Bộ GD&ĐT đang trong quá trình lấy ý kiến xã hội đối với dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm đáng chú ý, trong đó nổi bật là vấn đề phương thức tổ chức và phân cấp, phân quyền trong việc tổ chức thi.
Giao dần tổ chức thi cho các địa phương
Về việc giao quyền tự chủ cho các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra ý kiến rằng, các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp là xu hướng chung của các nước hiện nay. Đối với Việt Nam trong những năm qua cũng đang từng bước hoàn thiện quá trình này. Ông Nhĩ cho rằng, Bộ GD&ĐT chỉ nên quản lý những quy định chung để các địa phương lấy căn cứ thực hiện.
Thực tế, khi để các địa phương tự tổ chức thi, có nhiều lo lắng đặt ra việc gian lận thi cử như đã từng xảy ra trước đó.
Tuy nhiên ông Nhĩ nhìn nhận: “Giải pháp hạn chế gian lận là cần có cơ chế pháp lý chặt chẽ, những ai làm sai sẽ phải được xử lý nghiêm. Hơn nữa, những người làm giáo dục cũng phải ý thức và trái tim, hiểu được trách nhiệm của mình đối với nền giáo dục nước nhà”.
Cùng với đó, việc các cơ sở đào tạo đại học hiện nay được tự chủ tổ chức các kỳ thi riêng cũng là một giải pháp hữu hiệu. “Sau khi thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học sẽ có những cuộc đánh giá lại năng lực của học sinh, thông qua những phần thi này chắc chắn sẽ biết được có hay không chuyện gian lận”, ông Nhĩ bày tỏ.
Phương án thi vẫn theo lối mòn
Cùng chung nhận định nên để các tỉnh thành có vai trò chính cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng việc này vẫn rất khó thực hiện bởi không có những điều kiện để chuẩn hoá cuộc thi này.
Cụ thể ở đây, suốt nhiều năm qua chúng ta không có một ngân hàng đề thi phong phú, ổn định qua các năm. Việc thiếu ổn định thể hiện rõ nét qua phổ điểm thi đại học, chỉ so riêng một vài năm trở lại đây, rất dễ dàng thấy điểm xét tuyển đại học vẫn lên xuống thất thường.
“Thi ở đâu không quan trọng bằng việc cần có một quy chế, chính sách tổ chức kỳ thi hiệu quả. Cần có một kho đề thi chuẩn hoá bởi thực tế các địa phương chưa có khả năng ra đề thi và nếu không có một thang đánh giá chung thì khó đo được mức độ phát triển giáo dục”, ông Vinh nhận định.
Trong khi theo dự thảo Bộ GD&ĐT mới nêu rằng để phù hợp với Chương trình GDPT 2018, ngân hàng câu hỏi thi cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực. Bộ GD&ĐT cần phải chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 17 môn học và có 3 môn là lần đầu tiên được xây dựng ngân hàng đề thi.
Nhận định chung về dự thảo, vị chuyên gia đánh giá không có nhiều điểm mới phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết 29 và Chương trình GDPT 2018.
Ông Vinh bày tỏ: “Cách thi theo dự thảo là chưa phù hợp, các em vẫn phải thi từng môn trong khi xu hướng hiện nay là thi đánh giá năng lực, kỹ năng, kiến thức thông qua các bài thi tổ hợp. Điều này thể hiện rõ trong cách làm của các kỳ thi riêng của các trường đại học hiện nay”.
Khi tiến hành kiểm tra, đánh giá năng lực tư duy sẽ đo lường được nhiều mặt, giải quyết các bất cập như gian lận trong thi cử, học tủ, học lệch và học chỉ để đi thi. Ngoài ra, lượng kiến thức và kỹ năng trong tương lai sẽ thay đổi nên cần phải thay đổi cách thi để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Có những nhận định này, bởi căn cứ theo Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ cần đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Theo đó, việc thi và kiểm tra cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội.
Đặc biệt, đối với Chương trình GDPT 2018 cần đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh. Chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học. Chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như tư duy sáng tạo.
Ngay trong bản thân các trường THPT hiện nay, đều đã dần thay đổi các hình thức thi đánh giá học sinh, vì vậy chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng nếu vẫn tổ chức thi theo từng môn học sẽ không phản ánh được tinh thần của Nghị quyết 29.
Ở đây, ông Vinh cũng nhấn mạnh những yếu tố mới như thực hiện bài thi trên máy tính, ứng dụng khoa học công nghệ trong xét tuyển chỉ là những thay đổi về công cụ hỗ trợ. Điều quan trọng là cần thay đổi cách đánh giá chứ không chỉ là hình thức thi.
Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để xin ý kiến góp ý rộng rãi. Trong đó, điểm đáng chú ý Lịch sử sẽ trở thành một trong 4 môn thi bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng cơ sở kế thừa, phát huy kết quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015 - 2019 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, 2021, 2022; chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu, kinh nghiệm tốt của quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.