùng đòn roi hoặc cách nói nặng nề để ép con học với cường độ cao. Nếu con chểnh mảng, thờ ơ họ sẽ quy kết cho đứa trẻ lười… Điều này càng khiến đứa trẻ bị áp lực thêm và làm nên những hành động dại dột. Bởi vậy, người lớn hãy quan sát, lắng nghe và đưa ra phướng án phù hợp”.
Chuyên gia Trần Ly đưa ra một số gợi ý để giảm bớt căng thẳng học hành ở con như sau:
Việc đầu tiên cha mẹ cần làm khi con tới trường là quan sát, theo dõi các biểu hiện tâm lý ở trẻ. Đặc biệt là các mùa thi, nếu thấy con áp lực, căng thẳng cha mẹ nên có phương án can thiệp kịp thời. Hãy đồng hành bằng cách hỗ trợ và lên thời khóa biểu ôn thi hợp lý cho con. Chẳng may con điểm thấp cha mẹ không nên rầy la mà có cách khuyến khích động viên con.
Bên cạnh đó, cha mẹ không nên quá kỳ vọng vào thành tích học tập của trẻ. Hãy cho con được lựa chọn và hiểu rõ giá trị của bản thân thay vì ép con làm quá nhiều việc một lúc. Nếu đứa trẻ thích học Toán hãy để con phát huy khả năng của mình, bên cạnh đó hãy động viên để con cố gắng những môn khác. Động viên, khuyến khích và tạo mục tiêu để con thực hiện mỗi ngày như: “Con có thể học tốt môn Văn nếu…”, “Con sẽ có thành tích tốt hơn nếu con học thêm cả những môn khác nữa”,…
Bên cạnh đó, học tập quan trọng nhưng nghỉ ngơi cũng cần thiết với con. Cha mẹ cũng nên có một chế độ ăn uống hợp lý dành cho trẻ trong thời gian con ôn thi.
Với trường hợp trẻ bị quá tải, sụt cân và không chịu giao tiếp với ai thì cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để can thiệp kịp thời, giúp trẻ giải tỏa căng thẳng. Tránh để trẻ căng thẳng quá lâu dẫn đến rối loạn lo âu hoặc trầm cảm, gây những hậu quả khôn lường như tự hủy hoại bản thân, tự tử hay nghiện ngập.
Hồng Anh