Đường sắt đổi đời nhờ “cơn sốt” food tour của Gen Z

Đường sắt đổi đời nhờ “cơn sốt” food tour của Gen Z

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 7, 09/07/2022 15:46

Việc nhiều bạn trẻ lựa chọn đi tàu hỏa về Tp.Hải Phòng để trải nghiệm food tour đã khiến lượng khách trên tuyến tăng trưởng một cách kỷ lục.

Người trẻ rủ nhau đi tàu

Thời gian gần đây, "food tour Hải Phòng " trở thành từ khóa hot được nhiều bạn trẻ tìm kiếm, đặc biệt là những người đang sống và làm việc ở khu vực thủ đô Hà Nội. Trên các mạng xã hội, nhiều hội nhóm đã được lập ra để "review Hải Phòng food tour". Tại đây, nhiều kinh nghiệm về ăn uống, đi lại, thuê khách sạn được người đi trước truyền lại cho người đi sau.

Chính điều này đã khiến việc đến Hải Phòng và trải nghiệm 1 ngày food tour nhanh chóng trở thành một trend mới của các bạn trẻ.

Điểm đáng chú ý là trong hành trình di chuyển giữa Hà Nội – Hải Phòng, rất nhiều bạn trẻ đã lựa chọn đường sắt trở thành phương thức di chuyển và trải nghiệm.

Tiêu dùng & Dư luận - Đường sắt đổi đời nhờ “cơn sốt” food tour của Gen Z

Phần lớn ghế ngồi trên các chuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng đều được phủ kín. 

Trò chuyện với Người Đưa Tin trên chuyến tàu HHP1 hướng về Thành phố Cảng, bạn trẻ Gia Linh (ở Quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội) cho biết: "Tôi biết đến Food tour Hải Phòng qua mạng xã hội và bạn bè giới thiệu. Hôm nay tranh thủ được nghỉ, tôi cùng nhóm bạn quyết định xuống Hải Phòng để trải nghiệm trực tiếp các món ngon, lạ như bánh đa cua, ốc, bánh đúc tàu, bánh bèo”.

Gia Linh cũng cho biết đây cũng là lần đâu tiên đi tàu của cô và trải nghiệm trên chuyến hành trình cũng rất khác lạ. “Đây là lần đầu tiên bọn mình đi tàu. Mặc dù có ô tô riêng nhưng chúng mình vẫn muốn thử trải nghiệm việc đi tàu như thế nào.  Ngoài việc, hơi lắc, tiếng ồn hơi lớn mình thấy đi tàu cũng khá thoải mái, trải nghiệm cũng khá mới mẻ. Sau khi ở Hải Phòng 2 ngày, chúng mình cũng sẽ về lại Hà Nội bằng tàu”, bạn trẻ chia sẻ.

Tiêu dùng & Dư luận - Đường sắt đổi đời nhờ “cơn sốt” food tour của Gen Z (Hình 2).

Du khách tới Hải Phòng qua ga Hải Phòng tăng đột biến trong quý II/2022. 

Cùng chung cảm xúc tìm kiếm trải nghiệm mới, Ngọc Mai một nhân viên văn phòng ở Hà Nội cũng chia sẻ: “Dạo này, tôi khá thích thú khi thấy bạn bè chia sẻ lịch trình đi chơi bằng tàu hỏa trên mạng xã hội. Muốn thay đổi không khí, trải nghiệm cảm giác mới, tôi và một vài người bạn mua vé tàu đi Hải Phòng.

Tôi chọn thành phố này vì khoảng cách gần Hà Nội, có thể đi về trong ngày, đồ ăn ngon và điểm check-in đa dạng.

Chúng tôi mua vé ngồi mềm điều hòa giá 90.000 đồng/chiều/người. Tàu đi tốc độ vừa phải, khoảng 2,5 giờ đồng hồ là tới nơi. Cuối tuần, khoang ngồi đông, không còn chỗ trống nhưng tôi vẫn có cảm giác thoải mái, không say sóng.

Quãng đường không quá xa, tàu đi qua nhiều vùng đất đẹp khiến tôi thích thú. Bình thường, tôi hay ngồi ở quán cà phê ngắm tàu chạy qua, còn giờ thì ngược lại nên cảm giác lạ lẫm và thú vị hơn”.

Đường sắt cũng trở nên thu hút các bạn trẻ với Ga Hải Phòng sẽ là địa điểm đầu tiên ngay khi đến với Hải Phòng khi di chuyển bằng đường sắt. Ga nằm giữa trung tâm thành phố nên rất thuận tiện để di chuyển. Đáng nói, Ga Hải Phòng còn là địa điểm check-in rất đẹp khi mang vẻ đẹp cổ kính, đậm chất kiến trúc Pháp.

"Từ Ga Hải Phòng, chúng tôi có thể đi bộ lang thang ra dải vườn hoa trung tâm rồi vào phố Lê Đại Hành ăn bánh bèo hoặc phố Cầu Đất ăn bánh đa cua. Đặc biệt đối với bạn nào ngại đi bộ thì thuê xe máy ngay tại khu vực ga với giá khoảng 150.000 đồng/ngày. Rất tiện lợi. Trước khi đi, chủ xe còn dặn dò cẩn thận để tránh lỗi vi phạm giao thông. Nói chung là rất ổn", bạn Lê Đạt, một sinh viên đang học ở Hà Nội, chia sẻ.

Tiêu dùng & Dư luận - Đường sắt đổi đời nhờ “cơn sốt” food tour của Gen Z (Hình 3).

Ga Hải Phòng, điểm chụp ảnh check in được ưa thích của các du khách trẻ.

Theo ghi nhận thực tế của Người Đưa Tin, phần lớn lượng hành khách trên các chuyến tàu trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng trong thời gian vừa qua đa phần đều là các bạn trẻ. Đặc biệt vào các ngày cuối tuần hoặc kỳ nghỉ lễ, số lượng hành khách còn có sự tăng trưởng mạnh hơn.

Có thể thấy, tìm kiếm trải nghiệm mới, giá vé ổn định, thủ tục nhanh gọn, thuận tiện di chuyển và dễ dàng ngắm cảnh đẹp hai bên đường đi... là ưu điểm được nhiều bạn trẻ liệt kê khi so sánh việc di chuyển bằng tàu hỏa với các phương tiện khác.

Lượng khách tăng kỷ lục

Hồ hởi trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Văn Hạnh - Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Hải Phòng thông tin, chỉ riêng trong quý II/2022, tổng sản lượng phục vụ hành khách trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng ước đạt gần 320.000 hành khách, trong đó riêng ga Hải Phòng đã có khoảng trên 100.000 lượt khách đến và gần 100.000 lượt khách đi.

So với cùng thời điểm năm 2019 (trước dịch Covid -19) lượng khách tới Ga Hải Phòng tăng trưởng mạnh.

“Trước đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sản lượng, doanh thu giảm nghiêm trọng, phải dừng chạy nhiều đoàn tàu khách. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại, du lịch của hành khách tăng cao, đặc biệt, tour ẩm thực đường phố Hải Phòng (foodtour) bằng phương tiện tàu hỏa được các bạn trẻ quan tâm và yêu thích. Từ đầu tháng 4/2022 lượng khách di chuyển bằng tàu hỏa tăng trên 70% so với trước đó.

Lượng hành khách đi/đến ở ga Hải Phòng chỉ trong quý II/2022 có khi phải bằng sản lượng của cả năm vận chuyển giai đoạn trước dịch”, ông Hạnh vui mừng cho biết.

Lý giải về nguyên nhân giúp lượt khách di chuyển bằng tàu hỏa tăng đáng kể, ông Trần Văn Hạnh cho rằng là do việc ga Hải Phòng kết hợp với Sở Du lịch Hải Phòng phát hành bản đồ foodtour và hướng dẫn miễn phí cho hành khách xuống tàu vào cuối tuần.

Tiêu dùng & Dư luận - Đường sắt đổi đời nhờ “cơn sốt” food tour của Gen Z (Hình 4).

Ông Trần Văn Hạnh - Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Hải Phòng.

“Nếu trước kia khi chưa có chương trình foodtour, trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng, chúng tôi chỉ duy trì 2 đôi tàu khách thì đến nay chúng tôi phải vận hành 4 đôi tàu riêng ngày cuối tuần thì chạy thêm 1 đôi tàu nữa mới đủ đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.

Nếu như trước kia, lượng khách đi và đến Hải Phòng bằng tàu hỏa chỉ từ 200 khách/tàu/1 chuyến thì đến nay duy trì ở mức trung bình 400 khách/tàu/1 chuyến, thời kỳ cao điểm như giỗ Tổ Hùng Vương, nghỉ lễ 30/4- 1/5, trung bình từ hơn 800 - 1.000 khách/chuyến. Đây là con số cao kỷ lục trong những năm trở lại đây.

Qua đây có thể thấy, người dân đã hứng thú trở lại với việc di chuyển bằng tàu hỏa, mức độ quan tâm của khách du lịch tới ẩm thực Hải Phòng. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho ngành đường sắt và ngành du lịch Hải Phòng”, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Hải Phòng khẳng định.

Ông Hạnh cũng cho biết thêm, chính nhờ việc lượng hành khách tăng cao đã khiến cho kết quả sản xuất kinh doanh của đường sắt Hải Phòng có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của người lao động được cải thiện rõ rệt, càng làm cho người lao động thêm gắn bó với công việc.

“Với sản lượng hành khách tăng mạnh, mức thu nhập của người lao động đã có sự cải thiện lớn, với mức tăng trung bình từ 35-40%. Lượng lao động phải nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến nay cũng đã quay trở lại làm việc”, ông Hạnh cho biết.

Niềm vui trước mắt, nỗi lo sau này

Ông Bùi Văn Hòa, Trưởng Phòng Quy hoạch - Kế hoạch và phát triển du lịch cho biết chương trình Food Tour Hải Phòng đã được Sở Du lịch phối hợp với Ga Hải Phòng triển khai từ tháng 7 năm 2019, tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên bị gián đoạn từ tháng 3/2020.

“Ngay sau khi du lịch được phép mở cửa hoàn toàn trở lại kể từ ngày 15/3/2022, hoạt động du lịch Hải Phòng đã dần được khôi phục và trở lên sôi động hơn. Đặc biệt, Foodtour Hải Phòng bằng đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đang trở thành trào lưu bùng nổ trên các nền tảng mạng xã hội, sản phẩm yêu thích của du khách, nhất là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên”, ông Hòa khẳng định.

Cũng theo ông Hòa, để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ du khách thăm quan, trải nghiệm Foodtour Hải Phòng bằng đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Sở Du lịch đã phối hợp với Ga Hải Phòng đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nâng cấp các toa tàu và nâng cao chất lượng phục vụ du khách tuyến Hà Nội -  Hải Phòng và ngược lại; tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh, ứng xử văn minh tại nhà Ga và các khu vực phục vụ khách, có các hình thức đặt vé linh hoạt và chính sách ưu đãi về giá vé cho du khách; điều chỉnh giờ tàu phù hợp với nhu cầu và lịch trình di chuyển của du khách.

Ngành đường sắt cũng phối hợp giới thiệu và phát bản đồ món ngon Hải Phòng, bản đồ các tọa độ check in nhằm cung cấp thông tin cho du khách trong hành trình trải nghiệm khám phá du lịch Hải Phòng.

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Hòa cũng thẳng thắn thừa nhận so với các phương tiện di chuyển khác, vận chuyển đường sắt còn một số hạn chế như hạ tầng đường sắt còn hạn chế khiến tốc độ của đoàn tàu chậm hơn so với các phương tiện giao thông khác; trang thiết bị và chất lượng dịch vụ trên đoàn tàu chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Thêm vào đó, hình thức đặt vé tàu qua mạng vẫn còn có những bất cập.

Chia sẻ nhiều trăn trở về hoạt động vận tải của ngành đường sắt, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Hải Phòng Trần Văn Hạnh cho biết dù bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng về lâu dài việc duy trì “phong độ” mới là câu chuyện đáng quan tâm.

“Bất cứ điều gì cũng sẽ có giai đoạn, đi đến đỉnh cao rồi sẽ tới thoái trào, thực tế câu chuyện của ngành đường sắt trong nhiều năm qua cũng không nằm ngoài điều đó. Mục tiêu của chúng tôi hiện nay là làm sao duy trì càng lâu càng tốt giai đoạn tăng trưởng. Để làm được như vậy, chúng tôi xác định phải thay đổi mình.

Trong khi việc thay đổi hạ tầng đường sắt, đóng mới, cải tạo các toa xe sẽ cần mất nhiều thời gian và nguồn lực lớn, chúng tôi sẽ ưu tiên vào việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, tăng cường công tác giáo dục đội ngũ lái tàu và nhân viên phục vụ thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vận tải đường sắt và ứng xử văn minh du lịch. Ngoài ra, tổ chức chương trình ưu đãi giảm giá, khuyến mãi cho du khách sử dụng dịch vụ thường xuyên với số lượng lớn”, ông Hạnh khẳng định.

Theo báo cáo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 của tổng công ty và của khối vận tải dự kiến tăng trưởng khá. Cụ thể, doanh thu toàn tổng công ty (hợp nhất) dự kiến thực hiện được hơn 3.279 tỷ đồng, bằng 105,2% cùng kỳ 2021.

Riêng Công ty mẹ, doanh thu dự kiến đạt hơn 988 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 22,5% cùng kỳ 2021. Doanh thu khối vận tải (thu trực tiếp từ hoạt động vận tải), doanh thu dự kiến hơn 1.729 tỷ, tăng trưởng hơn 38% so với cùng kỳ 2021.

Lý giải về nguyên nhân tăng trưởng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng cùng với việc dịch Covid-19 được kiểm soát, mở cửa du lịch trên toàn quốc, vận tải hành khách đã từng bước phục hồi, một số sản phẩm dịch vụ mới được các công ty vận tải đường sắt hợp tác với các công ty du lịch hoàn thiện và đưa vào khai thác, thu hút khách, tăng doanh thu.

Điển hình là tuyến Hà Nội - Hải Phòng với mô hình kết hợp food tour Hải Phòng bằng đường sắt đang thu hút lượng hành khách rất lớn. Cùng đó là các sản phẩm du lịch trọn gói tuyến Hà Nội - Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, cho thuê toa xe khách cộng đồng phục vụ vui chơi, tổ chức tiệc trên tàu...  

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.