Dự kiến tuyển sinh học nghề 2025-2030 tăng gấp 2,7 lần so với 2019

Dự kiến tuyển sinh học nghề 2025-2030 tăng gấp 2,7 lần so với 2019

Vương Thị Thảo

Vương Thị Thảo

Thứ 3, 15/12/2020 10:00

Năm 2019, GDNN tuyển sinh được hơn 2,3 triệu người.

Dự thảo chiến lược phát triển của GDNN trong giai đoạn 2025-2030 đặt ra mục tiêu con số tuyển sinh sẽ tăng lên 6,3 triệu người/năm (gấp 2,7 lần so với 2019).

Thông tin với báo chí, TS. Trương Anh Dũng - Trưởng Tiểu ban GDNN, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Bộ LĐ-TB&XH cho biết: "Trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến, nội dung liên quan đến vấn đề phát triển GDNN. Đây là cơ hội lớn đối với GDNN. Dự thảo văn kiện cũng chỉ ra GDNN là một trong ba đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong đó nhấn mạnh việc hiện đại hóa và đổi mới phương thức đào tạo của GDNN. Buổi tọa đàm này nhằm bàn tới chiến lược phát triển GDNN, qua đó tìm ra các giải pháp và xác định các đột phá của hệ thống.

Chiến lược phát triển GDNN được coi là "sợi dây" xuyên suốt, làm cơ sở, định hướng để thúc đẩy sự phát triển hệ thống GDNN trong thời gian 10 năm tới. Đây là sự tiếp nối của Chiến lược dạy nghề, được thực hiện trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Mục tiêu hướng đến của Chiến lược là hình thành, phát triển hệ thống GDNN phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng, bền vững; tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả của GDNN, nhất là đào tạo chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cả về số lượng, cơ cấu, chất lượng cho doanh nghiệp, thị trường lao động, gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Chiến lược cũng hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Hệ thống GDNN ước tính trong giai đoạn 2021 -2025 sẽ tuyển sinh khoảng 19,8 triệu người; trong đó trình độ sơ cấp nghề và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 16,620 triệu người, trình độ trung cấp là 1,85 triệu người, trình độ cao đẳng là 1,35 triệu người.

Giáo dục - Dự kiến tuyển sinh học nghề 2025-2030 tăng gấp 2,7 lần so với 2019

Dự kiến tuyển sinh học nghề 2025-2030 tăng gấp 2,7 lần so với 2019. Ảnh minh họa

Trong số này có ít nhất có 85% số người sau khi học nghề có việc làm đúng nghề và trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong tổng lực lượng lao động, trong đó có 35 có văn bằng, chứng chỉ.

Ở giai đoạn 2025 - 2030, tuyển sinh hàng năm đạt 6,3 triệu người; trong cả giai đoạn 2025-2030 tuyển sinh khoảng 29,1 triệu người; trong đó trình độ sơ cấp nghề và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 25,4 triệu người, trình độ trung cấp là 2,225 triệu người, trình độ cao đẳng là 1,475 triệu người.

Đồng thời, ít nhất 90% người học sau khi tốt nghiệp có việc làm theo đúng nghề, trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% trong tổng lực lượng lao động, trong đó 40% có văn bằng, chứng chỉ.

Đóng góp ý kiến xoay quanh những vấn đề mang tính đột phá trong chiến lược phát triển GDNN 2021 - 2030, các nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, phát triển con người là nền tảng cốt lõi, cũng là mục tiêu cao nhất của phát triển Giáo dục-đào tạo, là yếu tố quyết định cho mọi sự phát triển. Bên cạnh đó các yếu tố khác cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển như đầu tư, tư duy quản lý hệ thống và quản trị nhà trường, tư duy đảm bảo chất lượng; đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo, trang thiết bị, chương trình... Các yếu tố này đều là các khâu trọng yếu của GDNN, là nền tảng giúp cho hệ thống GDNN vận hành trơn tru, có tác động lan tỏa đến tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trên thị trường lao động trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, giải pháp đột phá cần tập trung vào giải quyết các "điểm nghẽn" của hệ thống giáo dục và GDNN; đón bắt được thời cơ, hóa giải thách thức trong quá trình phát triển; phát huy, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh; tạo động lực thúc đẩy phát triển, thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển giáo dục, chiến lược phát triển nguồn nhân lực...

Ông Phan Chính Thức, Nguyên Tổng cục trưởng TCGDNN, đi sâu vào phân tích các đột phá trong chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030,

Ông Thức nói rằng, theo kinh nghiệm và truyền thống, các nền giáo dục thường bận tâm với những sức ép hiện tại hơn là những toan tính cho tương lai. Vì vậy sẽ là quá muộn nếu ngay bây giờ không sớm khởi động nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 -  2030.

PGS. TS. Đỗ Văn Dũng phát biểu rằng: "Đội ngũ nhà giáo luôn là yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo trong hệ thống GDNN nói riêng.

Sự tác động của cuộc công nghiệp công nghiệp lần thứ tư đến giáo dục đã làm thay đổi vai trò của người thầy từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn, hỗ trợ và định hướng người học phát hiện kiến thức mới. Cho nên việc phát triển năng lực nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo GDNN càng trở cấp thiết để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực lao động cho xã hội".

PGS.TS Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học GDNN nhấn mạnh: "Trọng tâm của chiến lược phát triển GDNN trong 10 năm tới là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nghiệp, hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp cao, có năng lực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường lao động dưới tác động của CMCN 4.0.

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển GDNN cần phải có các giải pháp đồng bộ, trong đó có những giải pháp đột phá, tạo bước phát triển mới".

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.