Dùng một quả đào mà giết chết được Tam Kiệt

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Án Anh tự Bình Trọng là một nhân vật lịch sử nổi tiếng với vụ chia đào, sống và làm quan hai triều vua Tề Trang Công và Tề Cảnh Công thời Xuân Thu ở Trung Quốc.

Theo đó, trong một dịp vua Tề mở tiệc chiêu đãi Lỗ Chiêu Công cùng quan đại phu Thúc Tôn Nhược, Án Anh đã dùng một quả đào kết hợp với thủ thuật phân chia, nói khích, khiến cho Tam Kiệt của nước Tề là Điền Khai Cương, Công Tôn Tiệp, Cổ Giả Tử thi nhau tự sát.

Tam Kiệt được biết đến là những nhân vật có sức mạnh, có công lớn, thường hay ỷ mình nên kiêu ngạo với bá quan. Từ lâu Án Anh muốn trừ khử mà chưa có dịp. Nhân tiệc chiêu đãi này, Án Anh tâu: Nay vườn đào đã có quả chín, xin chúa công cho trẩy để chúc thọ hai vua. Nhà vua sai người đi hái, Án Anh theo. Một lúc Án Anh đem đào vào, và cho biết giống đào quý này có tên là "Vạn thọ Kim Đào", còn gọi là Bàn Đào, trồng đã ba mươi năm, từng ra hoa mà chưa từng kết trái. May sao năm nay được lứa đầu tiên, toàn cây đào có chín quả, chỉ có sáu quả chín.

Án Anh dâng rượu và mời Lỗ Chiêu Công một quả đào. Tiếp đó Án Anh dâng rượu và mời Tề Cảnh Công một quả. Cảnh Công lại ban cho Thúc Tôn Nhược và Án Anh mỗi người một quả (còn dư lại hai quả). Ai nấy ăn vào thấy mùi vị ngon ngọt sảng khoái. Án Anh quay xuống các quan, nói: Theo lệnh chúa công truyền cho các quan, quan nào thấy mình có nhiều công trạng được phép tâu lên để lãnh đào.

Dũng sĩ Công Tôn Tiệp đứng ra nói: Ngày xưa chúa công đi săn bị con cọp gấm chụp, tôi ra sức giết nó, cứu được chúa công, công ấy như thế nào?. Án Anh nói: Cái công bảo giá ấy cao ngất trời, còn gì hơn, đáng được ăn đào lắm. Nói rồi cho Công Tôn Tiệp một quả. Cổ Giả Tử cũng đứng ra nói: Ngày xưa chúa công qua sông Hoàng Hà bị con giải yêu quái làm nổi sóng, sắp đắm thuyền hại chúa công, tôi nhảy xuống nước giết giải, công ấy thế nào? Tề Cảnh Công nói: Đó mới là cái công to lớn nhất đời. Đáng được uống rượu và ăn đào. Án Anh cho Cổ Giả Tử uống rượu và ăn đào. Đào đã hết.

Điền Khai Cương giờ bước ra nói: Tôi phụng mệnh chúa công đi đánh nước Từ, bắt được tướng sĩ nước Từ. Các vua Từ, Đàm, Cử cả sợ mới tôn chúa công tôi làm minh chủ. Cái công ấy có xứng đáng để được ăn đào không? Án Anh nói: Công của tráng sĩ lớn gấp mười so với hai người trước, nhưng giờ đào đã hết, tạm uống chén rượu, chờ năm khác vậy.

Điền Khai Cương nói: Giết hổ, chém giải chỉ là cái công vặt, còn ta xông pha mũi tên hòn đạn, biết bao khó nhọc, thế mà không được ăn đào, chịu nhục trước mặt hai vua, để tiếng cười về sau, còn mặt mũi nào sống nữa. Nói rồi rút gươm tự vẫn. Công Tôn Tiệp giật mình nói lớn: Công ta nhỏ mọn mà được ăn đào, không nhường cho bạn sao gọi là liêm, không chết theo bạn sao gọi là dũng? Công Tôn Tiệp cũng đâm cổ chết theo. Cổ Giả Tử la lên: Ba ta đã kết nghĩa với nhau. Nay hai bạn đã chết rồi, ta sống làm gì. Nói rồi cũng tự sát.

Luật nay: Phạm tội làm nhục người khác

Mặc dù không trực tiếp ra tay giết người nhưng trong vụ án trên, Án Anh là người có liên quan. Đối chiếu với các quy định của pháp luật ta thời nay thì Án Anh sẽ bị xử tội gì?. Tại Điều 121 BLHS quy định: "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm".

Trong trường hợp trên, Án Anh đã xúc phạm tới nhiều người (quy định tại điểm b, khoản 2 của Điều 121) thì có thể bị phạt tù từ một năm đến ba năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tường Linh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.