Trao đổi với VTC ngày 15/1, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ vừa có cuộc họp định kỳ cùng với Tổng Giám đốc Cục 6 đường sắt Trung Quốc nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn còn lại tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông trước khi đi vào vận hành, khai thác.
Theo ông Đông, Bộ GTVT làm việc với tư vấn độc lập, đề nghị đơn vị này có những đánh giá chặt chẽ, khuyến cáo cụ thể với Tổng thầu, yêu cầu khắc phục triệt để các tồn tại của dự án này nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.
Theo Bộ GTVT, việc khó khăn cũng như gia tăng chi phí của Tổng thầu từ việc cung cấp hồ sơ hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Tổng thầu bắt nguồn từ sai sót của Tổng thầu trong việc thỏa thuận với các nhà thầu phụ sản xuất, cung cấp vật tư thiết bị liên quan.
Đến nay, Tổng thầu chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình theo đúng hợp đồng EPC đã ký kết và chủ đầu tư sẽ tiếp tục yêu cầu Tổng thầu thực hiện cũng như xử lý các chậm trễ, vi phạm cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Được biết, để chính thức nghiệm thu, bàn giao và đưa vào khai thác, các bên liên quan phải hoàn thiện nghiệm thu hoàn thành các hạng mục và công trình; Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư, đồng ý cho phép nghiệm thu đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
Ghi nhận của Tiền Phong, đại diện chủ đầu tư cho hay, việc yêu cầu Tổng Giám đốc Tổng thầu sang Việt Nam làm việc cũng là điều bình thường, vì khi dự án phát sinh vấn đề, hay có vướng mắc người đứng đầu nhà thầu phải sang làm việc để giải quyết. Đây cũng không phải lần đầu tiên lãnh đạo Tổng thầu bị yêu cầu sang Việt Nam để xử lý vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Theo Dân Trí, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.
Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, ban đầu Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng “lỡ hẹn” và phải lùi thời hạn vận hành sang năm 2018.
Hết năm 2018, tình trạng “lụt” tiến độ đã một lần nữa khiến cho kế hoạch vận hành dự án này bị “phá sản”, Tổng thầu Trung Quốc “hứa hẹn” sẽ khai thác vào tháng 4/2019 nhưng tới hết năm tuyến đường sắt vẫn không thể đưa vào khai thác do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết.
Không chỉ “bết bát” về tiến độ, tư vấn độc lập của Pháp còn đưa ra nhiều khuyến cáo về sự an toàn của tuyến đường sắt do Trung Quốc thực hiện suốt 10 năm không xong. Trong khi đó, Tổng thầu thừa nhận bị “mất giấy tờ” khi không cung cấp được đầy đủ trong hồ sơ dự án mà tư vấn Pháp yêu cầu.
Bá Di (T/h)