Simon Alev: Theo sự trình bày của ngài thì sự "nhận thức méo mó" đó có vẻ như đặc biệt phổ biến ngày nay, cũng như đã từng phổ biến từ ngàn xưa. Tôi chỉ muốn nêu lên khái niệm ngày càng trở nên phổ biến cho rằng nếu đưa tình dục đến điểm tột cùng thì cũng có thể xem đó như là một hình thức biểu lộ của Giác ngộ – nói theo chiều hướng đó thì tình dục cũng có thể được xem như là con đường dẫn đến giải thoát... Nếu ngài cố tình tránh né nó với bất cứ giá nào thì ngài sẽ không có một chút hy vọng nào để đạt được mục đích cuối cùng mà ngài mong muốn. Nếu có thể xin ngài chỉ dẫn thật minh bạch Đức Phật đã phát biểu ra sao về quan điểm ấy.
Bhante Ganaratana: Tôi khá thuộc lòng về điều này. Đức Phật nói rằng – đây là tôi dịch thẳng từ tiếng Pali – "Bất kể là ta có thể làm được gì hay thực hiện được gì – dù cho ta sống trong hang động hay một nơi vắng vẻ, thuộc làu tất cả kinh điển ; hoặc dù cho ta là một nhà hùng biện thật thông thái, sống bằng đạo đức, hay tất cả những thứ đó kết hợp lại, vân vân và vân vân... – kể cả trường hợp ta làm được bất kể thứ gì khác cũng thế ; nhưng cho đến khi nào ta chưa loại bỏ được thèm khát tình dục, hận thù và vô minh thì khi đó ta vẫn chưa có thể đạt được Giác ngộ". Đấy là những lời giáo huấn của Đức Phật.
Do đó nếu ta càng liên lụy đến các thứ sinh hoạt tình dục, thì ta lại càng bị trói buộc nhiều hơn trong sự thèm khát, càng rơi sâu hơn vào cảnh bất an và càng trở nên ghen tuông khốc liệt hơn. Bất kể đấy là trường hợp của một người đàn ông hay một người đàn bà, khi đã đắm mình trong những sinh hoạt tình dục với thật nhiều người thì người ấy cũng sẽ nhận lấy thật nhiều khổ đau, tương xứng với số người mà mình đã liên lụy và những hậu quả do chính mình tạo ra: khổ đau sẽ phát sinh từ ghen tuông, sợ hãi, căng thẳng, lo âu... Một cuộc sống như thế sẽ hết sức nguy hại.
Nếu một cá nhân nào đó liên lụy tình dục với thật nhiều mẫu người khác nhau, bằng mọi kiểu cách khác nhau, liên miên và bất tận, thì nhất định người ấy sẽ chết sớm vì những hành vi thiếu lành mạnh của mình. Đến đây, có lẽ bạn cũng đã hiểu rõ là sự sinh hoạt tình dục trong chừng mực và thận trọng không phải là một điều cấm đoán. Tuy nhiên nếu bảo đấy là cách « đạt được Giác ngộ bằng phương tiện tình dục » thì thật sự câu ấy chỉ có nghĩa là : đắm mình trong những sinh hoạt tình dục cho đến khi chết thế thôi ! Và nhất định theo cách đó thì ta sẽ chết trước khi đạt được Giác ngộ !
Simon Alev: Qua các công cuộc thăm dò của chúng tôi thì chúng tôi nhận thấy khái niệm cho rằng tình dục mang tính cách thiêng liêng không những khá phổ biến ngày nay mà nhiều người thấm nhuần nền văn hóa Tây phương còn nhìn sự trinh bạch với con mắt sợ hãi và đầy ngờ vực. Theo ngài thì sự kiện ấy do đâu mà ra?
Bhante Gunaratana: Nếu như sự trinh bạch được giữ gìn một cách nghiêm túc thì người được thừa hưởng chính là người đã thực hiện được việc ấy. Bạn không thể đứng ra thành lập một học viện nghiên cứu và giảng dạy về sự trinh bạch. Sự trinh bạch không phải là một thứ gì có thể biến thành một thể chế được quy định bởi những quy tắc có tính cách tập thể. Nó không phải là một thứ gì lệ thuộc vào một tổ chức có tính cách quy mô. Không thể nào có một xã hội trinh bạch. Sự trinh bạch có tính cách hoàn toàn cá nhân và tự nguyện. Vậy, nếu có những người bài bác sự trinh bạch thì có thể chính những người ấy cũng sẽ đứng ra chống lại một tập thể chủ trương sự trinh bạch.
Simon Alev: Tuy nhiên, hình như bất cứ một ngôi chùa nào hay một học phái nào cũng thế, tất cả đều phải tuân thủ một số quy tắc nào đó. Thành thực phải nói là chúng tôi vừa thán phục lại vừa bối rối khi đọc qua những quy tắc tập luyện về Patimokkha (dịch âm là Ba-la-đề mộc-xoa, dịch nghĩa là cấm giới, gồm một số các quy luật mà những nhà sư Phật giáo phải tuân thủ) và khám phá ra rằng Đức Phật hình như đã thiết đặt một hệ thống quy luật cấm đoán người tu hành liên hệ đến những giao du tình dục – chỉ xin nêu lên một vài thí dụ mà tôi chắc chắn là ngài đã biết – chẳng hạn những thứ như sọ người, thây ma, thú vật...
Căn cứ theo riêng sự hiểu biết của chúng tôi thì thái độ đó không còn thích nghi với thời đại ngày nay nữa – chưa kể là không nhất thiết còn đúng như thế – do đó chúng tôi tự hỏi: Đức Phật thiết lập các quy tắc như thế có đủ sức ngăn chận những gì mà người ta vẫn thường làm hay không ? Trong số đó kể cả trường hợp của các người tu hành và các đệ tử của Đức Phật ?
Bhante Gunaratana: Vâng. Khi Đức Phật đưa ra một quy tắc nào đó, thì các người tu hành kể cả trong thời buổi bấy giờ liền tìm ngay cách tránh né để tiếp tục thực thi như trước. Họ vẫn tiếp tục tìm cách sinh hoạt tình dục bằng cách này hay cách khác. Vì thế, khi Đức Phật đưa ra một quy tắc, họ không phá bỏ quy tắc ấy, nhưng lại tìm cách khác để tiếp tục vi phạm vào hành vi tình dục. Đức Phật lại phải đưa ra một quy tắc mới để ngăn chận. Giống hệt với trường hợp cảnh sát và những kẻ tội phạm ngày nay – khi có một đạo luật được đưa ra, thì bọn tội phạm sẽ tìm ngay cách tránh né để tiếp tục phạm pháp, và người ta lại phải đưa thêm một đạo luật mới.
Những chuyện như thế cũng đã từng xảy ra trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế. Khi số người gia nhập Tăng đoàn càng nhiều thì họ cũng bắt đầu gây ra đủ mọi thứ rắc rối, và chính vì những rắc rối ấy nên cần phải thiết lập các quy tắc. Vì thế mà các quy tắc còn lưu lại cho đến ngày nay. Không phải vì lý do muốn phòng ngừa trước mà Đức Phật đã đặt ra những quy tắc như thế.
Simon Alev: Vậy thì chúng ta đang ở trong cái thời buổi tương lai như vừa nói, và ngài đã hướng sự tu tập của ngài vào việc truyền bá lối sống xuất gia do Đức Phật chủ trương vào thế giới phương Tây, vì thế tôi cũng rất tò mò muốn biết ngài đã gặt hái được những kinh nghiệm nào trong số những người Tây phương đã tìm đến ngài để học hỏi. Những người Tây phương tân tiến ngày nay có sẵn sàng và quyết tâm xuất gia hay không ?
Bhante Gunaratana: Bạn có hiểu là bạn vừa nêu lên một câu hỏi thật là chí lý hay chăng ? Chúng tôi gạn lọc thật cẩn thận trước khi cho họ gia nhập vào đời sống tu viện. Chúng tôi bắt họ phải vượt qua một thời gian thử thách hai năm để xem quyết tâm của họ có chín chắn hay chưa. Bởi vì đôi khi cũng có một số người chỉ muốn đến đây để tìm sự vui thích, hoặc để tìm sự thanh tịnh và an bình trong cảnh giới tu hành của chúng tôi, vân vân và vân vân, họ nghĩ rằng họ có thể lưu lại lâu dài để trở thành những nhà tu hành thật sự. Nhưng thật ra sau đó thì họ đổi ý. Chúng tôi không muốn đùa bỡn với cái trò ấy mà chỉ muốn duyệt xét xem họ có thành tâm hay không. Nếu như họ thành tâm thì chúng tôi chấp nhận.
Tuy nhiên số người đó không đông đảo gì. Có nhiều người đến tận đây, và cũng có nhiều người viết thư – và gần đây hơn thì họ dùng email – khẩn thiết xin chúng tôi được gia nhập vào đời sống tu viện trong mục đích tu tập để trở thành những nhà sư như chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi không chấp thuận đồng loạt cho tất cả, vì chúng tôi hiểu rằng sau đó phần lớn sẽ lơi là và không còn giữ được sự nhiệt thành như lúc ban đầu.
Tuy nhiên vẫn có một số người rất thực tâm muốn trở thành các nhà sư hay ni cô. Đấy cũng chẳng phải là một điều gì mới lạ. Từ những thời xa xưa cũng thế mà thôi, trong số hàng triệu người thì chỉ có một số nhỏ xuất gia để vào chùa tu hành. Trong các nước Phật giáo ngày nay cũng vậy, đâu phải tất cả mọi người đều xuất gia để vào chùa. Một vài quốc gia như Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia, và vân vân..., dân chúng có truyền thống xuất gia và vào chùa trong một thời gian ngắn. Đối với những người vào chùa ngắn hạn trên đây thì hầu hết đều cởi áo sau đó và trở về cuộc sống thế tục. Chỉ còn lại một nhóm rất ít mà thôi.
Các nước Tây phương không có truyền thống giống như thế, vì vậy mà số người xin vào chùa lại còn ít hơn nữa. Và trong số này, những người lưu lại lâu dài để tiếp tục tu hành lại còn hiếm hoi hơn gấp bội. Quả là như thế, sự kiện ấy khá giống nhau trên toàn thế giới, và từ xưa đến nay cũng vẫn thế mà thôi. Trong thế giới Tây phương con người ngày càng trở nên mệt mỏi dưới các áp lực của xã hội – quả thật những áp lực ấy hết sức nặng nề – và vì thế mà họ muốn xa lánh xã hội.
Chúng tôi thành lập Trung tâm tu tập này cũng vì sự kiện đó, và thật ra từ xưa đến nay ở đâu cũng thế.
> 'Thời Đức Phật, nhiều người tin rằng tình dục rất thánh thiện'
Mời quý độc giả đón đọc kỳ tới vào sáng mai, thứ bảy, 18.6.
Ký giả Simon Alev
Báo Giác ngộ là gì (What is Enlightenment), Hoa Kỳ