Dừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng: Cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp Việt

Dừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng: Cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp Việt

Thứ 4, 19/02/2025 15:07

Nhiều mặt hàng online nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử sẽ tăng giá khi chính sách ưu đãi thuế cho mặt hàng trị giá dưới 1 triệu đồng hết hiệu lực từ 18/2.

Theo đó, các loại hàng hóa nhập khẩu qua sàn TMĐT giá trị dưới 1 triệu đồng không còn được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, theo Quyết định 01/2025 ngày 03 tháng 01 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá bán hàng xuyên biên giới trên sàn sẽ tăng do phải chịu thêm khoản thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu và khách hàng sẽ là người chi cho khoản tăng này.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng nhà bán hàng Trung Quốc sẽ nỗ lực giảm chi phí hoặc chấp nhận giảm bớt một phần lợi nhuận để giữ chân khách hàng.

Trong khi nhiều shop kinh doanh online phải điều chỉnh giá bán, các doanh nghiệp sản xuất trong nước được cạnh tranh công bằng hơn.

Trước đây hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế nhập khẩu, trong khi các sản phẩm tương tự do doanh nghiệp nội địa sản xuất vẫn phải chịu loại thuế này.

Dừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng: Cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp Việt- Ảnh 1.

Từ ngày 18/2, hàng nhập khẩu có giá trị thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ không còn được miễn thuế giá trị gia tăng.

Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) đã lợi dụng chính sách này nhập số lượng lớn hàng giá rẻ từ nước ngoài rồi chia nhỏ đơn để hưởng ưu đãi thuế, gây áp lực tới doanh nghiệp trong nước, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo Tuổi trẻ.

Từ ngày 18/2, chính sách này bị xóa bỏ theo quyết định số 01/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Bán hàng online gần tám năm nay, chị Quỳnh Trần (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết phần lớn hàng hóa mà chị bán đều có giá trị rất nhỏ, xuất xứ từ Trung Quốc, chủ yếu nhập khẩu qua kênh TMĐT về Việt Nam.

Với chính sách thuế mới, trong thời gian tới giá của hàng nhập khẩu này sẽ tăng lên. Do vậy chị đang tính tới phương án khác là tìm thêm nguồn hàng trong nước.

Nhiều chủ shop trên sàn TMĐT bày tỏ lo ngại sẽ mất lợi thế bán đồ trên sàn khi dừng miễn thuế VAT hàng dưới 1 triệu đồng vì việc tăng giá bán sẽ làm giảm sức mua. Dù vậy theo ghi nhận, việc nhiều cửa hàng ế ẩm hoặc tạm ngưng hoạt động có nhiều lý do, trong đó khó cạnh tranh với hàng online nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Chị Mỹ Thanh (Đồng Nai), một người kinh doanh thời trang online, cho biết đã đầu tư hơn 200 triệu đồng vào lô quần áo nữ nhưng lượng khách rất ít do sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng Trung Quốc giá rẻ.

Không chỉ ngành thời trang, các mặt hàng như đồ gia dụng, phụ kiện, văn phòng phẩm, mỹ phẩm cũng chịu tác động lớn từ chính sách mới. Ngay cả các thương hiệu thời trang của KOL cũng gặp khó khăn.

Vào đầu tháng này, chia sẻ trên kênh TikTok cá nhân có hơn 5,5 triệu tài khoản theo dõi, Linda Ngô cho biết chính thức "khép lại hành trình" của thương hiệu thời trang Lenoir Studios do cô gầy dựng. Vì đây là "đứa con tinh thần" nên đối với cô mỗi chiếc áo, mỗi bộ váy đều mang theo một câu chuyện mà Lenoir không thể nào quên.

Tuy nhiên với lý do không đủ thời gian, cô quyết định đóng cửa. Mặc dù khen quần áo cô bán đẹp và sang nhưng không ít khách hàng nói giá bán ra tương đối cao. Nhiều người cho rằng thông thường nếu không bán ế, chưa chắc người chủ đã ngưng làm với lý do không đủ thời gian dành cho hoạt động kinh doanh.

Theo Metric - nền tảng khai thác số liệu TMĐT, năm vừa qua có đến 165.000 cửa hàng online trên 5 sàn lớn đã phải rời bỏ thị trường.

Trong khi đó, chỉ riêng sàn Shopee có 31.500 nhà bán hàng nước ngoài hiện diện, mang về doanh thu hơn 14.200 tỷ đồng, tương đương đã bán ra hơn 324 triệu sản phẩm. Chưa bao gồm các thương nhân nước ngoài đang bán trên TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa có cơ hội rà soát lại hoạt động sản xuất, tối ưu hóa chi phí và hạ giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng việc áp thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ không chỉ giúp đảm bảo công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước mà còn góp phần hạn chế tình trạng thất thu thuế, nhất là khi hàng có giá trị nhỏ nhập tương đối nhiều.

Tuy nhiên để chính sách này phát huy hiệu quả cần có những biện pháp hỗ trợ đi kèm, giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Bởi Trung Quốc là "công xưởng thế giới" với quy mô sản xuất lớn, công nghệ hiện đại và chi phí tối ưu.

Trong khi đó doanh nghiệp Việt chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, không thể cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc.

Về lý thuyết, để tồn tại và phát triển doanh nghiệp Việt phải tập trung vào cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng và ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên rào cản lớn nhất là chi phí đầu tư. Nếu không có chính sách hỗ trợ và tạo môi trường kinh doanh công bằng, hàng hóa giá rẻ nhập khẩu sẽ tiếp tục tràn vào và gây sức ép lên doanh nghiệp trong nước.

Dừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng: Cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp Việt- Ảnh 2.

Giá hàng nhập khẩu trị giá dưới 1 triệu đồng qua sàn TMĐT dự báo sẽ tăng

Ông Bùi Đức Thiện - đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành thương hiệu thời trang Erosska - cho rằng việc ngừng miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu đồng là một động thái cần thiết bởi chính sách miễn thuế trước đây đã tạo ra "lỗ hổng cạnh tranh không lành mạnh" khi các đơn vị kinh doanh TMĐT có thể nhập số lượng lớn hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, chia nhỏ đơn hàng để được miễn thuế.

"Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước đối mặt với khó khăn do không thể cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu giá rẻ thông qua con đường này. Quyết định mới sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh công bằng hơn, bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng, đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế thông qua hình thức chia nhỏ lô hàng", ông Thiện nói.

Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, quy định này có thể khiến giá hàng hóa khi nhập khẩu từ ngoài lãnh thổ vào Việt Nam không còn sức hút vì giá quá cạnh tranh.

"Điều này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng cân nhắc kỹ hơn về hàng hóa nhập khẩu khi mua sắm, từ đó tăng cường nhu cầu đối với hàng hóa nội địa, nhất là sản phẩm có chất lượng tương đương. Đây là cơ hội để doanh nghiệp nội địa cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm"- ông Hoàng Ninh nói.

Cũng theo ông Hoàng Ninh, quy định này sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng các chính sách miễn thuế để nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng hoặc gian lận thương mại...

Tổng cục Hải quan cũng cho rằng, quy định mới nhằm bảo đảm công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất, kinh doanh trong nước.

Cơ quan này tính toán, nếu áp mức thuế 10% với lượng hàng hóa như năm ngoái, ước tính số thu ngân sách Nhà nước năm nay có thể tăng khoảng 2.700 tỷ đồng, theo An ninh thủ đô.

Khánh Linh (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.