Đường bắp Trung Quốc đe dọa đường nội?
Trong vai người cần nguồn hàng là đường bắp dạng lỏng, PV liên hệ với một doanh nghiệp Trung Quốc (quận Tân Bình, TP.HCM). Nhân viên tại cơ sở này thông tin, tại Trung Quốc, đường bắp có giá 13 tệ/thùng 5kg (tương đương 43.000 đồng). Nhập khẩu về đến TP.HCM giá khoảng 10.000 đồng/kg, đại lý sẽ vận chuyển đến tận kho hàng cho người buôn, giá bán lẻ 11-12.000 đồng/kg.
Thông qua một đầu mối, PV được biết, công ty Hưng Nguyên (quận 12, TP.HCM) hiện đang cung cấp loại đường này. “Đây là đường chiết xuất từ bắp (55%) dùng trong ngành chế biến thực phẩm. Đường có dạng nước, nên tan rất nhanh, dễ dàng thay thế cho đường cát trắng”, Thanh, người bán hàng tư vấn cho PV.
Bà Dương Thị Tô Châu, Phó tổng giám đốc công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh cho biết: “Loại đường này của Trung Quốc có thể thay thế đường trắng nhập khẩu là bởi nhu cầu của các công ty sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, nước ngọt. Xu hướng các doanh nghiệp sử dụng loại đường này ngày càng nhiều vì nó có độ ngọt cao hơn và giá lại rẻ hơn”.
Theo bà Châu, hiện giá đường trắng trong nước đang ở mức 14.000 đến 18.000 đồng/kg, trong khi đường bắp có giá rẻ hơn, chỉ khoảng 12.000 đồng/kg nhưng độ ngọt cao hơn đường trắng 1,1 – 1,3 lần. Đó chính là lý do các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước ngọt chọn đường bắp thay thế cho đường trắng.
Chưa hết, loại đường này khi vào Việt Nam lại không bị đánh thuế nhập khẩu. “Đường bắp Trung Quốc nhập vào Việt Nam đang được hưởng mức thuế ưu đãi 0%, trong khi đường trắng nhập khẩu nằm trong hạn ngạch phải chịu mức thuế 5%. Nếu ở ngoài hạn ngạch lên tới 80%”, bà Châu cung cấp thêm thông tin.
Nói về giải pháp cho đường nội, ông Nguyễn Thành Công, Tổng giám đốc một DN tại TP.HCM nêu ý kiến: “Các công ty sản xuất đường trong nước phải linh hoạt và liên kết với nhau để tạo ra các loại sản phẩm có giá thành rẻ, đáp ứng nhu cầu trong nước. Làm được điều đó vừa hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, vừa tiêu thụ được đường ở thị trường nội địa và đặc biệt là cạnh tranh với các loại đường nước ngoài. Khi đó, người nông dân cũng yên tâm trồng mía phục vụ nhà máy”.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Quy, Tổng giám đốc công ty TNHH rượu Vạn Phát cho rằng: “Việc một số đơn vị sử dụng đường lậu, đường nước ngoài là do giá rẻ hơn, chênh lệch gần 2.000 đồng so với đường trong nước. Thêm vào đó cũng có tình trạng găm hàng, chờ giá lên rồi mới bán. Nếu đường trong nước bao phủ được thị trường, có giá phải chăng và phân phối kịp thời thì sẽ ngăn được các loại đường nói trên”.
Nhiều tranh cãi về lợi ích, tác hại
Ngoài việc tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt thì điều người tiêu dùng và doanh nghiệp lo lắng hiện nay chính là loại đường này có ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng hay không?
“Một số thông tin cho rằng, đường chiết xuất từ bắp theo phương pháp thủy phân cùng với các chất hóa học có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng. Loại bắp dùng để chiết xuất thành đường lỏng là bắp biến đổi gene, nên càng phải cẩn trọng và kiểm nghiệm kỹ loại sản phẩm này”, ông Nguyễn Hùng Thắng, Giám đốc công ty tư vấn sức khỏe dinh dưỡng Toàn Thắng cảnh báo.
Nói về đường bắp, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay: “Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về lợi ích, tác hại của đường chiết xuất từ bắp bằng phương pháp thủy phân nên các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, có biện pháp để kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này. Điều đó vừa tạo an toàn cho người sử dụng vừa giúp các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động kinh doanh”.
Đứng ở góc độ người tiêu dùng, ông Thắng lo ngại: “Các loại nước giải khát, nước ngọt và bánh kẹo... trên thị trường có bao nhiêu sản phẩm sử dụng đường bắp? Công tác hậu kiểm đối với các doanh nghiệp sản xuất như thế nào để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người sử dụng?”.
Việc đường bắp có ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng hay không vẫn chưa ngã ngũ, loại đường này đang tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt, khi có mức thuế nhập khẩu 0%. Ông Doanh cũng cho biết: “Hiện chưa có cơ quan chức năng nào của Việt Nam kiểm soát loại đường này, trong khi đó, thuế nhập khẩu lại là 0%, độ ngọt cao, giá rẻ... sẽ là sự cạnh tranh khốc liệt cho đường nội địa. Đó là một cuộc cạnh tranh không công bằng”.
Liên quan đến mặt hàng này, PV đã liên hệ với lãnh đạo sở Công Thương TP.HCM. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở cho biết: “Hiện chưa nắm thông tin này. Còn việc xuất nhập khẩu là do hải quan, chứ sở không quản lý?”.
Đường sản xuất trong nước tồn kho gần 55% Cùng với một số nguyên nhân khác, ông Doanh cho biết, đường bắp Trung Quốc đang khiến cho đường nội địa rơi vào tình trạng ế ẩm: “Tình đến hết ngày 19/5, lượng đường đang tồn kho khoảng 750.000 tấn (trong tổng số 1,36 triệu tấn đường do các nhà máy sản xuất), chiếm gần 55% tổng lượng đường sản xuất”. |
Thanh Tùng