Đường sắt Hà Nội, Sài Gòn lần lượt báo lãi kỷ lục

Đường sắt Hà Nội, Sài Gòn lần lượt báo lãi kỷ lục

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 2, 30/10/2023 16:16

Theo báo cáo mới công bố, Công ty Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đều lần lượt báo lãi kỷ lục trong 3 quý của năm 2023.

Đường sắt Hà Nội, Sài Gòn lần lượt báo lãi kỷ lục

Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 442 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 9 đạt hơn 1.358 tỷ; trong khi 9 tháng năm 2022 doanh thu đạt gần 1.200 tỷ. 

Đáng chú ý, doanh thu lớn cũng đem lại lợi nhuận 9 tháng kỷ lục cho doanh nghiệp này: đạt hơn 80 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ được hơn 38 tỷ.

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng công bố, doanh thu và thu nhập khác 9 tháng đạt hơn 1.912 tỷ đồng, tăng 8,64% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế hơn 97 tỷ, tăng tới hơn 177,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Trao đổi với báo Giao Thông, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp vận tải đường sắt đạt kết quả doanh thu cao do năm nay vận tải hành khách phục hồi mạnh mẽ, nhất là cao điểm vận tải Tết vào quý 1 và vận tải hè vào quý 3.

Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh kết quả cuối cùng của cả năm do đặc thù vận tải đường sắt, các chi phí lớn sẽ tập trung vào quý 4 như sửa chữa phương tiện, chi trả lương và các chi phí khác. Do vậy, kết thúc năm, lợi nhuận sẽ giảm mạnh.

Thông tin thêm, ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, vận tải đường sắt chỉ "thu" được cao vào quý 1 và quý 3, còn quý 4 là mùa thấp điểm nên doanh thu rất thấp trong khi chi phí bỏ ra lớn. Trong đó, chi phí sửa chữa phương tiện chiếm tỷ trọng nhiều nhất vì đây là thời gian tập trung sửa chữa toa xe để đảm bảo đưa ra khai thác chạy tàu tết nguyên đán an toàn.

"Năm 2022, 9 tháng Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn lãi hơn 38 tỷ đồng, nhưng kết thúc năm chỉ lãi được hơn 400 triệu đồng. Tương tự, năm 2022 Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội lãi hơn 4 tỷ. Năm nay, kế hoạch đầu năm Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đặt ra là không lỗ, nhưng đến nay dự kiến vẫn lãi khoảng 600 triệu đồng", ông Truyền cho hay.

Kinh tế vĩ mô - Đường sắt Hà Nội, Sài Gòn lần lượt báo lãi kỷ lục

Ảnh minh họa.

Tín hiệu vui khi hành khách quay trở lại đi tàu

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Sức khỏe & Đời sống, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Trọng Thịnh lý giải thành công này của ngành đường sắt chứng tỏ sự quay trở lại của hành khách là rất lớn, tiềm năng phát triển trong tương lai cũng rất cao. Thời gian dài vừa qua, ngành đường sắt kinh doanh thua lỗ, hành khách không mặn mà bởi rất nhiều lý do như chất lượng dịch vụ kém, quản lý vận hành còn nhiều tồn tại, giá thành so với các phương tiện khác như máy bay không có nhiều khác biệt... Đến nay, khi giá vé máy bay tăng cao trong khi dịch vụ hành khách của đường sắt được cải thiện, người dân quay trở lại phương tiện này cũng là dễ hiểu.

Trước đây ngành đường sắt đang rơi vào tình trạng quá cũ kỹ, lạc hậu, một trong những nguyên nhân chính là tư duy quản lý chậm đổi mới, thiếu đột phá. Do đó, đổi mới đường sắt phải làm cả phần "cứng" và "mềm". Phần cứng chính là đầu tư hạ tầng, sắp xếp lại bộ máy… còn phần mềm là thay đổi tư duy kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ… "Phải đổi mới toàn diện, triệt để như vậy thì đường sắt mới có thể tìm lại sức hút, lấy lại thị phần và phát triển được", chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, theo GS.TS Bùi Xuân Phong, nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam, trên thực tế, trong những năm qua, đường sắt cũng có sự phát triển nhất định, chỉ có điều tốc độ phát triển này không theo kịp các phương thức vận tải khác. Một trong những nguyên nhân kìm hãm đường sắt phát triển chính là hạn chế về mặt hạ tầng. Do đó, nâng cấp hạ tầng được coi là giải pháp mang đến hiệu quả nhanh nhất. Muốn vận tải đường sắt phát triển, Nhà nước phải có chính sách can thiệp, dành thêm nguồn lực đầu tư cho vận tải đường sắt. Tại các quốc gia phát triển, đường sắt tốc độ cao với khổ đường rộng, toa hiện đại, không gian trên tàu rộng rãi và kết nối rất thuận tiện. Đây cũng là một biện pháp để thúc đẩy, vực dậy ngành đường sắt.

Thông tin trên báo Nhân Dân, đường sắt là một chuyên ngành đặc thù, có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu vận tải lớn, kết nối các trung tâm kinh tế, đầu mối vận tải; phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly trung bình đến dài; khai thác tối đa năng lực mạng đường sắt hiện có đang là những đòi hỏi cấp thiết để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thông tin trên báo Chính Phủ, phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, các hành lang vận tải chính Đông-Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.

Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2025: Phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (Hà Nội-Vinh; Tp.HCM-Nha Trang).

- Đến năm 2030: Tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có. Tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn (Hà Nội, Tp.HCM...); phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội-Hải Phòng, Biên Hoà-Vũng Tàu...), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội-Lào Cai; Hà Nội-Lạng Sơn...), cảng hàng không quốc tế (Thủ Thiêm-Long Thành), đường sắt vành đai phía Đông khu đầu mối Hà Nội (Ngọc Hồi-Lạc Đạo-Bắc Hồng-Thạch Lỗi); đối với tuyến Tp.HCM-Cần Thơ đầu tư bằng phương thức đối tác công-tư (PPP) hoặc phương thức đầu tư khác phù hợp. Tiếp tục đầu tư hoàn thành tuyến Hà Nội-Hạ Long.

- Đến năm 2045: Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Tp.Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và Tp.HCM vào năm 2035. Hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam trước năm 2045; tuyến đường sắt khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối Tp.HCM; tuyến đường sắt kết nối với các đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế), các tỉnh Tây Nguyên; tuyến đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.