Như Người Đưa Tin đã thông tin, thời gian qua do nhiều yếu tố đi kèm với điều kiện thời tiết bất thường nên luồng lạch trên sông Hồng đoạn từ Phú Thọ về Hà Nội khan cạn cùng với lượng phương tiện ngày một nhiều hơn, một số có mức tải trọng mớn nước vượt quá độ sâu luồng chạy tàu. Cùng với đó, một số phương tiện có dấu hiệu chở quá tải gây nên hiện tượng ách tắc cục bộ trên tuyến vận tải đường thủy này.
Liên danh nào trúng gói thầu gần 10 tỷ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam?
Với mục tiêu xóa bỏ điểm đen tạo hành lang an toàn cho việc lưu thông hàng hoá, khơi thông dòng chảy, ngày 2/11/2022, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có Quyết định số 1667/QĐ-CĐTNĐ về kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL-TTSH: Thanh thải bãi đá ngầm Km 258+100 - Km 259+200 sông Hồng và điều tiết đảm bảo giao thông phục vụ thi công công trình Thanh thải bãi đá ngầm Km 258+100 - Km 259+200 sông Hồng năm 2022.
Giá trúng thầu gói thầu bao gồm các loại thuế là 9.477.212.265 đồng (hơn 9,4 tỷ đồng). Thời gian thực hiện hợp đồng là 40 ngày.
Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện vận tải trên tuyến vận tải này phản ánh sau khi trúng thầu dự án, các đơn vị không tổ chức thi công.
Theo một chủ doanh nghiệp vận tải đường thuỷ trên địa bàn cho biết, trước đây bên thi công có tập kết một số phương tiện để khảo sát thăm dò nhưng sự việc trên chỉ diễn ra được ít hôm rồi các phương tiện này đều rời đi. Nằm sát bờ chỉ có một vài phương tiện được cho là của đơn vị thi công nhưng cũng không tham gia hoạt động.
Vừa qua, ngày 17/5, phóng viên đã có mặt tại khu vực dự án để ghi nhận nội dung mà người dân phản ánh.
Trên thực địa, các bãi đá khu vực chân cầu Văn Lang về phía thượng nguồn chưa được đơn vị thi công xử lý thanh thải theo cam kết với Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam. Các tàu thuyền khi qua đoạn sông này vẫn di chuyển vô cùng vất vả, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đáng chú ý, tại hiện trường, phóng viên cũng không ghi nhận được sự có mặt của cán bộ công nhân viên liên danh nhà thầu.
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, ngày 29/3/2023, ông Lê Minh Đạo - Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã ký văn bản số 647 về việc gia hạn thời gian thực hiện và chấp thuận thay đổi phương tiện phục vụ thi công công trình trên.
Việc thay đổi này là do trước đó phía liên danh nhà thầu và Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông thuỷ có văn bản đề xuất gia hạn thời gian thi công dự án Thanh thải bãi đá ngầm Km 258+100 - Km 259+200 sông Hồng. Đồng thời, xin thay thế một số thiết bị phục vụ công tác thi công.
Theo văn bản của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, thời gian gia hạn thực hiện thi công công trình trên là 51 ngày, thời gian hoàn thành công trình trước ngày 26/5/2023.
Phía Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cũng yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện hoàn chỉnh đầy đủ thủ tục gia hạn thời gian thực hiện công trình theo quy định; Rà soát lại biện pháp thi công chi tiết bao gồm tiến độ, phương án thi công, bảo đảm an toàn giao thông…; Gửi tư vấn giám sát và Cảng vụ Đường thuỷ nội địa khu vực I, đảm bảo chất lượng công trình.
Thế nhưng, sau khi hết thời gian xin gia hạn, phía liên danh nhà thầu vẫn không có động thái thực hiện thi công dự án. Đến nay các bãi đá cần xử lý vẫn nằm án ngữ trên dòng sông Hồng và những nguy cơ mà nó gây ra vẫn hằng ngày đe dọa đến các phương tiện lưu thông trên tuyến vận tải đường thủy quan trọng này.
Liên hệ qua điện thoại, một nhân viên cho biết, hiện việc thi công dự án trên đang tạm dừng bởi quá trình thi công có điều chỉnh, một số phương án thi công bằng búa đục không thực hiện được do đá cứng. Phía công ty cũng đã mời chủ đầu tư lên.
Người này còn cho biết thêm, hiện chưa thể thi công được và phải cuối năm mới tiếp tục bởi nước đang dâng cao khiến việc thi công gặp khó khăn.
Về nội dung tại sao không khảo sát kỹ trước khi thi công, người này bày tỏ “tỷ lệ khảo sát nhiều khi vẫn còn sai sót so với thực tế”.
Trước việc một dự án trọng điểm, quan trọng cho sự lưu thông của vận tải đường thuỷ nhưng lại liên tục bị chậm tiến độ khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về công tác lựa chọn nhà thầu và đặc biệt là vai trò của chủ đầu tư ở đây là Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam.
Bộ GTVT cần làm rõ trách nhiệm của các bên, sớm chỉ đạo xử lý dứt điểm “điểm đen” trên dòng sông Hồng, qua đó đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến vận tải quan trọng này.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin!