Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, sẽ tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít.
Bộ Tài chính ước tính, nếu tăng như vậy, số thu ngân sách mỗi năm từ thuế xăng dầu sẽ đạt khoảng trên 55.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng.
Điều đó đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Có ý kiến tranh cãi với việc tăng thuế bảo vệ môi trường kịch khung đối với xăng dầu.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng: “Trong xu thế hội nhập quốc tế, khi thuế xuất nhập khẩu giảm xuống 0% thì nó sẽ dẫn tới một hệ quả tất yếu là nguồn thu ngân sách sẽ giảm đi đáng kể. Mỗi nước có 1 cách ứng xử để có nguồn thu bù lại sự thiếu hụt đó.
Đối với chúng ta cũng vậy, việc tìm nguồn thu bù vào khoản thiếu hụt do thuế xuất nhập khẩu giảm xuống 0% là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, cách làm của bộ Tài chính là chưa phù hợp. Gần đây, bộ Tài chính liên tiếp đề xuất tăng một loạt thuế, lệ phí như đề xuất thu thuế đối với nhà ở từ trên 700 triệu đồng, tăng thuế giá trị gia tăng và giờ là tăng thuế bảo vệ môi trường kịch khung đối với xăng dầu… Điều đó dẫn tới sự phản ứng của nhiều người trong xã hội”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng phân tích: “Theo kinh nghiệm, nhiều nước họ tìm cách nâng đỡ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống để thông qua đó người ta thu các khoản thuế khác trong quá trình kinh doanh. Đó là cách làm thông minh.
Hơn nữa, về mặt nguyên tắc, khi nguồn thu ngân sách bị giảm đi thì anh phải đề xuất ở cả 2 khía cạnh. Thứ nhất là anh đề xuất hướng đảm bảo nguồn thu. Thứ hai là anh phải đề xuất các cách giảm chi đi, cái này lại chưa thấy bộ Tài chính chú trọng”.
Về việc bộ Tài chính dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường lên đến kịch trần, PGS Phạm Tất Thắng nhìn nhận:
“Ở đây nó có sự bất cập. Tức là các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có cả bộ Công Thương, bộ Tài chính… đang chứng minh, khuyến khích mọi người dùng xăng E5 và nói rằng xăng E5 thân thiện với môi trường.
Nếu dùng xăng E5 thì giảm được khí thải ra môi trường. Vậy mà trong khi đó anh lại tăng thuế bảo vệ môi trường của xăng lên. Hai việc này nó không nhất quán, dẫn tới sự phản ứng của người tiêu dùng”.