Đường sắt Việt Nam không có nhiều thay đổi sau hơn 100 năm
Xây dựng từ năm 1881, đến nay đường sắt Việt Nam không có km cao tốc hay đường đôi nào, thị phần chỉ chiếm 1,9% trong toàn ngành giao thông.
Theo GS.TS Đặng Đình Đào (đăng ý kiến trên tờ Nhịp Sống Kinh Tế), so với các nước trong khu vực, hệ thống đường sắt của Việt Nam đã có lịch sử 130 năm và là một trong những nước sớm có hệ thống đường sắt hiện đại.
Tuy nhiên, theo như nhiều người đánh giá, đường sắt Việt Nam vẫn không có gì thay đổi so với thế kỷ trước và dịch vụ đường sắt lại không khác gì thời bao cấp.
Một trong 8 nguyên nhân theo Giáo sư Đào là: “Kiểu làm ăn tư duy cũ kéo dài làm cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành đường sắt ngày càng yếu kém so với các doanh nghiệp kinh doanh các loại hình vận tải tư nhân khác, nhất là trình độ, kỹ năng quản trị kinh doanh cũng rất hạn chế. Ngay cả Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Vũ Anh Minh khi chia sẻ với Vietnamnet (18/04/2017) còn cho rằng: "Đóng tàu vì mục tiêu có bao nhiêu khách lên tàu chứ không phải có bao nhiêu ghế".
Khi là Bộ trưởng Giao thông Vận tải, trong thảo luận ở hội trường một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đường sắt (sửa đổi) ngày 30/5/2017, ông Trương Quang Nghĩa cho biết, thời gian qua, lĩnh vực vận tải đường sắt không được quan tâm nhiều.
"Việt Nam là một trong không nhiều nước sớm có hệ thống đường sắt hiện đại. Nhưng sau 100 năm thì đường sắt của chúng ta cứ kém dần đi và đến nay thì thực sự rất lạc hậu", ông Nghĩa đánh giá.
Trong một diễn biến liên quan, năm 2017, tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, lương “đìu hiu”, nhân viên ngành này ồ ạt nghỉ việc. Chỉ trong vòng 9 tháng, ngành đường sắt có tới 508 nhân viên nghỉ việc.
1 tuần 4 vụ tai nạn đường sắt
Ngành đường sắt tuần qua càng khiến dư luận lo lắng hơn khi liên tục xảy ra các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, 13h ngày 27/5, tàu hàng SH3 chạy Bắc Nam, khi tới xã Diễn An (Diễn Châu, Nghệ An) đâm trúng xe bồn trộn bê tông do tài xế Lê Văn Thể (31 tuổi, trú Nghệ An) cầm lái đang từ đường ngang dân sinh vượt qua đường sắt.
Cú đâm khiến xe bồn bị hất băng về phía trước gần 10 m, nằm sát mép đường ray, cabin vỡ nát. Đầu của tàu hàng bị hư hỏng. Rất may, vụ tai nạn không có thiệt hại về người, tài xế chỉ bị thương nhẹ.
Khoảng 16h30 ngày 26/5, tại cung đường thuộc sự quản lý của nhà ga Yên Xuân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An xảy ra vụ tai nạn đường sắt. Chiếc tàu hàng chở đá khi đang di chuyển thì bất ngờ 2 toa tàu bị văng khỏi đường ray và bị đổ nghiêng.
Nhận được thông tin, công ty đường sắt Nghệ Tĩnh, nhà ga Yên Xuân đã huy động lực lượng, phương tiện tới khắc phục sự cố để sớm thông tuyến. Đến khoảng 20h cùng ngày, trao đổi với PV, một cán bộ trực ban nhà ga Yên Xuân thông tin, hiện công tác khắc phục sự cố đã sắp hoàn thành và chuẩn bị thông tuyến. Vụ tai nạn không có thiệt hại về người, nguyên nhân bước đầu được xác định là do gãy trục toa.
Khoảng 17h chiều cùng ngày, tàu hàng SY2 đang chạy từ Nam ra Bắc, khi đi vào trong khu vực ga Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thì va chạm với tàu chở hàng mang số hiệu 2469 chạy chiều ngược lại. Thống kê sơ bộ, sự cố khiến 1 người bị thương, 100m đường ray bị hư hỏng cùng 3 toa hàng lệch khỏi đường ray, hàng tấn hàng hóa bị đổ nát.
Trước đó, vào 0h30 ngày 24/5 một vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Thanh Hóa làm 2 người chết, 11 người khác bị thương và gây hư hỏng nhiều toa tàu.
Thành Huế