Thêm giấm trắng
Sau khi vo gạo cho vào nồi nấu, bạn hãy thêm vào một chút giấm trắng trộn đều với nước và gạo. Tỉ lệ trộn là 2 ml giấm cho mỗi kg gạo. Giấm không chỉ giúp hạt cơm dẻo mà còn có vị ngọt, giữ màu và không dễ bị thiu hay chua.
Ngoài ra giấm có tác dụng làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate, ngăn chặn lượng đường trong máu tăng sau khi ăn cơm. Do đó, cách nấu cơm này đặc biệt tốt cho bệnh nhân bị tiểu đường, người trung niên và cao tuổi, người có axit uric cao, đồng thời cũng tốt cho những ai đang có ý định giảm cân
Thêm dầu olive
Sau khi vo gạo, các bạn hãy cho khoảng 3-4 giọt dầu oliu vào nồi và nấu như bình thường; hoặc bạn cũng có thể cho dầu olive vào sau khi cơm đã chín đều được.
Gạo chứa nhiều tinh bột, được chia thành tinh bột tiêu hóa và tinh bột kháng. Đối với loại tinh bộ kháng, nó không dễ dàng bị phân hủy trong ruột non, nên không tạo ra năng lượng. Khi nấu cơm, việc cho vài giọt dầu olive vào sẽ làm cho hàm lượng tinh bột kháng trong cơm không bị cơ thể hấp thụ, do vậy rất tốt cho người ăn kiêng.
Đá viên
Đây là mẹo vặt nấu cơm được nhiều người Nhật tin tưởng và yêu thích. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần cho 2,3 viên đá lạnh kèm vài giọt dầu ăn và đổ nước bình thường, đợi 15-30 phút sau đó mới bắt đầu nhấn nút nấu.
Thêm đá viên khi nấu cơm sẽ làm chậm tốc độ hút nước của gạo, khiến cơm chín trở nên dẻo và mềm hơn rất nhiều.
Thêm muối
Cho một ít muối vào nồi trước khi nấu sẽ khiến cơm ngon và lâu thiu hơn. Thậm chí ngay cả những ngày nắng nóng, muối có thể bảo quản được cơm mà không cần cho vào tủ lạnh.
Khi nấu cơm nguội còn thừa từ hôm trước, nên cho thêm chút nước muối loãng vào nấu cùng, mùi vị khác lạ sẽ bị loại bỏ.
Những lưu ý cơ bản khi nấu cơm
- Chọn gạo ngon
Đầu tiên để nấu được cơm ngon, chúng ta cần chọn mua gạo sạch, chất lượng, vào mùa và ngon. Gạo ngon đúng nghĩa là gạo mới, nên chọn gạo theo mùa không nên mua gạo đã để lâu vì như vậy chúng sẽ không còn chất dinh dưỡng, mất đi vị ngọt tự nhiên, không còn mùi thơm vốn có của gạo nữa.
Khi chọn gạo nên chọn gạo hạt đều, tròn và bóng. Không nên chọn gạo bị gãy, nát và có màu vàng, đen vì đó là gạo bị hư, để lâu. Không chọn gạo có màu quá trắng hay bị bạc bụng vì rất có thể đó là gạo được tẩy trắng hoặc xát quá kĩ khiến lớp cám gạo bên ngoài bị bay mất.
Gạo phải có mùi thơm nhẹ nhàng, sẽ ngửi thấy được hương thoang thoảng và không có mùi ẩm mốc hoặc mùi lạ.
Có thể nếm thử gạo để biết được là gạo ngon hay không. Cho hạt gạo vào miệng nhai, nếu gạo có vị ngọt nhẹ, cảm nhận được độ bột bột, thơm thơm thì là gạo ngon.
-Vo gạo chuẩn
Việc vo rửa gạo trước khi nấu cũng vô cùng quan trọng. Nó giúp rửa trôi những bụi bẩn và tạp chất lẫn trong gạo. Tuy nhiên không phải cứ "càng sạch" thì sẽ "càng tốt". Nếu chà xát gạo quá kỹ khi vo sẽ làm mất đi rất nhiều dưỡng chất như glucid, protein, lipid, chất khoáng, vitamin B1, B2, B6... Vì thế, chúng ta chỉ nên khoắng nhẹ tay cho bụi bẩn và tạp chất lẫn bên trong hạt gạo trôi ra là được.
-Ngâm gạo trước khi nấu
Sau khi vo gạo, cho một lượng nước vừa đủ với loại gạo sẽ nấu và để ngâm 15 - 30 phút rồi mới bắt đầu cắm điện. Với bất cứ loại gạo nào, việc ngâm gạo trước khi nấu sẽ giúp cơm nhanh chín, tơi xốp mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
-Tỉ lệ khi đong nước nấu cơm
Khi nấu cơm, nếu cho nhiều nước cơm sẽ nát, nếu cho ít nước cơm sẽ khô cứng. Tỉ lệ tốt nhất giữa gạo với nước là 1: 1,2 hoặc 1,5. Để xác định lượng nước tiêu chuẩn, dùng ngón tay trỏ đặt vào phần nước. Mực nước cao hơn gạo khoảng một khớp ngón trỏ là được.
Minh Hoa (t/h)