Ngày 3/7, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt, tuyên truyền ngăn chặn tình trạng ném đất, đá, chất bẩn lên các đoàn tàu đi qua tỉnh Đồng Nai.
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, tuyến đường sắt đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 89km với 57 đường ngang hợp pháp và 13 lối đi tự mở. Thời gian qua, để ngăn ngừa nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) tại các lối đi tự mở này, cơ quan chức năng đã bố trí 10 vị trí chốt gác và cho rào hẹp, vận động người dân tự rào xóa bỏ các lối đi còn lại.
Thống kê từ Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ ném đất, đá, chất bẩn lên tàu khi qua địa phận Đồng Nai; 1 vụ trộm cắp vật tự thiết bị đường sắt. Ngoài ra, toàn tỉnh còn 45 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và 224 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt.
Các hành vi này đã uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự ATGT tuyến đường sắt.
Các địa phương tàu đi qua xảy ra sự việc trên gồm huyện Trảng Bom, Xuân Lộc; thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh. Tất cả các sự việc đều làm bể kính tàu đang di chuyển tốc độ cao.
Gần đây nhất, khoảng 16h ngày 1/6, tàu SE6 đến Km1681+500 (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), bị ném đá làm bể 1 tấm kính của toa số 31403. Trước đó, khoảng 20h15 ngày 30/5, tàu SE7 đến Km1690+100 (phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) bị ném đá làm bể 1 tấm kính của toa số 21569.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, hầu hết các vụ ném đất đá lên các đoàn tàu đều diễn ra tại các khu vực vắng vẻ, dẫn tới việc xác định người ném rất khó. Đến khi lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường thì người ném đã đi nơi khác.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Đồng Nai và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, ATGT đường sắt; ký cam kết, tuyên truyền ngăn chặn tình trạng ném đất, đá, chất bẩn lên các đoàn tàu đi qua tỉnh Đồng Nai.
Kết luận hội nghị nói trên, thay mặt UBND tỉnh Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Dương Mạnh Hưng, đề nghị UBND các địa phương có đường sắt đi qua cần chủ động phối hợp với ngành đường sắt trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt và xóa bỏ lối đi tự mở.
Chính quyền địa phương cần phải phối hợp với đơn vị đường sắt, lực lượng công an vận động người dân sinh sống dọc 2 bên đường sắt tổ chức ký cam kết không ném đất, đá và chất bẩn lên tàu.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai còn đề nghị lực lượng công an các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai ngay các biện pháp nghiệp vụ điều tra, làm rõ các vụ ném đất đá lên tàu.
Đồng thời tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm; trường hợp điều tra mà vụ việc do trẻ em, học sinh thực hiện thì phải có biện pháp răn đe, giáo dục phù hợp với lứa tuổi; trường hợp điều tra mà đối tượng đủ tuổi để xử lý theo quy định của pháp luật thì cần phải xử nghiêm, thậm chí có thể xử lý điểm để chấn chỉnh, răn đe các đối tượng khác.
Ngày 13/6, UBND tỉnh đã có văn bản giao Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải cùng UBND một số địa phương theo thẩm quyền, địa bàn phụ trách giải quyết dứt điểm tình trạng ném đất, đá lên các đoàn tàu.
Lưu ý tăng cường giải pháp tuyên truyền cho người dân xung quanh khu vực các đoàn tàu đi qua, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2024, UBND thành phố Long Khánh đã yêu cầu các phòng ban, UBND cấp xã thực hiện công tác đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.
Trọng tâm là tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân sống dọc theo đường sắt hiểu rõ và ủng hộ công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, không tự ý tháo dỡ các rào chắn hoặc mở các lối đi dân sinh trái phép, không ném gạch đá vào đoàn tàu.