Năm 2006, chị Nguyễn Thị Vĩnh kết hôn cùng anh Nguyễn Chính Bình, về làm dâu ở xóm Phú, xã Thạch Liên - Thạch Hà - Hà Tĩnh. Dẫu vợ chồng tay trắng xây dựng gia đình nhưng ai cũng mừng bởi chồng hiền lành chăm chỉ làm ăn, vợ khỏe mạnh, đảm đang.
Đứa con đầu lòng - cháu Nguyễn Chính Cường ra đời trong niềm hạnh phúc của cả 2 gia đình nội ngoại. Nhưng rồi, “Ngày cháu vừa tròn tháng, bỗng nhiên lên cơn co giật giữ dội, cả người cứng đờ, sùi bọt mép rồi ngất xỉu. Chuỗi ngày theo con đi khắp các bệnh viện bắt đầu từ đó” - chị Vĩnh nghẹn ngào kể.
Cháu Nguyễn Chính Cường đang cầm cự với cuộc sống bằng bình ô xy
Gần 7 năm trời vợ chồng anh Bình đưa con đi khắp các bệnh viện, chữa Tây y không được lại chuyển Đông y rồi tìm thầy thuốc Nam. Thế nhưng không có thứ thuốc nào chữa trị được căn bệnh bại não của cháu. Chỉ có nợ mới chồng lên nợ cũ và niềm hi vọng tắt dần.
“Nỗi đau về đứa con bệnh tật vô phương cứu chữa khiến tôi không còn đủ can đảm nghĩ tới việc sinh con lần nữa. Nhưng gia đình nội ngoại động viên, khuyên bảo nên 6 năm sau vợ chồng tôi mới quyết định sinh cháu thứ 2. Cháu Nguyễn Chính Quân sinh ra cũng khỏe mạnh, kháu khỉnh như những đứa trẻ khác. Mới 3 tháng tuổi đã bắt đầu biết quen tiếng mẹ và học nói chuyện với mọi người. Tưởng rằng lần này trời thương, bù đắp cho vợ chồng tôi chút hạnh phúc. Ai ngờ chỉ 1 tháng sau đó, cháu lại bắt đầu lên cơn động kinh tựa như anh của nó”.
Mới tròn 10 tháng tuổi nhưng Quân cũng đã quen cửa viện. Dù vậy, so với anh trai, cháu còn nhiều hi vọng bởi các bác sỹ kết luận bộ não của cháu chưa bị tổn thương.
Gia đình 2 bên nội ngoại đã gần như dồn hết gia tài nghèo mọn của nhà nông; bà con làng xóm cũng đã nhiều lần gom góp giúp đỡ để đưa cháu Quân đi chữa bệnh.
Cháu Quân - niềm hy vọng cuối cùng của gia đình chị Vĩnh
Sau 2 chuyến điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương về, cháu có đỡ hơn. Nhưng căn bệnh này đòi hỏi phải điều trị dài ngày với phương tiện chữa bệnh hiện đại và những loại thuốc đắt tiền mới mong bình phục. Vợ chồng anh Bình đành ôm nỗi tuyệt vọng nhắm mắt cho qua những lần hẹn khám tiếp theo của Bệnh viện Nhi Hà Nội.
Đến giữa tháng 3 này, cùng một lúc 2 anh em Cường và Quân lại phải vào Bệnh viện. Sau gần 1 tuần điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cháu Cường đang trong tình trạng hôn mê sâu.
Theo lời khuyên của các bác sỹ, gia đình đành đưa cháu về nhà. Người bố ngày ngày túc trực bên cháu Cường trong những ngày cuối cùng của đứa con trai đầu tội nghiệp. Còn người mẹ vẫn cùng cháu Quân điều trị ở phòng cấp cứu khoa Nhi - Bệnh viện tỉnh.
Những ngày này tình trạng bệnh của cháu Quân diễn biến phức tạp hơn. Bệnh viện nhiều lần khuyên gia đình chuyển cháu lên tuyến T.Ư nhưng gia đình chưa xoay xở được tiền để đi Hà Nội, đành nuốt nước mắt nhìn con quằn quại trong đớn đau.
“Mỗi chuyển đi như thế chi phí gần 20 triệu đồng. Mấy ngày nay, bà nội cháu chạy vạy khắp nơi mới chỉ gỡ được vài triệu. Nợ ngân hàng, nợ xóm làng, anh em nhiều quá rồi, không biết vay đâu được nữa. Nhìn đứa lớn đang dần từ dã cuộc sống ở nhà; nghĩ tới đứa nhỏ đau đớn mà không có tiền chữa trị, lòng tôi như ngàn mũi kim đâm” - anh Bình than thở trong nỗi tuyệt vọng khốn cùng.
Trong túp lều nhỏ của gia đình anh Bình những ngày này, bà con xóm làng thường xuyên lui tới thăm cháu Cường. Đứa bé gần 7 tuổi giờ chỉ còn bằng đứa trẻ chưa đầy năm, nằm thoi thóp thở bên bình ô xi, ai nhìn cũng rơi nước mắt.
Bà nội cháu nghẹn ngào kể: “Trước đây ông nội cháu chiến đấu ở chiến trường Đường 9 Quảng Trị, không biết bị sức ép của bom hay chất độc hóa học nên được chuyển tuyến sau. Khi ông xuất ngũ về sức khỏe rất yếu, thường hay lên cơn mê sảng kêu gào dàn trận địa đánh giặc như những ngày còn ở chiến trường. Mới 58 tuổi ông ấy đã đi sớm bởi những ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Những đêm trắng nhìn các cháu vật vã, tôi vẫn dằn vặt với câu hỏi: có phải do ảnh hưởng từ ông nội khiến 2 đứa cháu khốn khổ đến thế này không?”.
Mai Thủy (Hà Tĩnh)