Sáng ngày 25/12, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nhiệm vụ không hề dễ dàng
Sau khi nghe Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành GTVT; Tham luận của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bày tỏ sự tin tưởng, vui mừng với kết quả toàn Ngành GTVT đã đạt được trong thời gian qua.
“Công tác lập quy hoạch ngành quốc gia đã được Bộ chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bài bản, đồng bộ giữa các loại hình giao thông. Tới thời điểm hiện nay, Bộ GTVT là Bộ duy nhất đã hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, làm tiền đề để thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng công tác bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông trong điều kiện phòng chống dịch Covid 19 được thực hiện tốt. Bộ GTVT đã tham mưu kịp thời để Chính phủ ban hành các văn bản tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách được thông suốt.
“Bộ đã chủ động xây dựng phương án, thực hiện mở lại hoạt động vận tải hàng không, đường sắt, đường bộ trước khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá.
Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, công tác chuẩn bị các dự án đầu tư được triển khai kịp thời. Ngành GTVT đã chủ động xây dựng Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn 2050 với mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030; Tập trung xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội thông qua Đề án đầu tư xây dựng đường cao tốc phía Đông giai đoạn 2021-2025 với 12 dự án thành phần (chiều dài 729 km) và đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua theo phương án sử dụng 100% vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, Bộ đã chủ động đề xuất Chính phủ phương án hỗ trợ để đầu tư tiếp các đoạn tuyến cao tốc gắn với Chương trình phục hồi kinh tế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đạt 3.000 km và năm 2030 đạt 5.000 km đường bộ cao tốc.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nhấn mạnh, qua thực tế cho thấy, công tác chỉ đạo thi công của các dự án trọng điểm được quan tâm, tạo nhiều chuyển biến tích cực, tập trung cao và chất lượng tốt. Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đạt 99,97%, đã khởi công và thực hiện toàn bộ 11/11 dự án. Bộ đã tập trung giải quyết kịp thời các vướng mắc, đặc biệt là việc tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 để xử lý việc thiếu vật liệu đất đắp san lấp (hiện chỉ còn thiếu khoảng 10 triệu m3 trên tổng nhu cầu 65 triệu m3 và sẽ được giải quyết trong thời gian tới).
Các dự án quan trọng khác cũng được tập trung thực hiện, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ (đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất...). Tiến độ thi công cơ bản bám sát kế hoạch, đảm bảo hiệu quả giải ngân 96% vốn đầu tư công được Chính phủ giao.
“Tuy không phải là Bộ có tỉ lệ giải ngân cao nhất nhưng con số 96% của 43.000 tỷ thực sự là một nhiệm vụ không hề dễ dàng và thể hiện sự nỗ lực rất lớn”, Phó Thủ tướng nhận định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng ngành GTVT phải nhìn nhận rõ các tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, từ đó cần sớm có giải pháp khắc phục.
Phải khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía đông trong năm 2022
Chỉ đạo định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, kết thúc năm 2021, trải qua gần 20 năm, khoảng 1.200km đường cao tốc đã được hoàn thành. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có 3.000km đường cao tốc là thách thức lớn. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã nhận diện và triển khai sớm các phương án đầu tư để chủ động chuẩn bị nguồn lực, đảm bảo tính khả thi.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo ngành GTVT cần tập trung cao cho việc thực hiện thủ tục đầu tư dự án cao tốc phía Đông giai đoạn 2, yêu cầu rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án giai đoạn 1. Trong đó đặc biệt chú ý vấn đề hồ sơ, thủ tục thực hiện, xác định tiến độ, vấn đề mỏ vật liệu, năng lực nhà thầu.... Rà soát, xác định lại tiến độ các đoạn cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, sân bay Long Thành,… để có biện pháp quản lý, thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất với mục tiêu đạt được 3.000 km cao tốc và hoàn thành sân bay Long Thành (giai đoạn 1) vào năm 2022.
“Bộ GTVT phải coi việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022. Dự án đã được đưa vào nghị quyết, tiền cũng đã bố trí thì phải quyết tâm có sản phẩm”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Thứ hai, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành GTVT chú trọng việc công bố, công khai các quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt tới các cấp, ngành, địa phương để có thể chủ động triển khai nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư. Tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cũng như khẩn trương phê duyệt các quy hoạch chi tiết để làm cơ sở thực hiện các dự án đầu tư; Phối hợp chuẩn bị chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam bảo đảm sớm trình Bộ Chính trị cho ý kiến và trình Quốc hội về chủ trương đầu tư một số tuyến ưu tiên theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tập trung nâng cao việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, kiểm soát tốt chất lượng phương tiện vận tải, con người, đảm bảo đủ điều kiện điều khiển các phương tiện từ đường bộ, hàng hải, đường sắt đến hàng không.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ ngành GTVT rà soát lại nguồn vốn, bảo đảm phân bổ, hỗ trợ hợp lý từng công rình, dự án, tránh dàn trải, lãng phí, tuyệt đối chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; Tập trung vào chất lượng công trình.
"Dư luận xã hội từ trước đến nay vẫn cho rằng có thất thoát lớn, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là tại các công trình giao thông", Phó Thủ tướng nhắc nhở và yêu cầu lãnh đạo Bộ GTVT cần quan tâm hơn nữa trong kiểm soát chặt chẽ quá trình lập hồ sơ thiết kế, dự toán, đấu thầu, quản lý thi công, kiểm soát chất lượng công trình….
"Lãnh đạo Bộ GTVT phải có thông báo, chỉ đạo, quán triệt, xuyên suốt tới những người đứng đầu tổ chức, đơn vị từ trên xuống dưới... chọn được nhà thầu tốt", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ rõ.
Tiếp thu toàn bộ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải ghi nhận và biến chỉ đạo của Phó Thủ tướng vào quá trình hoạt động thực tiễn của đơn vị mình.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng không quên cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, đồng hành của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương với Ngành GTVT để Ngành GTVT đạt được kết quả hoạt động tốt trong năm qua.
"Nếu không có sự đồng hành, vào cuộc của các cơ quan, các địa phương như vậy thì Ngành GTVT không thể hoàn thành nhiệm vụ tốt như trong năm qua", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Làm gì để giải ngân hơn 50.000 tỷ trong năm 2022
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng với nhiều dự án lớn được triển khai, đặc biệt là dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong thời gian tới.
Trước nhiệm vụ được giao đòi hỏi quyết tâm nỗ lực của toàn ngành. Việc triển khai kế hoạch năm mới cần thực hiện với tâm thế chủ động.
Trong đó, các đơn vị liên quan cần hoàn thành nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đặc biệt thủ tục liên quan đến dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A đòi hỏi thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư dài theo quy định của pháp luật.
Các chủ đầu tư cần triển khai sớm trước một số công việc ở các bước chuẩn bị, không chờ lúc dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư mới bắt tay vào làm việc. Đơn cử, công tác thu thập số liệu hiện trường, làm việc thống nhất các địa phương về chủ trương lớn.
Đặc biệt đối với công tác GPMB, một trong những yếu tố then chốt quyết định tiến độ dự án, cần phối hợp với cơ quan chức năng địa phương sớm giải quyết các điểm nóng về GPMB tổ chức cắm cọc bàn giao
"Phải lan tỏa tinh thần quyết liệt của Chính phủ, không chỉ ở các Ban QLDA, nhà đầu tư mà phải đến tận công trường. Phải coi công trường như trận đánh, mỗi dự án là một chiến dịch, mỗi cán bộ công nhân là chiến sĩ. Xây dựng tiến độ chi tiết cho từng hạng mục, quy định cụ thể thời gian từng khâu, cá thể hóa trách nhiệm để nâng cao hiệu quả thi công", ông Huy đề xuất.
Chủ đầu tư, Ban QLDA cũng cần tăng cường giám sát hiện trường, xây dựng chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật chậm đối với tiến độ dự án”, ông Huy nói và cho biết với vai trò đơn vị tham mưu, Vụ KH-ĐT sẽ phối hợp tham mưu Bộ GTVT các giải pháp quản lý để đảm bảo tiến độ giải ngân và tiến độ thực hiện các dự án", ông Huy nói.