Đứt gãy mối liên kết nhà trường - doanh nghiệp vì dịch Covid - 19

Đứt gãy mối liên kết nhà trường - doanh nghiệp vì dịch Covid - 19

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 5, 22/07/2021 10:50

Covid-19 kéo dài và phức tạp khiến cho việc tuyển sinh và đào tạo gặp rất nhiều khó khăn, trong đó mối liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp cũng bị đứt gãy.

Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Sang- Hiệu trưởng trường cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giúp các trường vượt qua cơn bão mang tên Covid - 19.

Giáo dục - Đứt gãy mối liên kết nhà trường - doanh nghiệp vì dịch Covid - 19

TS. Nguyễn Xuân Sang- Hiệu trưởng trường cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội. Ảnh Trọng Tùng

PV: Mở đầu cuộc trò chuyện bằng khó khăn không biết có khiến ông buồn không? Nhưng tôi cảm nhận rằng các cơ sở giáo dục tư nhân nói chung và khối trường nghề nói riêng đang gặp khó?

TS. Nguyễn Xuân Sang: Đúng là trong 2 năm vừa rồi các trường gặp khó khăn đặc biệt là các trường ngoài công lập. Tôi có trao đổi với lãnh đạo của nhiều trường, nhìn chung bị ảnh hưởng rất là nghiêm trọng. Số lượng học sinh đang theo học bị sụt giảm do khi dịch xảy ra các em về quê không lên học được, rồi nhiều em cũng đi làm vì kinh tế gia đình cũng bị ảnh hưởng mà thế nên các em có cơ hội chuyển đổi sang đi làm cái khác.

Trong khi trường học không như một quán nước hay quán ăn nói đóng cửa là đóng, chúng tôi vẫn phải duy trì để hoạt động. Cái duy trì khó của trường học là duy trì bộ máy, nếu không duy trì được bộ máy thì cán bộ, giảng viên sẽ nghỉ, để xây dựng bộ máy phải mất rất nhiều năm.

Có những trường đi thuê mướn cơ sở vật chất thì lại càng khó khăn hơn. Dù thuê mướn thì vẫn phải duy trì để khi hết dịch thì các em lên học còn có chỗ học, chứ không thể vì dịch mà không thuê nữa, như thế thì các em không có chỗ nào học, hơn thế nữa những trường được cấp phép ở địa điểm đấy thì đương nhiên là phải thuê rồi.

PV: Có thể hiểu là trường học thì nguồn thu chính đến từ học phí, vậy tuyển sinh thì sao trong bối cảnh dịch?

TS. Nguyễn Xuân Sang: Nguồn thu của các trường chủ yếu là học phí, sụt giảm nhiều. Như năm nay, số sinh viên nhập học mới thì đến bây giờ vẫn chưa thể biết chính xác được, chỉ có đăng ký online và gửi hồ sơ lên thôi chứ còn lên các trường học tại Hà Nội thì còn phụ thuộc vào cái tình hình dịch và chủ trương chung của Thành phố, của Bộ.

Cần tìm các biện pháp tháo gỡ, kể cả như cơ quan chức năng nên cho phép liên kết đào tạo mở hơn để cho các trường vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Nhưng mấu chốt phải đến khi các em sinh viên lên học được.

Đợt dịch này phải mất ít nhất ba năm thì nó mới có thể kết nối lại thành chuỗi được. Sẽ có nhiều sinh viên rơi vào cảnh thất nghiệp trong nhiều năm tới, cụ thể một số sinh viên mới kiếm được việc làm khi xảy ra dịch thì mất việc hoặc chuyển đổi sang công việc khác. Cộng với số sinh viên ra trường nhưng chưa kiếm được việc làm thì để giải quyết được sẽ mất rất nhiều thời gian.

PV: Như ông nói thì dịch bệnh đang làm thay đổi rất nhiều trong đào tạo, nó có làm thay đổi xu hướng việc làm trong tương lai không?

Dịch bệnh nó chỉ có giai đoạn, hết dịch thì cuộc sống xã hội lại vận hành bình thường. Tôi chỉ muốn nói đến việc lựa chọn ngành nghề của các bạn trẻ, cần cân nhắc lựa chọn chứ không chỉ là việc theo đám đông. Nhiều người học đang lựa chọn ngành nghề theo số đông mà không tính đến các yếu tố phát triển và nhu cầu xã hội trong tương lai. Nếu mà không cân đối được việc này mà để tình trạng chạy đua theo số đông diễn ra ở cả cơ sở đào tạo và người học thì sẽ dẫn tới tình trạng ùn ứ lao động ngành này, còn ngành khác lại thiếu hụt.

Ví dụ bây giờ khối ngành xây dựng rất ít người học, mà xu thế xây dựng đất nước đang phát triển mạnh thì chắc chắn sẽ thiếu hụt nhân lực trong ngành này. Nhiều khi các doanh nghiệp gọi cho tôi hỏi sinh viên khối cơ khí, xây dựng nhưng mà thực sự là khó, sinh viên không học. Bản chất thì những ngành này cũng vất vả hơn, còn việc thì không phải lo, khẳng định luôn. Tôi cảm tưởng như giới trẻ bây giờ thích chọn công việc nhàn, ngồi máy lạnh nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc sở LĐ-TB-XH Hà Nội, cho biết đến thời điểm này, giáo dục nghề nghiệp tại thủ đô chỉ mới đạt 16% chỉ tiêu và sẽ rất khó để thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra trong năm 2021. Nhiều trường CĐ, trung cấp trên toàn quốc cũng đạt dưới 20% chỉ tiêu.

PV: Đối với các trường nghề, 70% thời gian đào tạo là thực hành, viện học online chắc hẳn gây không ít khó khăn?

TS. Nguyễn Xuân Sang: Tình trạng đứt gãy trong chuỗi nhà trường và doanh nghiệp, do không phải một mình trường học bị mà một chuỗi doanh nghiệp cũng đứt gãy, đặc biệt là khối ngành dịch vụ, du lịch. Những ngành đấy những năm trước sinh viên ra trường là có công ăn việc làm rất tốt nhưng bây giờ rất là khó. Việc tìm chỗ thực hành, thực tập cho các em cũng khó vì nhiều cơ quan bây giờ do tình hình chống dịch nên người ta cũng không nhận hoặc nhận với số lượng hạn chế..

Các trường cũng có hướng chuyển đổi số, xây dựng các bài giảng mô mô phỏng, thế nhưng chi phí để xây dựng lớn, kèm theo hạ tầng về công nghệ thông tin, về các cái yếu tố khác mà nhiều khi để giảng dạy bằng phương pháp qua online cũng gặp nhiều khó khăn.

PV: Vậy các trường có tính đến phương án đặt cơ sở đào tạo, thực hành trong các doanh nghiệp?

TS. Nguyễn Xuân Sang: Cũng có nhiều trường đã tính tới và việc này là rất thiết thực đối với mô hình liên kết nhà trường – doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn được vậy phải xin cấp phép từ cơ quan chức năng, để xin rất là lâu, đây quả là vướng mắc.

Khi người ta đã đặt hàng thì là người ta trả tiền, không có chuyện người ta giải ngân. Họ muốn các sinh viên được đào tạo ngay tại doanh nghiệp của họ, để làm quen và khi ra trường có thể làm việc được ngay. Một doanh nghiệp đã đặt hàng nhà trường đào tạo sinh viên, thì làm gì có chuyện họ trả tiền mà mình lại không đảm bảo chất lưọng đào tạo, chất lượng đấy chính doanh nghiệp thẩm định là tốt nhất, vì đó là yếu tố phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.

Nếu làm được như vậy thì rất tốt, nhà trường là chủ thể về chức năng pháp lý, đào tạo. Khi sinh viên được đào tạo chính ở doanh nghiệp, thì sẽ được hưởng lọi từ cơ sở vật chất của doanh nghiệp vốn đã quá đầy đủ máy móc thiết bị, giảm bớt gánh nặng cho nhà trường về đầu tư trang thiết bị.

Nhưng như đã nói ở trên, vấn đề đặt ra nếu đặt điểm đào tạo ở doanh nghiệp thì nhà trường phải đăng ký với nhiều thủ tục phiền hà. Nếu có thể vận dụng cho trường báo cáo thôi thì sẽ rất thuận tiện.

PV: Đó là về cơ chế, còn về tài chính thì sao? Các trường có thể tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ không?

TS. Nguyễn Xuân Sang: Các trường ngoài công lập, gần như trường nào cũng cần nguồn vốn, vì nguồn vốn để đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp rất là lớn. Nhưng vấn đề là lãi suất như thế nào? Nếu lãi suất mà cao thì các trường không dám vay, vì vay thì không có cái để mà trả, thế thì vay lãi suất phải có cái mang tính chất khuyến khích để hỗ trợ cho các trường, thì giáo dục nghề nghiệp mới có lực.

Ví dụ đơn giản như này, một trường một năm tuyển sinh 1000 em, học phí là 12 triêu/năm, thì 1 năm thu được khoảng 12 tỉ. Thế nhưng nếu giả sử đầu tư vào mấy ngành chi phí lớn như cơ điện tử, có khi 1 cái máy mà phòng máy lại hết sạch rồi. Đầu tư lớn như vậy, nhưng trang thiết bị thì cũng rất nhanh lỗi thời. Ngay đầu tư công nghệ thông tin, 3 năm là đã máy đã hỏng đã lỗi thời rồi, mà máy thì cấu hình ngày càng cao, các ngành đào tạo thì nhanh lắm.

PV: Giới chính trị gia hay dùng câu “tìm cơ trong nguy”, đối với trường mình trong thời gian dịch bệnh đã và đang làm gì để có thể tạo tiền đề phát triển sau khi hết dịch?

TS. Nguyễn Xuân Sang: Dịch bệnh cũng là thời cơ để đội ngũ cán bộ, giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật về công nghệ. Đơn giản như trước đây thầy cô không biết dạy trực tuyến là gì, qua đợt dịch này thầy cô biết biết tiếp cận xây dụng bài giảng về giáo án điện tử, xây dựng mô hình nhóm, mà trước đây ngại tiếp cận.

Trường cũng rà soát toàn bộ nội dung, toàn bộ các chương trình đào tạo, cập nhật những cái mới, sau đấy là xây dựng lại và thẩm định. Chúng tôi mời cả doanh nghiệp vào thẩm định, cả chuyên môn vào để xem chương trình của mình nó phù hợp chưa, từng ngành từng ngành một.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tuyển sinh gặp khó

Giáo dục - Đứt gãy mối liên kết nhà trường - doanh nghiệp vì dịch Covid - 19 (Hình 2).

ThS. Bùi Kiến Thiết - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y Hà Nội

ThS. Bùi Kiến Thiết - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y Hà Nội: Công tác tuyển sinh, chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm 2021 gặp nhiều khó khăn. Năm nay việc tư vấn tuyển sinh tại THPT trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận không thực hiện được, bởi vì bản thân các trường THPT hay các trung tâm giáo dục thường xuyên thì cũng hạn chế việc tiếp xúc với mọi người. Vậy nên năm nay chúng tôi chỉ có thể tư vấn tuyển sinh trên hệ thống thông tin của trường (website, zalo, facebook), chính vì thế công tác tuyển sinh của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, số lượng học viên đăng ký qua kênh tuyển sinh của trường từ online cho đến trực tiếp mới đạt 50%.

Đối với việc đào tạo trong kế hoạch theo tiến độ năm học thì có những học phần, có những module của môn học thì sinh viên phải đi thực tế, thực hành tại các bệnh viện, nhà thuốc, công ty sản xuất thuốc, trung tâm spa... nhưng vì dịch bệnh nên nhà trường đã phải thống nhất với các cơ sở thực hành để tạm dừng lại.

Hiện nay, bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn về đối tượng được tham gia tiêm vắc -xin. Tôi cũng mong rằng sinh viên, giáo viên, cán bộ trong các nhà trường sớm được tiêm vắc – xin để hệ thống các trường sớm được trở lại bình thường.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.