Du lịch bê tông

Du lịch bê tông

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 4, 09/10/2024 07:00

Hôm qua anh bạn, là nghệ sĩ nhiếp ảnh Huy Tịnh, hốt hoảng đưa lên facebook của mình mấy cái ảnh anh chụp ở một ngôi làng Bahnar từng rất đẹp ở Gia Lai kèm lời cảm thán...

"Về làng du lịch cộng đồng Mơ Hra thấy toàn nét phố thị, không còn bóng của làng Barnah đã được đại diện cồng chiêng làm hồ sơ công nhận di sản thế giới. Một thoáng buồn nhớ Mơ Hra ngày xưa". Làng này từng rất đẹp, rất... Bahnar, thuộc xã Kông Lơng Khơng, huyện K'bang, tỉnh Gia Lai, được tỉnh đưa vào làm điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của Gia Lai từ nhiều năm trước.

Và hiện vừa được đầu tư 11 tỷ để làm "Mô hình thí điểm phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng", trong đó Trung ương đầu tư 10 tỷ, tỉnh đối ứng 1 tỷ.

Nói thật, nhìn mấy bức ảnh mà tôi xót ruột. Và không chỉ tôi, nhiều người nữa, có cả một lãnh đạo tỉnh nhắn: 11 tỷ bạc, làm được nhiều thứ lắm?...

Du lịch bê tông- Ảnh 1.

Hình ảnh do NSNA Huy Tịnh chụp tại làng du lịch cộng đồng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Họ đã bê tông hóa rất nhiều hạng mục, nhà vệ sinh ngất nghểu khoe dáng cùng nhà rông, tượng bày tràn lan trên sân như kiểu có gì bày hết ra cho sang, như kiểu cụ Nghị Quế bày cả trứng gà vào tủ Buyp Phê, loại tủ cực quý cực sang một thời, để... khoe.

Nhớ hồi tôi về hưu được mời về làm với chị Tuyết Nga ở khu du lịch "Một thoáng Việt Nam" rồi kéo quân ra "đập đi làm lại" cái đảo văn hóa dân gian ở Vinpearl Nam Hội An của anh Vượng Vin ấy, chị Nga luôn dặn chúng tôi, làm gì thì làm, phải cho đất nó thở. Chị yêu cầu hạn chế dùng bê tông, kể cả làm đường. Nếu phải làm, như mấy con đường nội bộ của Một thoáng Việt Nam ấy, thì đặt riêng loại gạch bê tông lỗ, dùng nó ghép lại, đất vẫn thở, cỏ vẫn mọc và người vẫn đi.

Bây giờ đang có phong trào làm du lịch, chủ trương lấy du lịch làm mũi nhọn, người người du lịch, nhà nhà du lịch..., đấy là những chủ trương, việc làm rất đúng, rất phù hợp, nhưng té ra, đi sâu vào, không phải lúc nào và ở đâu cũng hợp lý.

Như việc người ta bê tông hóa cái làng rất đẹp kia.

Nhớ có lần tôi cũng xuống một cái làng từng có tên trong một tiểu thuyết nổi tiếng ở Tây Nguyên, người ta phục dựng làng cũ và làm homestay. Tất cả mọi thứ đều ổn đều Ok tới khi tôi chui vào khu vệ sinh. Trời ạ, nó như thời bao cấp với xí xổm. Tôi quay ra nói ngay với anh bạn có trách nhiệm đi cùng: Đã đành là Homestay, sống cùng dân, cùng rừng núi suối sông, chim gà lợn bò..., nhưng cái món toilet nó phải ngang khách sạn ông ạ. Giờ ai mà có thể ngồi xổm tâm sự hàng sáng được nữa. Có chết tôi cũng không thể ngồi được như thế nữa, huống là các ông kỳ vọng khách tây tới...

Chả cứ Tây Nguyên, mà cả nước ta, muốn làm du lịch thì cần phải rất thông hiểu văn hóa. Thực ra hồi nhập du lịch vào văn hóa có một số người thắc mắc rằng như thế là không hợp lý, là khập khiễng, bây giờ vẫn còn những ý kiến như thế, nhưng tôi vẫn thấy sự nhập là hợp lý. Bởi muốn làm du lịch lâu bền phải rất giỏi văn hóa, phải dựa vào văn hóa, không thì sẽ tan nát văn hóa ngay.

Du lịch bê tông- Ảnh 2.

Nhớ hồi làm ở Vinpearl Nam Hội An ấy, tôi có được giao mở một cái lớp "đào tạo lại" cho các cháu hướng dẫn viên du lịch đã tốt nghiệp cử nhân du lịch từ trường Đại học khoa học Huế được tuyển nguyên lớp về làm cho ‘đảo văn hóa dân gian", thực ra là bổ sung thêm tri thức văn hóa cho các cháu, có mời thầy Nguyễn Hùng Vỹ, một chuyên gia văn hoá, thầy của các thầy, vào giảng.

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của ông khi cho rằng, so với Đông Nam Á thôi, văn hóa truyền thống người Việt (Kinh) có một số điểm rất yếu cho biểu diễn du lịch: kiến trúc, điêu khắc, vũ đạo, trang phục… truyền thống người Kinh khó mà đua với Lào, Thái, Mã lai, In đô… Vì vậy, trên tất cả các loại hình đó, chúng ta cần một tư duy để biến những bất lợi thành lợi thế. Việc này cần những suy nghĩ kỹ mang tính sáng tạo để có thể trình diễn được bản sắc mà mục tiêu là vừa thân thiện vừa khác biệt.

Mặt mạnh của người Việt chính là sự đa sắc của dân ca. Cũng không phải mọi dân ca vùng miền, mọi hình thức trình diễn hay làn điệu đều phù hợp với biểu diễn du lịch, mà phải có sự chọn lọc, có kịch bản và có những chương trình đa năng để ứng xử với khán giả, với khách du lịch. Bên cạnh đó, các trích đoạn chèo cổ, tuồng cổ cũng nên nghiên cứu đưa vào có chọn lọc.

Về kiến trúc, chúng ta không nên đua về chiều cao với các nước ĐNA, mà nghiêng về chiều rộng: Đó là những khu vườn Việt xinh xinh nhưng ấm áp, có một tỷ lệ tương ứng với ngôi nhà... Về vũ đạo, hầu hết các nước ĐNA, vũ đạo của họ rất phát triển và mang tính biểu hiện rất cao, ta không đua được. Vũ đạo trong biểu diễn du lịch ở Việt Nam nên phát triển theo hướng mô phỏng, vừa dễ hiểu vừa rộn ràng: chèo thuyền, đi cấy, tát nước, giã gạo. Đặc biệt vũ đạo rối (cạn và nước) nên tận dụng. Trang phục là cái người Kinh yếu nhất, "gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn" mà, nhưng các dân tộc thiểu số lại rất phong phú...

Một vị lãnh đạo một tỉnh Tây Nguyên nhắn tin cho tôi: Em đã từng chứng kiến bà con phát biểu khi nhận "nhà rông văn hóa" của nhà nước làm (tặng) trong cái phong trào nhà rông văn hóa rầm rộ một thời: nhà rông này của cơ quan, dùng treo bằng khen; Nhà rông này của làng (do làng làm theo mô hình nhà rông truyền thống), làng dùng để cúng! Hết! Đau đầu chưa!!! Đặc thù bà con Bahnar họ chả nói đâu ạ, nhà nước muốn làm gì thì làm. Vấn đề là mày làm xong thì "mày" sử dụng đi". Từng ở Tây Nguyên gần nửa thế kỷ, tôi rất hiểu điều này. Một thời chúng ta toàn làm thay bà con, và kết quả là đa phần họ không dùng, nhất là các "nhà rông văn hóa" như vừa kể. Giờ tới du lịch, như cái làng tôi vừa nhắc...

Du lịch bê tông- Ảnh 3.

Là tôi cũng từng về 1 cái làng của xã Ia Mơ Nông huyện Chư Pah, cũng làm du lịch ở Gia Lai. Nó là mô hình của làng, dân làng cùng làm chứ không phải nhà nước làm rồi giao. Như mọi xã/ làng Tây Nguyên khác, xã này cũng phát triển về mọi mặt. Nhưng những người dân trong làng ấy, họ biết cách để giữ lại cái phần hồn, cái cốt của làng.

Nông thôn mới là sự phát triển về kinh tế, xã hội, nhưng nếu không khéo thì sẽ diễn ra hiện tượng là các làng giống nhau chằn chặn. Mà nông thôn Việt Nam còn lại gì nếu tất cả đều giống như phố? Những là đường bê tông ô vuông xe chạy tận cổng, nhà xây mái ngói; những là hội trường, quán xá... mà làng, nó có ký ức làng, có những đặc điểm riêng để mỗi làng là một thế giới, để dẫu đi xa mấy, trở về làng chính là trở về nhà, chỉ làng mình mới có. Giải quyết những mâu thuẫn, những nghịch lý này, chỉ có thể là văn hóa.

Những người dân Ia Mơ Nông đã giữ lại hồn làng bằng nhiều cách, từ cái giọt nước, tới khu nhà mồ, từ cái nhà rông tới cái nhà ở, dẫu hiện đại nhưng vẫn ra những nếp nhà sàn, những nghệ nhân được lập thành từng nhóm để vẫn cặm cụi làm ra những sản phẩm truyền thống, nhưng bán được. Và ngay những món ăn dân dã của làng cũng trở thành đặc sản…

Nên tóm lại, du lịch phải có và biết và hiểu văn hóa, không thì nó thành du lịch bê tông, du lịch khai thác, du lịch tận diệt, du lịch... đập chết ăn thịt...

Hy vọng cái làng Mơ Hra kia, khi hoàn thành, nó vẫn còn chút Mơ Hra.

Bài viết theo quan điểm tác giả!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.