Nói về tác động tích cực đối với sức khỏe của dưa, cà muối, bác sĩ Lê Thị Hải (viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết trên tờ Trí Thức Trẻ: “Trong quá trình lên men, dưa, cà muối sản sinh ra nhiều vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp quá trình tiêu hóa thực phẩm trong dạ dày và đường ruột diễn ra tốt hơn. Với vị chua dịu, dễ ăn cùng màu vàng ngon mắt, dưa, cà muối giúp kích thích vị giác ngon miệng và chống ngấy khi ăn kèm với các món ăn nhiều dầu mỡ, tinh bột”.
Trên báo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ Thu Nguyệt (viện Y học ứng dụng Việt Nam) cũng chỉ ra 2 lợi ích trong việc ăn dưa muối:
- Chứa rất nhiều lợi khuẩn probiotic
Khi các loại rau và trái cây lên men, vi khuẩn có lợi giúp phá vỡ cellulose khó tiêu hóa trong thực phẩm, cũng như một số loại đường tự nhiên. Những lợi khuẩn giúp giữ cho thực phẩm lên men ít có khả năng bị hư hỏng và làm tăng vi khuẩn tốt trong đường ruột của bạn khi ăn.
Dưa chua có thể tăng cường các lợi khuẩn của bất kỳ bữa ăn nào của bạn.
- Giữ lại các chất chống oxy hóa
Các chất chống oxy hóa tự nhiên được tìm thấy trong trái cây và rau quả có tác dụng chống lại các gốc tự do. Các gốc tự do là những hóa chất không ổn định được hình thành tự nhiên trong cơ thể, có thể làm tổn thương tế bào và dẫn đến các vấn đề về bệnh tim mạch, ung thư và lão hóa cơ thể. Trong khi bất kỳ thực phẩm nào khi nấu lên đều có thể phá vỡ một số các chất dinh dưỡng nhạy cảm với nhiệt, bảo quản rau bằng cách ngâm muối có thể giữ lại các chất chống oxy hóa gần như nguyên vẹn.
Tuy vậy, theo nhiều nghiên cứu, ở cà muối xổi, dưa muối vẫn còn cay nồng, hàm lượng nitrat cao bị chuyển hóa thành nitrit do vi sinh vật có trong nước dưa, cà muối tác động. Nitrit khi vào dạ dày, dưới tác động của môi trường dạ dày sẽ kết hợp với các axit amin trong thực phẩm khác như thịt, tôm, cá, nhất là mắm tôm, để trở thành nitrosamine. Chất nitrosamine, theo nhiều nghiên cứu cho thấy có khả năng gây ung thư, nhất là ung thư dạ dày.
Theo Trí Thức Trẻ, việc ăn dưa cà muối có thể gây ung thư nhưng điều này chỉ xảy ra khi bạn ăn không đúng cách. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo rằng bạn không nên ăn dưa, cà muối xổi (còn xanh, vị còn cay nồng, mùi hăng) hoặc dưa đã bị nát, nhớt, đổi màu thâm đen, bốc mùi khó chịu.
Bởi vậy, để đảm bảo sức khoẻ, bạn cần lưu ý:
- Chỉ ăn dưa, cà muối khi chúng có màu vàng, thơm, không bị hăng, ngái... Tuyệt đối không ăn dưa, cà muối xổi hoặc đã quá chín, quá chua, đổi màu thâm đen, nhớt, biến mùi...
Sử dụng dụng cụ muối dưa, cà đảm bảo vệ sinh, không đựng dưa, cà trong thùng sơn, nhựa tái chế, gốm sành sứ quá lòe loẹt.
- Không rửa dưa quá nát, dễ gây ủng dưa khi muối.
- Không ăn quá nhiều dưa, cà muối. Mỗi ngày mỗi người chỉ nên ăn khoảng 50gr dưa muối, và ăn 2 - 3 lần trong tuần.
Những người không nên ăn dưa muối
1. Người bị đau dạ dày
2. Người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh gan
3. Người có bệnh về đường tiêu hóa
4. Phụ nữ mang thai
5. Trẻ em
N.H (tổng hợp)