Tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có tổng chiều dài khoảng 81,5km, trong đó qua địa phận tỉnh Khánh Hòa khoảng 44km, qua địa phận Lâm Đồng khoảng 37,5km.
Để thực hiện được tuyến cao tốc trên, tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa đã đưa ra 3 phương án tuyến. Tuyến có chiều dài ngắn nhất hơn 99km, dài nhất là 120km. Trong đó, phương án song song với quốc lộ 27C hiện nay (hơn 99km) được các cơ quan chức năng kiến nghị thực hiện.
Báo cáo tiền khả thi đã được Tập đoàn Sơn Hải thực hiện. Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải đề xuất thực hiện giải pháp xây cầu cạn, tường chắn, cầu đúc, hầm… để giảm diện tích rừng bị ảnh hưởng.
Với phương pháp này, dự án có thể giảm 30% diện tích rừng bị ảnh hưởng, tương đương 125ha. Ông Hải nói: "Tập đoàn Sơn Hải quyết tâm tham gia dự án này với mong muốn thực hiện tuyến đường cao tốc vượt núi đẹp nhất Việt Nam".
Tuyến cao tốc trên, phía Tp.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) là vùng đồng bằng nhưng lên tới địa phận vườn Bidoup – Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) thì cao độ là 1.800, đến khu vực Đa Ra Hoa (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), cao độ là 1.500.
Phần lớn chiều dài toàn tuyến băng qua rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng trồng với tổng diện tích khoảng 409ha. Trong đó, khoảng 14km đi qua Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà và 1 hầm có chiều dài 1,4km.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và ông Nguyễn Thái Học, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, nếu phương án này được lựa chọn xây dựng, đây sẽ là tuyến cao tốc đẹp nhất Việt Nam.
Để hạn chế tối đa việc tác động, gây ảnh hưởng tới rừng, đơn vị tư vấn, thiết kế đã đề xuất phương án sử dụng giải pháp xây cầu cạn và tường chắn mềm nơi có độ dốc taluy thẳng đứng. Các cầu cạn có mô trụ cao, giữa các khoang cầu vẫn có rừng.
Với phương án thi công này, dự tính cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ giảm tác động tới rừng khoảng 30% so với biện pháp thi công thông thường.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là cao tốc đi qua rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, và rừng phòng hộ, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sẽ rất phức tạp, địa hình thi công khó khăn.
Bên cạnh đó, nguồn vốn để thực hiện dự án rất lớn, lên tới hơn 25.000 tỷ đồng đòi hỏi cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia là 17.540 tỷ đồng (chiếm 70%), 7.517 tỷ đồng còn lại là vốn nhà đầu tư huy động.
Năm 2024-2025 là giai đoạn dự kiến kinh phí chuẩn bị dự án từ nguồn vốn nhà đầu tư. Giai đoạn đầu tư là 2026-2028.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Tập Đoàn Sơn Hải tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn phương án tối ưu khi triển khai đường cao tốc Nha Trang – Khánh Hòa.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT chủ trì, nghiên cứu hướng tuyến phù hợp, áp dụng công nghệ, thiết bị tốt nhất để thi công nhằm khắc phục sự chênh lệch địa hình, vừa đảm bảo mỹ thuật, kỹ thuật an toàn, hài hòa với thiên nhiên và hạn chế tối đa tới rừng.