Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai thuộc hành lang Côn Minh - Hải Phòng đã chỉ ra nhiều sai sót, phải xử lý tài chính ở mức kỷ lục, gần 585 tỷ đồng.
Được biết, tổng giá trị dự án là hơn 3.434 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước xác định, đã có sai sót ngay từ bước lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư như: Xác định nhu cầu đầu tư chưa sát thực tế dẫn đến việc thay ray P43 thành ray P50 làm lãng phí vốn đầu tư khoảng 930,6 tỷ đồng; xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác số tiền 315 tỷ đồng…
Theo ghi nhận, từ trước đến nay, ngành đường sắt vẫn nói rằng thiếu vốn để nâng cấp hệ thống, thế nhưng ở dự án nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai mặc dù có vốn nhưng lại sử dụng không hiệu quả. Sau sự việc trên, dư luận băn khoăn đặt dấu hỏi, liệu tình trạng đường sắt lạc hậu là do thực sự thiếu vốn hay do ngành đường sắt sử dụng nguồn vốn không hiệu quả.
Xung quanh vấn đề trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Đánh giá toàn cục thì việc cải tiến, đầu tư để nâng cấp toàn hệ thống ngành đường sắt là đúng. Bởi vì thực tế hiện nay, hệ thống đường sắt của chúng ta đang lạc hậu, điển hình như chạy chậm, mức độ an toàn chưa cao, các cầu thì xập xệ, xuống cấp.
Một trong những nguyên nhân tồn tại thực trạng trên đúng là do thiếu vốn. Còn ở một dự án cụ thể, nếu anh đầu tư không hiệu quả, lãng phí chỗ này chỗ kia thì đó lại là chuyện khác. Không thể đánh đồng nói rằng nguồn vốn chung đang thừa và do đầu tư không hiệu quả nên hệ thống đường sắt bị xập xệ. Cái đó là không phải. Việc sử dụng vốn sai phạm, lãng phí là cá biệt ở một số dự án”.
Vị Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích: “Thiếu vốn, thứ nhất là để sửa sang cho hệ thống đường sắt đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn. Thứ hai là để đầu tư đổi mới hệ thống đường sắt sang hệ thống hiện đại mà các nước tiên tiến trên thế giới đang dùng – đây là 1 đề án rất lớn, có lộ trình lâu dài.
Còn hiện tại trước mắt là đang thiếu vốn để nâng cấp. Ngành đường sắt thiếu vốn là đúng, bởi vì làm ăn không có lãi, ngân sách thì không thể đủ để nâng cấp toàn bộ hệ thống.
Việc dự án hiệu quả hay không thì không phải do nguồn vốn ngân sách ít hay nhiều, điều đó phụ thuộc vào con người, nó độc lập với vấn đề thừa vốn hay thiếu vốn”.
Đại biểu Phùng Văn Hùng chia sẻ thêm, theo quy định thì dù vốn ít hay nhiều, các ngành đều phải sử dụng làm sao cho hiệu quả, kể cả ngành đường sắt.
Vị Đại biểu Quốc hội nói: “Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách đang eo hẹp mà ngành đường sắt lại đang xuống cấp trầm trọng, cần cải tạo mà lại để xảy ra một số dự án thất thoát lãng phí, rõ ràng người trực tiếp và người đứng đầu ngành phải có trách nhiệm trong chuyện này.
Luật pháp từ trước đến nay, mỗi khi xảy ra các vụ việc thì bao giờ cũng nói đến trách nhiệm của người đứng đầu và người làm trực tiếp. Tùy theo mức độ để xảy ra sai sót, tiêu cực trong dự án đầu tư thì những người liên quan phải chịu trách nhiệm và bị xử lý tương ứng”.